Thế giới tìm kiếm chất thay thế DDT

ThienNhien.Net – DDT là một trong 12 hóa chất cực kỳ độc hại trong danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm. Trong 3 ngày, từ 03 – 05/11/2008 vừa qua, vấn đề tìm kiếm hóa chất thân thiện môi trường thay thế DDT đã chính thức được các nhà quản lý đặt lên bàn nghị sự quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ.

Khoảng 80 đại diện thuộc 26 quốc gia và các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ đã nhóm họp tại Geneva để đánh giá khả năng hợp tác toàn cầu trong vấn đề áp dụng và phân phối hóa chất thay thế DDT.

Theo công ước Stockholm, DDT được phép sử dụng với mục đích trị muỗi. Hóa chất này có hiệu quả trong việc kiểm soát muỗi mang vi khuẩn gây bệnh sốt rét. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng DDT và các sản phẩm phân hủy của chúng có tác động nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Achim Steiner, Giám đốc Điều hành UNEP phát biểu: “Chúng ta đang trong vòng tranh cãi luẩn quẩn. DDT có tác dụng mạnh nên hoàn toàn dễ hiểu khi các quốc gia muốn được cho phép tiếp tục sử dụng để phòng chống dịch bệnh, ngay cả khi biết rằng DDT có những tác động nguy hại về lâu dài. Mặc dù vậy, hội nghị lần này sẽ là cơ hội để khuyến khích các chính phủ và ngành công nghiệp phát triển các chất thay thế thân thiện với môi trường hơn.”

Vấn đề tìm kiếm chất thay thế DDT được đưa ra thảo luận trong bối cảnh đầy nghịch lý, thế giới cần giảm gấp gánh nặng sốt rét, đặc biệt là ở châu Phi trong khi cũng buộc phải giảm thiểu và bài trừ việc sử dụng DDT trong công tác kiểm soát vật truyền nhiễm.

DDT ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người và môi trường, ngay cả ở những nơi cách xa địa điểm sử dụng hóa chất vì chúng có thể truyền qua không khí, đặc biệt được lưu giữ trong điều kiện khí hậu lạnh. DDT tích lũy và tồn tại dai dẳng trong mô mỡ của con người và động vật, gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hại lâu dài.

Trong khi ấy, dịch bệnh sốt rét vẫn tiếp tục hoành hành trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn một triệu trẻ em và người lớn mỗi năm, chủ yếu ở châu Phi.

“Chúng ta phải giành thắng lợi trên tất cả các mặt trận”, Donald Cooper, Trưởng ban thư ký Công ước Stockholm đã tuyên bố như vậy.

Ban thư ký Công ước Stockholm cho biết sẽ sử dụng các kế hoạch kinh tế để xúc tiến tiến trình hợp tác quốc tế trong phát triển và triển khai chất thay thế DDT. Kế hoạch này sẽ được xem xét lại để các bên tham gia Công ước Stockholm phê chuẩn tại hội nghị tới vào năm 2009.


* Công ước Stockholm: Công ước quốc tế về kiểm soát và bài trừ các chất ô nhiễm khó phân hủy (POP), hiện có 160 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.