Triển vọng nuôi tôm sạch bằng chế phẩm sinh học EM

ThienNhien.Net – Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) đã phối hợp với trường Đại học Nông Lâm Huế hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật giúp 24 hộ dân xã Quảng An nuôi tôm sạch bệnh bằng chế phẩm sinh học EM. Ưu điểm của nuôi tôm bằng chế phẩm EM là tạo được môi trường sạch, chi phí thấp, tôm phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, nhất là các bệnh đốm trắng, đầu vàng, phân trắng…


Trên diện tích 15,25 ha mặt nước, với mật độ thả nuôi 15 con/m2, đến nay tất cả các hồ ở Quảng An đều đã thu hoạch, năng suất 8,5 tạ/5.000 m2, bình quân mỗi hồ nuôi lãi 25 triệu đồng, gấp gần 4 lần so với nuôi tôm theo phương thức truyền thống. Ngoài việc nuôi tôm bằng chế phẩm EM, tỉnh Thừa Thiên – Huế vận động bà con ngư dân chuyển đổi từ nuôi tôm 2 vụ/năm thành một vụ ăn chắc để có điều kiện vệ sinh ao hồ, làm sạch đáy ao trước khi bước vào vụ thả nuôi mới.

Một số địa phương hướng dẫn bà con tiến hành nuôi xen ghép các đối tượng nuôi mới như cá dìa, cá mú, cá hồng, các loài nhuyễn thể và rong câu trên cùng một đơn vị diện tích để tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường. Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng đã xây dựng được 25 mô hình tổ tự quản để phát huy vai trò cộng đồng trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Các địa phương còn đầu tư, liên kết xây dựng hạ tầng nuôi trồng; các ao nuôi liền kề phải có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, không cho thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh…

Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích khoảng 22.000 ha, với hệ sinh thái nước lợ đặc thù, thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Hiện toàn tỉnh đã thả nuôi trên 3.500 ha tôm. Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, nghề nuôi tôm sú trên đầm phá phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh làm nhiều gia đình lao đao vì con tôm. Hiện dự nợ cho vay nuôi tôm trên địa bàn các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền đã lên tới hơn 136 tỉ đồng, trong đó dự nợ quá hạn chiếm một phần không nhỏ. Có không ít người vay tiền nuôi tôm mất khả năng thanh toán, do nhiều vụ liên tiếp, tôm bị dịch bệnh.

Hộ ông Mai Thanh Nguyện ở xã Phú Đa, huyện Phú Vang là một điển hình. Ban đầu ông Nguyện vay vốn, đào hồ nuôi tôm với diện tích khoảng vài ha. Năm 2000, Ông chuyển đổi 5 ha đất lúa ven đầm phá Tam Giang sang nuôi tôm cao triều. Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lợi từ con tôm xấp xỉ 100 triệu đồng. Tuy nhiên trong mấy năm trở lại đây, với mật độ nuôi tôm dày đặc ven phá Tam Giang, nước ao hồ bị ô nhiễm, dịch bệnh tôm xảy ra liên miên, giá tôm lên xuống thất thường khiến gia đình ông thua lỗ nặng…

Được biết, từ kết quả trên, vụ nuôi tới, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích nuôi tôm bằng chế phẩm EM, nhằm từng bước khắc phục tình trạng vùng nuôi tôm bị ô nhiễm trên địa bàn.