Bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn

ThienNhien.Net – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận môi trường ở Việt Nam đang có chiều hướng xấu đi, mức độ suy thoái về đất và nước đang trở nên cấp bách, nếu không giải quyết kịp thời thì ngành nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn, ngày 17/10, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của toàn ngành nông nghiệp về vấn đề môi trường thì ngành này mới “gánh” được trọng trách trước hàng loạt tồn đọng hiện nay liên quan đến ô nhiễm, suy thoái, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. “Không thể có nền nông nghiệp sạch nếu đất bẩn, nước bẩn, môi trường sinh thái ô nhiễm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội nghị cũng bàn thảo về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn môi trường ngành nông nghiệp, phát triển các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp, ban hành cơ chế khuyến khích toàn xã hội tham gia giải quyết vấn đề môi trường.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 3,5%/năm bất chất dịch bệnh và thiên tai, đóng góp 24% GDP, 30% sản lượng xuất khẩu, tạo việc làm cho 60% lao động cả nước. Tuy nhiên, môi trường nông nghiệp và nông thôn cũng chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, việc bỏ trống khâu xử lý chất thải ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất thải làng nghề.

Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của ngành nông nghiệp đều đang gặp những vấn đề lớn liên quan đến môi trường. Dù đóng góp tới gần 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2008 nhưng ngành trồng trọt cũng là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh tăng đi kèm với sự suy giảm độ màu mỡ của đất, khiến người nông dân tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vượt mức cho phép nhiều lần.

Bên cạnh đó, môi trường sống của người dân nông thôn còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, mỗi năm lượng rác thải phát sinh ở khu vực nông thôn khoảng 100 triệu tấn và đến năm 2010 sẽ lên đến 145 triệu tấn/năm, nhưng lượng rác được thu gom hiện chỉ đạt khoảng 30-40% và chưa được xử lý triệt để.


Ngoài ra, tình trạng phá rừng, sa mạc hóa, thiên tai lũ lụt xảy ra liên miên cũng tạo áp lực không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường nông nghiệp nông thôn hiện nay.


Trong khi đó, những việc đã làm được của ngành nông nghiệp mới dừng lại ở 8 chương trình, dự án quốc gia để phục hồi hệ sinh thái, môi trường nông nghiệp, triển khai các mô hình xử lý chất thải công nghiệp cụ thể…

Theo quan chức của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thiếu hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề môi trường đang là những rào cản lớn trong việc đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề môi trường ở tầm quốc gia.