Những hệ lụy do sự suy thoái của hệ sinh thái châu Phi

ThienNhien.Net – Thiên nhiên hoang dã châu Phi dường như giàu có vô tận, song những áp lực ngày càng gia tăng bởi các hoạt động của con người, bởi sự thay đổi khí hậu mà động thực vật nơi đây phải gánh chịu có thể dẫn tới nghèo đói, chiến tranh và hoạt động di dân đến các lục địa khác. Đó là lời cảnh báo của các chuyên gia tại Hội thảo Nghiên cứu bảo vệ Động thực vật Châu Phi, diễn ra hồi đầu tháng 10/2008 tại thành phố Cape, Nam Phi.

Hội thảo quy tụ hơn 300 nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội từ 15 quốc gia châu Phi và Đức. Hội thảo bàn về hiện trạng hệ sinh thái của châu Phi, đưa ra những cảnh báo do sự suy thoái của hệ sinh thái và các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.

Theo các chuyên gia, nguồn tài nguyên thiên nhiên ở lục địa này đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người và sự biến đổi của khí hậu. Từ cá ở Burkina Faso, cà phê Ethiopia tới những cánh rừng của Kenya và thảo dược truyền thống của Congo đều đang chịu tác động mạnh mẽ bởi những nhân tố này.

Sự gia tăng dân số, lạm dụng tài nguyên đất và biến đổi khí hậu đang đe dọa tới sự sống còn của động thực vật châu Phi, nơi có gần 15% trong tổng số loài hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, ở một lục địa có nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phục vụ khai khoáng, nông nghiệp và du lịch, việc thay đổi hành vi của con người để bảo vệ cuộc sống động thực vật hoang dã là một thách thức lớn.

Edward Linsenmair, nhóm bảo tồn BIOTA châu Phi phát biểu: “Nếu bạn đang rất đói và ngày mai bạn không biết làm cách nào nuôi sống con mình, bạn sẽ chẳng quan tâm tới đa dạng sinh học hay bất cứ thứ gì khác không đem lại lợi ích trước mắt cho bạn.” Chính vì thế hoạt động bảo vệ môi trường, hệ sinh thái cần phải đi đôi với việc bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Bên lề hội nghị, ông John Donaldson thuộc Viện Đa dạng Sinh học Quốc gia cho biết: “Nếu các hệ sinh thái Châu Phi bị suy thoái và an sinh con người trở thành vấn nạn thì vòng luẩn quẩn đói nghèo, bạo lực và chiến tranh càng trở nên tồi tệ hơn. Và vấn đề cốt lõi là yêu cầu chính phủ và mỗi người dân thực hiện những kế hoạch dài hạn vì môi trường”

Còn Jakob Fahr, Đại học Ulm, Đức lại đưa ra những cảnh báo và khó khăn trong chiến lược bảo tồn lâu dài ngọn núi Nimba, một di sản thế giới đang bị đe dọa, nằm trên biên giới Bờ Biển Ngà, Liberia và Guinea thuộc Tây Phi, nơi nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú, quê hương của loài dơi và ếch Tây Phi đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Fahr cho biết những loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lại sống trong khu vực giàu khoáng sản khiến chúng phải đối mặt với những hiểm nguy lớn hơn: “Giá các kim loại thường như quặng sắt tăng vùn vụt nên các loài sinh vật trở thành nạn nhân của các công ty khai khoáng và điều đó có thể dẫn tới nguy cơ đại tuyệt chủng.”

Ngọn núi còn có vai trò quan trọng với cộng đồng dân cư xung quanh, nó là nguồn trữ nước được lọc sạch qua những cánh rừng bên sườn núi. Vì vậy nếu khai mỏ lộ thiên tại đây có thể dễ dàng hình dung ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho cộng đồng dân cư.

Tại các nước như Ghana, người dân địa phương đã sẵn sàng nói “không” với những dự án khai khoáng, bởi họ đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do mất mát động thực vật từ tập quán khai thác vàng.

Các nhà khoa học trên châu lục đang cố cảnh báo các chính phủ và cộng đồng về hậu quả từ các hoạt động của họ và yêu cầu thực hiện chính sách thân thiện với môi trường, bởi những hứa hẹn về lợi ích kinh tế thường chỉ là lợi ích trước mắt so với những hậu quả lâu dài không thể đong đếm được.

Việc biến mất của các khu rừng và đất canh tác có thể gây hậu quả nghiêm trọng vượt ra ngoài biên giới châu Phi. Bởi theo Linsenmair, thế giới là một ngôi nhà chung. Nếu hệ sinh thái của một lục địa bị suy thoái thì toàn nhân loại sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn và trong trường hợp cụ thể này thì châu Âu cũng bị ảnh hưởng trực tiếp: “Châu Phi ở ngay cạnh chúng ta, và chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề lớn là luồng dân tị nạn. Trong nhiều trường hợp, người dân di cư là do quê hương của họ đã cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên”