Đánh khẽ “tội phạm đầu độc xã hội”?

ThienNhien.Net – Hôm nay (11.11) Quốc hội sẽ thảo luận về luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Điều này càng được chú ý khi mà hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về môi trường vừa bị phanh phui, song hình thức xử phạt vẫn chỉ “giơ cao đánh khẽ”.

Lý do từng được nhiều cơ quan chức năng đưa ra giải thích cho sự “nương tay” này là “quy định xử phạt hiện vẫn nhẹ, chưa đủ sức răn đe”. Như vụ công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu và vụ công ty thuộc da Hào Dương vi phạm nghiêm trọng, cố ý nhiều lần song đến nay ngoài phạt hành chính thì vẫn chưa rõ “số phận” cuối cùng của các công ty này. Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội lại cho rằng, ngay với xử phạt hành chính các cơ quan cũng chưa từng áp đến mức cao nhất. Bà dẫn chứng, từ các vụ Vedan, Tungkuang, đến Nicotex, Hào Dương, chưa vụ nào bị áp mức phạt tối đa là 500 triệu đồng. “Đặc biệt, trong nhiều vụ việc, có căn cứ để truy cứu pháp luật hình sự nhưng cho đến nay chúng ta chưa truy cứu một trường hợp gây ô nhiễm nào”, bà Nga hoài nghi.

Bảy năm trước, trong ngày lễ ra mắt thành lập cục Cảnh sát môi trường, ông Phạm Khôi Nguyên, khi ấy là thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường cũng từng thừa nhận, tuy pháp luật hình sự đã quy định nhưng việc chưa thể khởi tố một vụ việc nào về vi phạm môi trường khiến nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Vì thế, ông Nguyên kỳ vọng rất lớn, việc thành lập lực lượng cảnh sát này sẽ giúp đưa nhiều vụ việc ra khởi tố.

Vụ công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu vi phạm nghiêm trọng, cố ý nhiều lần song đến nay ngoài phạt hành chính thì vẫn chưa rõ “số phận” cuối cùng của công ty này. Ảnh: TTXVN
Vụ công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu vi phạm nghiêm trọng, cố ý nhiều lần song đến nay ngoài phạt hành chính thì vẫn chưa rõ “số phận” cuối cùng của công ty này. Ảnh: TTXVN

Thế nhưng, dù qua một thời gian dài đi vào hoạt động sau đó đã bắt được quả tang nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nhưng một phó cục trưởng cục Cảnh sát môi trường từng tâm sự với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, có vụ, cơ quan này đã làm hồ sơ chuẩn bị đề nghị truy tố, nhưng lại vướng mắc ở chỗ là chưa có văn bản nào hướng dẫn về xử lý hình sự với tội phạm môi trường, dù trong bộ luật Hình sự 1999 đã có quy định. Ông ví dụ như việc chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thế nào là nghiêm trọng, hay vùng ô nhiễm, khu vực ô nhiễm; hoặc cần có quy định cơ quan giám định nào đủ thẩm quyền pháp lý, người ký văn bản giám định thế nào thì đủ tư cách…

“Trước hết cần bắt tay làm ngay những vụ đại biểu Quốc hội và cử tri đang bức xúc hiện nay, đó là Hào Dương, là Nicotex. Cả hành chính và hình sự đều có thể xử lý nghiêm, vấn đề chỉ là chúng ta có xử lý hay không mà thôi!”

Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội

Để tình trạng vi phạm môi trường lặp đi lặp lại, theo phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp là “do luật đã không được chấp hành nghiêm, trước hết là ở người thi hành công vụ”. Thậm chí, có sự thiếu trách nhiệm, dung túng, bao che, cả ở trung ương và địa phương. Đơn cử như vụ Nicotex, bà Nga cho biết từ năm 2008 đến nay có mười đoàn đến làm việc, kết quả phạt tiền nhẹ, nhắc nhở, chấn chỉnh. “Đặc biệt, năm 2010, có một đoàn của cục Bảo vệ thực vật, bộ Nông nghiệp về thanh tra nhưng kết thúc thanh tra không có tài liệu phản ánh kết quả xử lý. Năm 2012, chi cục Bảo vệ thực vật Thanh Hoá kiểm tra đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, kết luận cơ sở đạt loại A”, bà Nga nói thẳng. Hoặc vụ Hào Dương xả thải vi phạm từ năm 2007 đến nay đã bị xử phạt hành chính chín lần, nhưng vẫn tái phạm. “Có thể khẳng định các vụ gây ô nhiễm vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng và đều được thực hiện cố ý, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, đối phó. Đó là xây dựng hệ thống xả thải ngầm, bí mật vào ban đêm… Nicotex còn chôn kèm theo rất nhiều muối và vôi bột để hoá chất nhanh phân huỷ ra môi trường. Đây là những vụ phạm tội có tổ chức, có người chủ mưu, chắc chắn một cá nhân không thể làm được, người thực hiện vì lợi ích của doanh nghiệp. Những dấu hiệu khách quan này là minh chứng rõ ràng rằng lãnh đạo doanh nghiệp không thể vô can. Trong luật pháp hình sự, đã có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, có hậu quả nghiêm trọng, cố ý, vấn đề còn lại cá thể hoá trách nhiệm hình sự, là không quá khó khăn đối với các cơ quan tố tụng”, bà Nga nhận định. Vẫn theo bà Nga, luật pháp hiện hành quy định việc xử phạt trách nhiệm pháp nhân không loại trừ và thay thế cho trách nhiệm cá nhân. Vì thế, nếu nói pháp luật chưa quy định trách nhiệm pháp nhân nên không xử phạt được là bao biện!

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng nghi ngờ về tình trạng bao che, tiêu cực trong các cơ quan thi hành pháp luật. Và đáng nói hơn, không ít đại biểu lo ngại rằng, tình trạng này là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “tự xử” trong dân, đang dần trở nên phổ biến. Với lĩnh vực môi trường, theo bà Nga, việc dung túng bao che trên là nguyên nhân của những vụ hàng trăm người dân tụ tập bao vây các cơ sở ô nhiễm, tự thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường và có những hành động vượt quy định cho phép. Cho nên, “Chính phủ cần thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra, thay vì quy lỗi cho thể chế, pháp luật thì phải tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật hiện hành, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự, không chỉ với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước. Trước hết cần bắt tay làm ngay những vụ đại biểu Quốc hội và cử tri đang bức xúc hiện nay, đó là Hào Dương, là Nicotex”, bà Nga đề nghị và nhấn mạnh: cả hành chính và hình sự đều có thể xử lý nghiêm, vấn đề chỉ là chúng ta có xử lý hay không mà thôi! “Nếu chúng ta chỉ vì bảo vệ vài trăm công nhân và vài ngàn người dân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy để không đình chỉ hoạt động, thì sao lại không bảo vệ hàng triệu người dân sống phụ thuộc vào các khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà Nga tha thiết.