Hợp tác vì một nền ngư nghiệp bền vững

ThienNhien.Net – Sau nhiều thập kỉ trì trệ vì không lôi kéo được các chính phủ vào cuộc và những chiến dịch tuyên truyền cho người tiêu dùng không đem lại hiệu quả, ngành ngư nghiệp thế giới gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Wal-Mart, McDonald’s và những công ty lớn khác đã cam kết sẽ chỉ mua hải sản đánh bắt bền vững.

Khi các tập đoàn lớn nhập cuộc
 

Chúng ta đã được chứng kiến sự suy kiệt của nhiều loài hải sản trên thế giới do tình trạng đánh bắt quá mức của con người. Điển hình là số phận của loài cá tuyết ở Đại Tây Dương và Biển Bắc trong những thập niên 80 và 90. 

Tới khi khu vực này gần như tuyệt chủng loài cá tuyết, các nhà đánh bắt châu Âu lại hướng đến một ngư trường mới ở vùng biển Barents, phía Bắc nước Nga và bán đảo Scandinavi.

Hàng trăm tàu cá đã tìm đến vùng biển này và ít nhất một phần ba trong số đó là các tàu đánh bắt bất hợp pháp. Cho đến nay, một nửa số cá tuyết tiêu thụ trên thế giới là từ biển Barents, và người ta cũng dễ dàng nhận ra rằng nếu không có biện pháp kiềm chế thì thảm hoạ đối với loài cá tuyết đã xảy ra ở Đại Tây Dương có thể sẽ tái diễn ở vùng biển Barents trong một tương lai không xa.

Lo sợ trước những dự báo của các tổ chức môi trường về tương lai trữ lượng của loài cá tuyết, hai năm trước các tập đoàn tiêu thụ hải sản lớn nhất Châu Âu đã đồng ý áp dụng các luật định nghiêm khắc đối với các nhà cung cấp vùng biển Barents. Họ yêu cầu thanh tra đột xuất các tàu cá, tiến hành kiểm tra giấy phép hoạt động, lập sổ đen các tàu đánh cá bất hợp pháp và đảm bảo các tàu đánh bắt được cấp phép không khai thác vượt mức cho phép.

Kết quả thu được thật ấn tượng. Hội đồng Quốc tế về Thăm dò Biển (ICES) cho biết: tình trạng đánh bắt bất hợp pháp ở biển Barents đã giảm xuống gần một nửa trong năm ngoái và sẽ giảm mạnh nữa trong năm tới.

Điều này cho thấy vai trò của các tập đoàn tiêu thụ hải sản đối với việc lập lại trật tự và xây dựng các kế hoạch khai thác hải sản bền vững là rất lớn. Trong bối cảnh các nguồn thủy hải sản đang dần suy thoái, những dấu hiệu hợp tác đầu tiên về đánh bắt hải sản bền vững là những điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh toàn cảnh ảm đạm của ngành ngư nghiệp thế giới.

Vì chứng nhận khai thác bền vững của MSC

Hiện nay, các tổ chức của ngành ngư nghiệp đang hợp tác cùng các tập đoàn và các nhà cung cấp để cải thiện tình hình đánh bắt. Mục tiêu cuối cùng của họ là hải sản đánh bắt phải đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) – một chứng nhận có giá trị nhất trên thế giới về đánh bắt hải sản bền vững.

Được thành lập cách đây hơn một thập kỉ bởi “người khổng lồ bán lẻ” Unilever và Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Hội đồng Biển Quốc tế (MSC) đã lớn mạnh thành một tổ chức quốc tế độc lập. Cho đến nay MSC đã cấp chứng nhận khai thác bền vững cho 34 ngư trường trên toàn thế giới từ các ngư trường khai thác cá hồi Alaska đến cá tuyết hoki New Zealand, và 77 ngư trường khác đang được xem xét để cấp chứng nhận. Số lượng sản phẩm được MSC chứng nhận (ví dụ như cá hồi hun khói) đã tăng vọt từ 500 trong tháng 2/2007 lên gần 1200 trong tháng 10/2008.

Trong khi nguồn cá đang ngày một cạn kiệt và theo dự đoán của các nhà khoa học sẽ còn giảm mạnh nữa trong tương lai thì các tập đoàn bán lẻ lớn như Wal-Mart, Unilever và McDonald’s cũng rất lo ngại về nguồn cung cấp hải sản. Họ buộc phải sử dụng các thế mạnh kinh tế của mình với hy vọng có thể thay đổi tình trạng suy thoái nguồn cung cấp của ngành ngư nghiệp, một ngành công nghiệp vốn có lịch sử phá hoại chính nguồn tài nguyên kinh doanh của mình.

Năm ngoái, Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, đã tuyên bố rằng trong vòng 5 năm tới, tập đoàn này sẽ chỉ mua các loài cá được MSC chứng nhận. Ở Anh, tập đoàn Marks & Spencer cũng cam kết là đến năm 2012 sẽ chỉ thu mua các loại cá đạt chứng nhận MSC.

