Bảo vệ môi trường: Yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển

ThienNhien.Net – “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân” – Đó là tư tưởng xuyên suốt trong năm qua đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Hầm biogas quy mô hộ gia đình vừa giúp bảo vệ môi trường vừa có nguồn năng lượng phục vụ sinh hoạt.

Nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế – xã hội, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hằng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.

Hiện, cả nước có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát sinh một khối lượng nước thải lớn. Bên cạnh đó, trên cả nước hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, lưu hành gần 43 triệu xe mô tô và trên 2 triệu ô tô… tác động không nhỏ đến môi trường.

Tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta.

Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mekong, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thêm, tính từ năm 2006 đến nay, Ngành Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.229 tổ chức, đồng thời buộc các đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Trước những diễn biến phức tạp về tình hình môi trường như vậy, năm 2016 đã chứng kiến sự kiên quyết trong chỉ đạo điều hành để giải quyết những bức xúc này. Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực để nhận diện rõ hơn; đồng thời nhìn nhận hạn chế, yếu kém về công tác quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường; làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường, các cơ quan chức năng khác cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Từ đó tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp khả thi, quyết liệt để có nhận thức và hành động phù hợp; đưa ra những quan điểm, định hướng xử lý vấn đề trên cơ sở phải thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường và bảo vệ cuộc sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg (ngày 31-8-2016), về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường… Đề cập đến chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, đây chính là cơ sở quan trọng để phát huy tiềm năng, tạo đột phá, tận dụng cơ hội vượt qua những thách thức về môi trường trong quá trình phát triển. Năm 2016 là năm mở đầu cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi từ sử dụng năng lượng nâu sang năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển theo mô hình phát thải các bon thấp… Vì vậy, có thể nói nếu thời điểm này mà không thay đổi thì Việt Nam sẽ mất cơ hội cạnh tranh, không tận dụng được cơ hội trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới.

Rõ ràng, bảo vệ môi trường là vấn đề hiện hữu. Sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã được huy động để tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường. Bảo vệ môi trường đã, đang được xác định là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Tại hội nghị toàn quốc về môi trường trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư; kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Không cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ở các địa bàn nhạy cảm.

Vào năm mới 2017, vấn đề cấp bách cần giải quyết đã có những nền tảng cơ bản. Thay đổi tư duy, tái cơ cấu nền kinh tế không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên; phát triển kinh tế trong từng dự án đầu tư, từng chiến lược, quy hoạch đều phải song hành với môi trường theo đúng xu hướng phát triển của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp. Nền tảng đó sẽ tạo ra những bước đi vững chắc trong quá trình phát triển, mang lại nhiều giá trị cho thế hệ tương lai.