Lào, Campuchia dừng giao đất trồng cao su và khai mỏ

ThienNhien.Net – Nhằm kiểm tra, đánh giá và hối thúc tiến độ các dự án đã được cấp phép, Chính phủ hai nước Lào và Campuchia đã thực hiện điều chỉnh một số chính sách đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt là các chính sách đất đai liên quan đến các dự án trồng cao su và khai thác tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, từ ngày 11/6/2012, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc dừng xem xét và cấp phép dự án đầu tư mới vào lĩnh vực tìm kiếm và khảo sát khoáng sản, dự án trồng cao su và bạch đàn trong toàn quốc.

Trước đó, ngày 7/5/2010, Thủ tướng Campuchia cũng ban hành Sắc lệnh số 01 về việc tạm dừng việc giao đất trồng cao su và khẳng định không giao đất thêm cho các dự án mới đến ngày 21/12/2015. Ngày 4/9/2012, cơ quan chức năng của Campuchia tiếp tục ra thông báo tạm ngưng việc khai thác gỗ tại tất cả các khu vực đất tô nhượng kinh tế có diện tích rừng già hoặc khu vực bảo tồn và khu vực rừng giữ lại, ngoại trừ trường hợp có quyết định của Chính phủ nước này – thông tin từ Thời báo Kinh tế Việt Nam online ngày 27/10.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Trước những thay đổi về mặt chính sách đáng chú ý nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay trong đầu tháng 8 đã chủ trì, phối hợp với các ban ngành và các doanh nghiệp tổ chức cuộc họp nhằm quán triệt một số nội dung liên quan đến chính sách mới của hai nước trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp và khoáng sản.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cũng đã gửi văn bản lưu ý các nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư sang Lào và Campuchia về những thay đổi đáng chú ý nêu trên. Theo đó, Cục khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, mục tiêu quy định trong giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp; các nội dung quy định trong các văn bản pháp lý, các giấy phép được chính quyền nước sở tại cấp cho nhà đầu tư.

Với các dự án trồng cây công nghiệp, trong bối cảnh phía Lào, Campuchia đang hạn chế việc giao đất, nhà đầu tư Việt Nam cần chủ động rà soát và nghiên cứu kỹ lưỡng các thủ tục giao đất theo quy định của nước sở tại để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ của dự án.

Bên cạnh đó, cần lưu ý việc tập hợp và lưu lại các chứng từ liên quan đến các hoạt động chi phí vật tư, hàng hóa, nguyên liệu đưa từ Việt Nam sang Campuchia phục vụ cho dự án để bảo đảm quyền lợi của mình.

Cùng liên quan đến việc thắt chặt các dự án về rừng, mới đây, tại cuộc họp lần thứ ba của Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất tạm không khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, hay còn gọi là đóng cửa rừng. Đây được cho là biện pháp mạnh về chính sách nhằm hạn chế tiến tới triệt tiêu được tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hóa nguồn gốc gỗ bất hợp pháp ở nước ta.

Thống kê số liệu cho thấy, tại Lào, tính đến hết tháng 9/2012, Việt Nam có 214 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam đạt trên 3,45 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Lào tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông lâm nghiệp…

Trong khi đó, tại Campuchia, tính đến hết tháng 9/2012, Việt Nam có 120 dự án đầu tư sang Campuchia đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam đạt 2,64 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 763,43 triệu USD; tổng doanh thu đạt 546,92 triệu USD và lợi nhuận thu được là 108,25 triệu USD.