Giải pháp bền vững cho nguồn nước Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Để quản lý tài nguyên nước đảm bảo khai thác bền vững, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện Dự án "Quản lý sử dụng nước ngầm ở Tây Nguyên, Việt Nam" nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách về nước ở tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những dự án đầu tiên nghiên cứu để xây dựng phương pháp luận, phương pháp tính giá trị kinh tế của TNN cho các mục đích sử dụng nước khác nhau.

Mục tiêu chính của dự án nghiên cứu này là hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách về nước ở tỉnh Đắk Lắk thông qua thu thập và phân tích các thông tin kinh tế. Cụ thể là, dự án bao gồm một số các nghiên cứu ước tính giá trị kinh tế của việc cung cấp thêm nước cho các đối tượng sử dụng thuộc tỉnh Đắk Lắk. Các đối tượng này bao gồm các hộ dân, người trồng cà phê, trồng lúa và các đối tượng hưởng lợi từ các dịch vụ sinh thái do nước mang lại. Bằng việc so sánh các giá trị biên ước tính này, có thể rút ra kết luận về các khả năng thay đổi phân bổ nguồn nước để cải thiện phúc lợi xã hội của người dân cao nguyên. Các cơ chế chính sách để đạt được sự thay đổi đó cũng được cân nhắc.

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án, hiện nay việc sử dụng nước tưới cho sản xuất cà phê ở Tây Nguyên là quá mức cần thiết, có nghĩa là lượng nước sử dụng thêm không làm tăng thêm sản lượng mà chỉ làm tăng chi phí vận hành máy bơm, hơn nữa, đối với vùng có tần suất khô hạn cao như Tây Nguyên, điều này càng không cần thiết. Qua điều tra và phân tích việc sử dụng nước cho thấy, trong mùa khô, các chủ vườn cà phê dùng 1050 lít nước/cây cho mỗi lần tưới để tưới cho mỗi cây cà phê, tuy nhiên, để đạt được sản lượng tối đa chỉ cần sử dụng từ 400-650 lít nước với chế độ tưới 2-4 lần vào mùa khô.

Chính vì vậy, các chuyên gia thực hiện dự án khuyến nghị nếu các chủ vườn cà phê ở vùng cao nguyên Đắk Lắk áp dụng phương pháp tưới ba lần cách đều nhau, khoảng cách giữa các lần tưới là 20 ngày, với tổng lượng nước cho mỗi cây là 550 lít trong mỗi lần tưới, mật độ là 1050 cây/hecta, mỗi năm lượng nước sử dụng cho 130.000 hecta cà phê vào mùa khô sẽ giảm được 340.000 triệu lít. Theo tính toán, lượng nước tiết kiệm được sẽ là 30% lượng nước trung bình hàng năm đổ vào tầng ngậm nước tự do của cao nguyên.

Một kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, các hộ dân ở Đắk Lắk đang sử dụng lượng phân bón cho cà phê lớn hơn rất nhiều so với lượng phân bón tối đa quy định. Hiện tại các hộ dân đang sử dụng lượng phân bón trung bình cho từng cây là 0,44 kg đạm; 0,19 kg lân và 0,41 kg Kali, tuy nhiên, lượng phân bón từng cây nên áp dụng theo quy định chỉ là 0,25 kg đạm; 0,09 kg lân và 0,27 kg Kali là có thể thu được sản lượng tối đa.

Theo các nhà khoa học, nếu sử dụng nước và phân bón không hợp lý, quá mức cần thiết không những sẽ tiêu tốn nhiều tiền của người dân mà còn tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất do lượng phân bón nhiều, cây không hấp thụ hết bị ngấm xuống các tầng chứa nước phía dưới, ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất.

Qua phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế trong sử dụng nước và phân bón trong canh tác cà phê ở Đắk Lắk, các nhà nghiên cứu của dự án cũng đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp, các hộ gia đình trồng cà phê các quy trình tưới nước cho cây các phê trong mùa khô, nhằm đảm bảo đủ độ ẩm, lượng nước cần thiết để cây cà phê cho năng suất cao và tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa tránh tình trạng lãng phí tài nguyên nước…
 
Cụ thể là để đạt được sản lượng cà phê tối đa bởi chương trình tưới, các chủ vườn cà phê ở Đắk Lắk cần bắt đầu triển khai tưới trước nửa đầu tháng Một, ở lần tưới đầu nên tưới nhiều nước cho cây nhằm kích thích cây đâm chồi, nhiều lộc. Các lần tưới sau đó cách nhau khoảng 16 đến 21 ngày cho đến khi hết mùa khô.

Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thêm nước cho sản xuất lúa có tạo ra giá trị kinh tế, nhưng rất thấp. Cụ thể là, nếu người dân phải chi trả hơn 50 đồng cho một mét khối nước thì việc trồng lúa nước vào mùa khô ở Đắk Lắk sẽ không đem lại lợi nhuận. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán tiết kiệm nước trong việc trồng lúa ở Tây Nguyên, Dự án vẫn đưa ra khuyến nghị các hộ dân nên áp dụng biện pháp tưới ‘ngập – không ngập’ sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn việc canh tác ngập thường xuyên như hiện nay. Kiểu canh tác ‘ngập – không ngập’ cũng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng nước nhưng đồng thời không tăng nguồn cung sẵn có trên cao nguyên bởi vì cách thức canh tác ngập nước hiện tại cũng giúp tái tạo lại các nguồn nước ngầm.

Nghiên cứu về sử dụng nước sinh hoạt ở Buôn Ma Thuật trong khuôn khổ dự án chỉ ra rằng hầu hết nước cho các hộ dân được lấy từ hệ thống cung cấp nước đô thị và từ các giếng khoan nông của tư nhân. Đối với những hộ dân chỉ sử dụng hệ thống cấp nước đô thị thì họ sẵn lòng trả 3.750 đồng/m3. Nhưng với những hộ sử dụng cả 2 nguồn nước trên thì họ chỉ chấp nhận trả 2.550 đồng/m3.

Điều này phản ánh khả năng những hộ dân chuyển đổi sử dụng nước cấp đô thị sang nước giếng trong trường hợp thiếu nước cấp đô thị, đồng nghĩa rằng hiệu quả của sử dụng giá nước như công cụ để quản lý nhu cầu của các hộ dân ở Buôn Ma Thuột còn hạn chế, tổng lượng nước sử dụng của hộ dân sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, việc tăng ở mức thấp nhất phí nước của Công ty cung cấp nước Buôn Ma Thuật là khả thi và có thể đảm bảo bù đắp chi phí.

Dự án cũng thực hiện một nghiên cứu đánh giá dựa trên tình huống giả định về trách nhiệm của người dân Đắc Lắc trong việc sử dụng nước bền vững. Kết quả điều tra hết sức bất ngờ khi hầu hết các hộ gia đình được phỏng vấn đều sẵn lòng chi trả kinh phí cho những chương trình đào tạo để cải thiện hiệu quả sử dụng nước tưới cho các vườn cà phê như đào tạo nông dân về sử dụng nước để tăng việc cung cấp nước tại chỗ và tăng hệ thống dịch vụ của hệ sinh thái nước. Điều này thể hiện trách nhiệm và ý thức của người dân đến việc bảo vệ tài nguyên nước cho các thế hệ tương lai.

Tây Nguyên là một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng đầy tiềm năng của nước ta với tài nguyên quý hiếm được thiên nhiên ban tặng là vùng đất đỏ Bazan rộng lớn thuận lợi cho canh tác các cây trồng, nhất là các cây trồng đặc sản nhiệt đới có giá trị kinh tế cao như Cà phê, Hồ tiêu, chè,… nhưng tài nguyên đất Bazan chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được các tài nguyên khác hỗ trợ, kết hợp chặt chẽ, đặc biệt là tài nguyên nước. Do vậy cần thiết phải nghiên cứu tính toán cân bằng và sử dụng nước trên vùng đất Bazan – Tây Nguyên bằng việc áp dụng những giải pháp tiết kiệm nước, giữ nước, giữ ẩm để giảm lượng nước tưới cho các cây trồng.

Năm 2005, trong chuyến công tác và làm việc với đại diện chính quyền và lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường 5 tỉnh Tây Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực cũng cho rằng “Tây Nguyên phải thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế và cây trồng, ưu tiên những ngành nghề và cây trồng sử dụng ít tài nguyên nước hơn. Nếu không quản lý tốt nguồn tài nguyên nước, Tây Nguyên có thể sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng thoái hóa đất – hoang mạc hóa”.