Mức tiêu dùng của thế giới vẫn không ngừng gia tăng

ThienNhien.Net – Trong khoảng 1,7 tỉ người tiêu dùng hiện nay, có gần một nửa là cư dân các nước đang phát triển. Lối sống và văn hóa hiện đại vốn chỉ phổ biến tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và một vài nước khác trong thế kỷ 20, nay đã lan rộng khắp toàn cầu. Dân số gia tăng cộng với những thay đổ̉i về lối sống khiến nhu cầu tiêu dùng của thế giới ngày càng trở nên khó kiểm soát.
 
Trên thế giới, sự tiêu dùng cá nhân – có thể hiểu như lượng tiền chi cho hàng hóa và dịch vụ gia đình – đạt mức 20 nghìn tỉ USD vào năm 2000, tăng gấp 4 lần so với năm 1960.

Tính đến năm 2002, thế giới có khoảng 1,2 tỉ hộ gia đình (tương đương 3/4 dân số toàn cầu) đã được sở hữu ít nhất là một chiếc tivi, đồng thời trên toàn thế giới có khoảng 1,1 tỉ thuê bao điện thoại cố định và 1,1 tỉ thuê bao di động. Hiện nay, mạng Internet đã giúp kết nối hơn 600 triệu người sử dụng. Nguyên nhân gia tăng mức tiêu dùng toàn cầu chủ  yếu là do sự gia tăng dân số.

Theo dự báo của tổ chức Liên hiệp quốc (LHQ), dân số thế giới sẽ tăng thêm 41% vào năm 2050, đạt 8,9 tỉ người. Trong đó, số dân gia tăng phần lớn là tại các nước đang phát triển. Sự gia tăng dân số quá nhanh đang đe dọa nguồn dự trữ tài nguyên và gây nguy cơ khó kiềm chế tổng mức tiêu dùng.

Người tiêu dùng trong tương lai

Một tỉ lệ lớn người tiêu dùng hiện sinh sống tại các nước đang phát triển. Số lượng người tiêu dùng tính riêng tại hai nước Trung Quốc và Ấn Độ hiện đã vượt quá khu vực Tây Âu mặc dù tính trung bình đầu người mức tiêu thụ của Tây Âu cao hơn.

Các nước đang phát triển cũng đồng thời là những nước có tiềm năng nhất trong việc mở rộng tầng lớp tiêu dùng (có thu nhập tương đối). Tầng lớp tiêu dùng đến nay chiếm chưa đầy một nửa dân số của các nước này nhưng sẽ không ngừng gia tăng.

Vào năm 2003, mỗi ngày Trung Quốc có thêm 11.000 xe ôtô lưu thông trên đường phố. Con số bổ sung cho mỗi năm là khoảng 4 triệu chiếc. Nếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này, vào năm 2015 các tuyến đường tại Trung Quốc sẽ bị tắc nghẽn vì số lượng xe ôtô lên đến 150 triệu chiếc, hơn tổng số xe ôtô lưu thông tại Mỹ năm 1999 18 triệu chiếc.

Nghịch lý toàn cầu

Bênh cạnh sự gia tăng mức tiêu dùng của thế giới còn tồn tại nhiều nghịch lý. Chẳng hạn như 12% dân số thế giới sinh sống tại khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu chiếm đến 60% mức tiêu dùng cá nhân, trong khi 1/3 dân số thế giới sống tại khu vực Nam Á và phía Nam sa mạc Sahara chỉ chiếm 3,2% mức tiêu dùng cá nhân. 2,8 tỉ người trên trái đất đang cố gắng tồn tại với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, và khoảng 1 tỉ người không được tiếp cận với nước sạch.

Mặc dù mức tiêu dùng đang gia tăng tại các nước đang phát triển song điều đó không có nghĩa các nước công nghiệp phát triển có thể né tránh hoặc phủi bớt trách nhiệm trước sự suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường.
 
