Chuyển đổi nghề cá ven biển ở Việt Nam: Nghề cá và đói nghèo

ThienNhien.Net – Mối liên hệ giữa nghề cá không bền vững và đói nghèo là chủ đề chính được thảo luận tại “Cuộc họp Xanh” do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và WWF Greater Mekong – Chương trình Việt Nam đồng tổ chức trong tháng 12/2007 vừa qua với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ.

Cuộc họp xanh lần thứ 2 hai tập trung thảo luận về xu hướng nghề cá ven biển bền vững và đặc biệt là những tác động đối với đời sống của người dân nghèo vùng biển.

Báo cáo nghiên cứu về nghề cá và đói nghèo của WWF và Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), cùng với kết quả nghiên cứu về sinh kế và nghề cá địa phương của MCD đã được trình bày tại cuộc họp.

Theo báo cáo của WWF, nghề cá gần bờ tại Việt Nam đã giảm mạnh do việc khai thác quá mức đã và đang ngày càng làm cho đời sống kinh tế của ngư dân ven biển bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo, những đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ hoặc nâng cấp công cụ nghề cá đã gặp trở ngại lớn, thậm chí còn gây thêm áp lực đối với trữ lượng thủy sản gần bờ vốn đã ngày càng suy kiệt. WWF cho rằng kế hoạch phát triển thủy sản đến năm 2010 là một bước tiến lớn, đặc biệt là mục tiêu cắt giảm 50% cường lực đánh bắt gần bờ. Kế hoạch duy trì sự tăng trưởng chung của thủy sản thông qua các ngành nghề khác và tiếp tục chú trọng đến chất lượng và giá trị sản phẩm đã nhận được nhiều sự ủng hộ.

Tuy nhiên, sự hạn chế về năng lực trong việc giải quyết tình trạng khai thác quá mức trong khi vẫn phải duy trì sinh kế cho người dân và trình độ nhận thức còn thấp về việc duy trì mục tiêu tăng trưởng nghề cá gần bờ được coi là những trở ngại lớn nhất.

Trong buổi họp, các thành viên đã được nghe những thông tin cập nhật từ Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (NADAREP) về thực trạng, thách thức và khuynh hướng phát triển của việc khai thác ven bờ tại Việt Nam. “Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc đánh bắt cá gần bờ vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và bằng phương pháp sản xuất thủ công, dựa trên công nghệ thô sơ”, ông Lê Trần Nguyên Hùng, NADAREP phát biểu.

“Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo việc đánh bắt gần bờ là ổn định và bền vững trong tương lai đồng thời đảm bảo duy trì sinh kế cho người dân”, ông Hùng cho biết thêm.

Chia sẻ những kết quả ban đầu của nghiên cứu “ Nghề cá và đói nghèo”, WWF và VIFEP đã đề xuất những quan điểm và phương thức hữu hiệu cho nghề cá bền vững bao gồm tăng cường công tác quản lý dựa vào cộng đồng, thử nghiệm kế hoạch quản lý chú trọng đến mục tiêu bền vững kết hợp với các chiến lược về sinh kế.

Về vấn đề sinh kế, cả WWF và MCD đều cho ra rằng cần thiết phải tăng cường đưa yếu tố môi trường vào việc phát triển sinh kế như giáo dục, phát triển kĩ năng và cải thiện điều kiện sống hơn là chỉ đơn thuần chú trọng đến các dự án về sinh kế thay thế.

“Bản báo cáo không nhằm mục đích mô tả chi tiết mà chỉ xác định những vấn đề trọng tâm liên quan đến quản lý nghề cá và giảm đói nghèo ở Việt Nam, nhằm xác định các chiến lược tổng hợp cho nghề cá bền vững và hợp lý”, “Những vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua các kế hoạch giảm nghèo quốc gia và đầu tư trong lĩnh vực quản lý nghề cáông Keith Symington, Điều Phối viên chương trình biển của WWF cho biết.

Chia sẻ mối quan tâm chung, MCD nhận thấy thách thức lớn nhất của phát triển nghề cá là tìm ra những sinh kế thay thế không chỉ phù hợp đối với cộng đồng mà còn phải mang tính bền vững và khả thi. “Chúng tôi mong muốn được tham gia và hợp tác hơn nữa với các cơ quan chính phủ và các tổ chức khác nhằm tăng cường kết hợp nghề cá bền vững trong chiến lược đầu tư và phát triển nghề cá nói chung”, bà Trần Thị Hoa, Cán bộ Quản lý Thủy sản của MCD cho biết.

Viện trưởng Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong đối thoại về nghề cá bền vững ở Việt Nam. “Chính phủ hiện đang xây dựng các kế hoạch và chiến lược về thủy sản. Kinh nghiệm từ các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu được đánh giá cao trong việc hỗ trợ cho quá trình hoạch định các kế hoạch này và đưa ra các công cụ hữu hiệu để triển khai kế hoạch hiệu quả”, ông Hồi cho biết.