Jim Cannon, chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Bền vững, cho biết: “Có một số lượng lớn các ngư trường đến với MSC chỉ vì lời cam kết của Wal-Mart”. Nhưng ông cũng cho biết có rất nhiều ngư trường mà ông đã khảo sát chưa bao giờ và có thể là không bao giờ cung cấp cho Wal-Mart vẫn hướng đến MSC vì họ cho rằng nếu Wal-Mart có thể làm điều đó thì các tập đoàn bán lẻ khác cũng có thể làm. Động thái của các tập đoàn bán lẻ là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành ngư nghiệp thể giới.

Không lâu trước đây, người tiêu dùng được xem như nhân tố cơ bản tạo sự chuyển biến về khai thác hải sản chứ không phải các tập đoàn. Những tổ chức bảo tồn như Monetarey Bay Aquarium đã thiết kế các “thẻ hải sản” bỏ túi để giúp người tiêu dùng phân biệt hải sản đánh bắt bền vững và thiếu bền vững. Những nhà bảo tồn thiên nhiên hi vọng nhu cầu của người tiêu dùng về các loại hải sản “thân thiện với môi trường” sẽ thúc đẩy việc khai thác an toàn, đồng thời cũng hi vọng các ngư trường sẽ theo kịp lợi ích tài chính. Tuy nhiên, tác dụng của thẻ hải sản không mấy hiệu quả. Và người ta rút ra rằng: “Người tiêu dùng chưa phải là yếu tố then chốt”.

Nhưng dưới áp lực của các tập đoàn thu mua hải sản, kết quả thu được khả quan hơn nhiều. Các ngư trường bắt buộc phải áp dụng các biện pháp khai thác bền vững nếu muốn có thị trường ổn định. Như vậy các tập đoàn bán lẻ như Wal-Mart vừa có điều kiện thúc đẩy chương trình của MSC vừa đảm bảo nguồn cung cấp hải sản ổn định, đồng thời cũng đánh bóng được thương hiệu của mình.

Việc các tập đoàn bán lẻ tham gia vào công cuộc cải thiện quản lí ngành đánh bắt thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi từ đại dương cho thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với việc hướng đến hàng triệu khách hàng trong các chiến dịch vận động người tiêu dùng.

Còn đó những thách thức

Trước những hứa hẹn đầy khả quan của các tập đoàn bán lẻ về một tương lai ngư nghiệp bền vững, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi. Họ băn khoăn tự hỏi liệu các tập đoàn này sẽ tìm đâu ra một số lượng lớn hải sản được MSC chứng nhận. Họ cho rằng các ngư trường trên thế giới chỉ có thể được phục hồi khi chính phủ và các cơ quan quản lý ngành ngư nghiệp áp dụng các mức quota mới, nghiêm khắc hơn. Đồng thời xây dựng một mạng lưới các khu bảo tồn biển rộng khắp. Biển và các đại dương cần phải được bảo vệ như là một hệ sinh thái chứ không chỉ là một kho chứa cung cấp cho ngành ngư nghiệp.

Joshua Reichert, Giám đốc điều hành Tổ chức môi trường Pew, cho rằng: “Thị trường có tác động tích cực như thế nào đi chăng nữa thì vẫn không đủ mạnh để có thể phục hồi lại ngành ngư nghiệp thế giới. Vì những vấn đề liên quan đến ngành ngư nghiệp hiện nay đã quá nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ”.

Cho tới nay, phần lớn các chứng nhận của MSC đều hướng tới những ngư trường quy mô lớn đang hoạt động một cách bền vững. Có khoảng 66% sản lượng đánh bắt ở các ngư trường của Mỹ đã được chứng nhận MSC. Nhưng đa số đó là các ngư trường cá hồi và cá Pollock lớn ở Alaska.

Theo Cathy Roheim, một giáo sư ở Đại học Rodle Island chuyên nghiên cứu các nguyên lí kinh tế của việc đánh bắt hải sản bền vững, thì “những tín hiệu khả quan thời gian qua chỉ là một thành quả quá dễ dàng”. Những ngư trường đánh bắt nhỏ, ở các nước kém phát triển mới là khu vực khó khăn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngư dân, các thương nhân và các tổ chức bảo tồn mới có thể tạo ra được những ngư trường bên vững để được chứng nhận MSC.

Ngành ngư nghiệp thế giới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Do đó, sự cam kết tham gia của các tập đoàn bán lẻ lớn là một tín hiệu đáng mừng và hứa hẹn đem lại những hiệu quả thiết thực. Nhưng để có thể phục hồi các ngư trường đánh bắt hiện tại và hướng đến một tương lai bền vững cho ngành ngư nghiệp thế giới thì bên cạnh công cụ kinh tế và chứng nhận MSC cần phải có sự vào cuộc của các chính phủ, các tổ chức bảo tồn và của ngư dân – những người gần gũi nhất với công việc đánh bắt.