Cung thiên văn giữa thủ đô – chờ đợi đến bao giờ?

ThienNhien.Net – Câu chuyện khởi đầu từ ước mơ ấp ủ của một nhà khoa học cổ thụ – ông là một trong những người sáng lập, đồng thời là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Vật lý Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm nghiên cứu và tâm huyết với ngành vật lý, hàng chục năm bôn ba nghiên cứu ở nước ngoài, ước nguyện về cuối của ông chỉ giản đơn là có được một cung khoa học, một nhà chiếu hình vũ trụ dành cho trẻ em giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Từ ước nguyện của một nhà khoa học

Gs. Đinh Ngọc Lân tâm sự ước mơ này đã hình thành trong ông hàng chục năm nay. Mỗi khi tham quan Bảo tàng khoa học và Nhà chiếu hình Vũ trụ các nước bạn ông lại chạnh lòng nghĩ về Hà Nội “Thủ đô ta có nhiều bảo tàng, nhưng bảo tàng khoa học thì không, Nhà chiếu hình vũ trụ cũng không. Ngày nghỉ, ngày lễ còn thiếu chỗ cho trẻ em giải trí lành mạnh và bồi dưỡng lòng yêu thích khoa học cho các em.”

Ông là nhà khoa học đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng một nhà chiếu hình vũ trụ tại thủ đô Hà Nội. Ý tưởng này ngay từ đầu đã được các nhà lãnh đạo, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ và chính Đại tướng đã cho biết mong muốn này trong cuộc viếng thăm của đoàn khảo cứu Pháp năm 1995.


Nhà chiếu hình vũ trụ là nơi tham quan học hỏi về khoa học dành cho cộng đồng, ở đó có các thiết bị quan sát thiên văn, các mô hình, hình ảnh mô phỏng sự vận hành của vũ trụ, các hành tinh, đường đi của sao chổi… Ý nghĩa lớn nhất của nó là giáo dục và khơi dậy niềm đam mê khám phá khoa học và nghiên cứu, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Nhà chiếu hình đầu tiên trên thế giới ra đời ở Đức vào năm 1923. Sau khi Liên Xô (cũ) phòng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất vào tháng 10/1957, số nhà chiếu hình vũ trụ đã tăng nhanh chóng. Riêng Nhật Bản đã có gần 400 công trình. Trong cuốn sách “Nhà Chiếu hình Vũ trụ – một công cụ để giáo dục khoa học” do UNESCO xuất bản, một nhà khoa học Nhật Bản viết rằng mấy trăm nhà chiếu hình vũ trụ trên khắp nước này đã có tác dụng to lớn trong việc gay nên lòng yêu thích khoa học cho thế hệ trẻ, từ đó tạo ra những nhà khoa học, những chuyên gia giỏi, làm nên sự hùng cường của Nhật Bản ngày nay.

Thông qua viện trợ ODA, Nhật cũng đã hỗ trợ việc hình thành nhà chiếu hình vũ trụ cho 14 nước đang phát triển tại Mỹ La tinh và châu Á, trong đó có Việt Nam

 Cung khoa học Băng-cốc
Trung tâm Giáo dục Khoa học tại Băng-cốc, Thái Lan, được xây dựng năm 1962. Đây là nơi thanh thiếu niên có thể khám phá các môn khoa học khác nhau, trong đó có thiên văn vũ trụ. (Ảnh: Abnbooking.com)

Đến bản Hiệp định còn nguyên trên giấy

Với những nỗ lực của GS. Lân và sự ủng hộ của một số nhà khoa học Việt Nam công tác tại Pháp, trong bản Hiệp định hợp tác Khoa học – Kỹ thuật giữa hai nước Việt – Pháp ký ngày 12/10/2000, Chính phủ Pháp đã đồng ý giúp đỡ Việt Nam thiết lập một nhà chiếu hình Vũ trụ tại Thủ đô Hà Nội. Bản hiệp định có thời hạn 3 năm.

Nửa năm sau đó, ngày 27/04/2001, UBND thành phố Hà Nội, Bộ KHCN&MT (nay tách thành 2 bộ KHCN và Bộ TNMT) và ĐSQ Pháp đã ký bản thỏa thuận xúc tiến công việc với mục tiêu khánh thành công trình và mở cửa phục vụ công chúng vào tháng 06/2002. Địa điểm được giới thiệu là mảnh đất 2.000m2 trong Công viên Thống Nhất

Theo đó, Đại sứ quán Pháp cam kết cung cấp máy chiếu mô phỏng vũ trụ cho Nhà chiếu hình Vũ trụ và hỗ trợ tìm kiếm các nhà tài trợ Pháp cung cấp thiết bị, đào tạo nhân viên và đẩy mạnh hoạt động của công trình.

UBND TP. Hà Nội cam kết đảm bảo việc xây dựng, trang bị, nhân sự và hoạt động của ngôi nhà, cấp kinh phí mua và lắp đặt một màn hình đường kính 14m và những trang thiết bị nội thất cần thiết. Bộ KHCNMT cam kết huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng khoa học trong nước.

Bản thiết kế khả thi cũng đã được Công ty Tư vấn kiến trúc Đô thị Hà Nội hoàn thành cùng với sự góp ý của kiến trúc sư Pháp Cuvelier (người đã thiết kế khách sạn Hilton Opera, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza và một số công trình kiến trúc lớn khác ở Hà Nội).

Tuy nhiên, thời hạn hợp tác đã trôi qua, Hà Nội cũng đã chứng kiến biết bao cuộc hội thảo, họp bàn giữa UBND thành phố và các cơ quan chức năng liên quan, công trình đến nay vẫn chỉ nằm trong tưởng tượng của những người có tâm huyết. Vấn đề nằm ở chỗ người ta đánh giá Nhà chiếu hình vũ trụ – một Cung khoa học cho thiếu nhi – không xứng đáng được nằm ở vị trí đó. UBND thành phố đã quyết định dừng dự án với lời hứa hẹn sau này sẽ tìm nguồn kinh phí và địa điểm khác.

 Nhà chiếu hình vũ trụ
Nhà chiếu hình vũ trụ đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam đến nay, nằm im lìm trong một góc Công viên văn hóa TP. Vinh. Công trình này được hoàn thành năm 1998 nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân chính không phải do khó khăn về tài chính hay kỹ thuật, mà chỉ vì sự thiếu thống nhất của các cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý và mở lối đi cho công trình. (Ảnh:PanNature)

Với Gs. Lân và những người tâm huyết trong cuộc, họ đã hân hoan, mừng rỡ bao nhiêu khi bản Hiệp ước 2000 được ký kết thì cũng thất vọng bấy nhiêu khi những nỗ lực cứ dần tuột trôi theo thời gian trong sự mòn mỏi đợi trông và hy vọng.

Những bản đề xuất lên các ban ngành, các cấp cao dần đều đặn được Gs. Lân gửi đi với hy vọng nối lại được ý tưởng xây dựng Cung thiên văn cho Hà Nội cũng như những nỗ lực từ bản Hiệp định đã bị lãng quên.

Ngày 01/10/2008 Gs. Lân đã nhận được thư trả lời của Bộ KHCN hứa sẽ ủng hộ trong quá trình thẩm định dự án và triển khai các bước xin tài trợ cho dự án. Gần đây nhất, ngày 16/10/2008 Văn phòng Thành ủy Hà Nội thông báo đã chuyển thư của ông đến UBND thành phố để nghiên cứu.

Thêm một lần nghiên cứu nữa, sau những nghiên cứu đã rất kỹ càng. Mong rằng lần này sự chờ đợi của Gs. Lân sẽ không mãi bị kéo dài.

Hãy nâng niu từng búp non

Xưa nay, dân ta vốn tự hào về sự hiếu học và truyền thống tiếp nối giữa các thế hệ. Nước ta cũng tự hào là quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vào ngày 20/2/1990. Nhưng, ngay trong phiên họp quốc hội vừa diễn ra giữa tháng 10/2008, có một vấn đề khiến bất cứ vị đại biểu nào cũng không khỏi cảm thấy nhức nhối khi nhắc tới. Đó là tình trạng báo động “Tội phạm vị thành viên” và “nạn xâm hại tình dục trẻ em”. 

 Năm quốc tế về thiên văn 2009
“Vũ trụ là của bạn, hãy khám phá” – Đó là chủ đề của năm thiên văn quốc tế 2009. Các sự kiện kỷ niệm sẽ diễn ra rộng khắp ở cấp độ quốc tế cũng như tại 129 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. (Nguồn: Astronomy2009.org)

Những con số, nhận xét của các nhà quản lý và những người nắm cương vị chủ chốt của ngành giáo dục đưa ra khiến cả người nói và người nghe đều đau lòng, như “đến cuối năm 2007 trên cả nước có 886 trẻ em bị xâm hại” , “9,48% tội phạm là trẻ vị thành niên”, “tội phạm vị thành niên gia tăng không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, nơi dân trí thấp mà ở thành thị càng tinh vi hơn”.

Nguyên nhân sa ngã của các em thì có nhiều, và lỗi lớn nhất thường thuộc về gia đình của chính các em. Nhưng lẽ nào, xã hội và ngành giáo dục làm ngơ vai trò của mình. “Đi đến các trường giáo dưỡng, chúng tôi gặp những trường hợp đau lòng. Các em nói không có nơi vui chơi, không có hoạt động lành mạnh, thời gian rảnh rỗi không biết làm gì nên tụ tập, chơi bời, lêu lổng” – trích lời Phó CN Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh.

Trở lại câu chuyện về Nhà chiếu hình vũ trụ cho thanh thiếu niên giữa lòng thủ đô Hà Nội. Xuất phát từ lòng nhiệt tâm của một vị giáo sư, nhưng ý nghĩa của công trình này còn lớn lao hơn thế. Bởi đó là mơ ước, là tâm nguyện của cả một thế hệ khoa học đi trước và nó cũng phản ánh những thông điêp mà hội nghị quốc tế “Những thách thức của Giáo dục khoa học thế kỷ 21” diễn ra tại Roma đã truyền đi: “Cần tập trung bồi dưỡng sự ham mê khoa học nhiều nhất cho lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở, bao gồm cả trẻ em có nhu cầu đặc biệt.” và “Thách thức về giáo dục khoa học không thể giải quyết nếu thiếu sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ.”

Trẻ em rất cần sự định hướng của người lớn. Vậy, chúng ta hãy cố gắng, với tất cả những gì có thể, để giúp các em trở thành những “Bàn tay nặn bột”(*), tránh xa những tệ nạn và cám dỗ của xã hội hiện đại.


(*) Bàn tay nặn bột: Tên một phong trào của Bộ Giáo dục Pháp nhằm khuyến khích lòng ham mê khám phá, yêu thích khoa học cho trẻ em. Người đề xướng phong trào là Gs. Gioóc Sác-pắc, Viện sĩ viện hàn lâm Khoa học Pháp và là nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý năm 1992. Ông cũng là chủ biên của bộ sách khoa học “Bàn tay nặn bột” dành cho học sinh tiểu học (Ở nước ta, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành một số cuốn của bộ sách này).