Mỹ chiếm gần 5% dân số thế giới nhưng lại là nơi tiêu thụ 1/4 lượng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu. Số liệu năm 2003 cho biết lượng xe ôtô tại Mỹ nhiều hơn số người có bằng lái và các loại xe tiêu hao nhiều xăng lại nằm trong số các phương tiện giao thông được tiêu thụ nhiều nhất. Diện tích nhà ở trung bình tại Mỹ năm 2002 lớn hơn 38% so với năm 1975, mặc dù số nhân khẩu mỗi hộ gia đình lại ít hơn.

Vấn đề phát sinh

Cùng với dự báo dân số thế giới sẽ đạt mức gần 9 tỉ vào năm 2050, nếu như mức tiêu dùng vẫn tiếp tục gia tăng thì những tác động đến nguồn nước, chất lượng không khí, rừng, khí hậu, đa dạng sinh học và sức khỏa con người sẽ trở nên rất khốc liệt.

Vấn đề hiện nay của con người chính là những phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Trong số đó, vấn đề mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là sự ô nhiễm không khí và nước, cảnh quan môi trường bị suy thoái. Diện tích hầu hết các hệ sinh thái trên trái đất đang bị thu hẹp do các hoạt động của con người như xây dựng nhà cửa, nông trại, khu công nghiệp…

Theo số liệu thống kê của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên, chất lượng các hệ sinh thái đã suy giảm hơn 35% tính từ năm 1970. Theo tính toán, trên thế giới mỗi người có 1,9 hecta để khai thác các tài nguyên và nước sạch. Nhưng hiện nay, con người đang tăng mức sử dụng lên 2,3 hecta. Và người Mỹ đang mở rộng khu vực khai thác lên đến 9,7 hecta mỗi người, trong khi mỗi người Mozambic chỉ khai thác khoảng 0,47 hecta.

Các hoạt động mua sắm và tiêu dùng tràn lan trong xã hội cũng có liên quan đến sự suy giảm sức khỏe người dân tại nhiều quốc gia, Các bệnh béo phì, thừa năng lượng có xu hướng gia tăng. Theo ước tính của năm 1999, 65% người dân Mỹ đang thừa cân hoặc béo phì, khiến cho hàng năm có khoảng 300 ngàn người chết và tốn khoảng 117 tỉ USD cho chi phí chăm sóc sức khỏe. 

Đó là chưa kể đến việc nhiều người tiêu dùng không những tốn hàng đống tiền mà còn tốn rất nhiều thời gian cho việc mua sắm – điều đó thực sự có đáng không? Người ta có thể bớt chút thời gian mua sắm đó ra để làm các công việc gia đình, dành thời gian bên cạnh người thân, làm việc hoặc làm các công tác xã hội, từ thiện…

Những điều có thể làm

Các nhà nghiên cứu tiêu dùng, nhà kinh tế học, nhà xây dựng chiến lược và hàng loạt chuyên gia môi trường đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người mà không gây ảnh hưởng đến môi trường. Thêm vào đó, nhằm cân bằng mức tiêu dùng quá ít và quá nhiều, họ cũng đang tập trung vào các loại hình dịch vụ và hàng hóa, lấy dịch vụ thay thế hàng hóa, đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa có thể tái sử dụng và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Chính phủ các nước cũng có thể định hướng các chính sách khuyến khích và điều hòa thị trường tiêu dùng nhằm đảm bảo các mặt hàng có giá cả hợp lý mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn thế nữa, chính phủ cũng nên khẳng định vai trò của mình trong việc kiềm chế tiêu dùng quá mức bằng cách xóa bỏ những công cụ khuyến khích tiêu dùng. Các nước công nghiệp phát triển có thể giúp các nước đang phát triển giảm thiểu những tác động tiêu cực của tiêu dùng bằng cách hỗ trợ các công nghệ có hiệu quả cao hơn và thân thiện với môi trường hơn.