Thằn lằn thời tiền sử sinh sản ở New Zealand

ThienNhien.Net – Tuatara – loài thằn lằn quý hiếm có từ thời đại khủng long đã được phát hiện đang làm tổ tại khu bảo tồn thiên nhiên Karori ở thủ đô Wellington của New Zealand.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 200 năm qua, loài thằn lằn quý hiếm này được phát hiện sinh sản trên hòn đảo chính của New Zealand.

Giám đốc khu bảo tồn Karori, Rouen Epson cho biết ngày 31/10, các nhân viên của khu bảo tồn đã phát hiện bốn quả trứng màu trắng có kích cỡ bằng quả bóng bàn, vỏ dai như da. Bà Epson khẳng định đây là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ loài Tuatara đang sinh sản.

Loài bò sát Tuatara trông giống như rồng và có thể dài tới 80 cm, là “hậu duệ” cuối cùng của các loài thằn lằn đã tồn tại trên Trái Đất cùng với các loài khủng long cách đây 225 triệu năm. Từ trước tới nay, thằn lằn Tuatara chỉ sinh sống ở New Zealand.

Tuatara có những đặc điểm độc nhất vô nhị như hai hàng gai trên lưng gộp vào thành một hàng ở phía đuôi và một “con mắt” rất dễ nhận thấy trên đỉnh đầu, được gọi là “con mắt thứ ba”, sẽ dần biến mất khi chúng trưởng thành.

Tuatura đã gần như bị tuyệt chủng trên ba hòn đảo chính của New Zealand vào cuối thế kỷ 18 do sự du nhập của các loài động vật ăn thịt như chuột. Chúng chỉ sống hoang dã trên 32 hòn đảo nhỏ ngoài khơi. Để bảo tồn loại thằn lằn quý hiếm này, năm 2005, nhà chức trách New Zealand đã thả 70 cá thể Tuatara tại khu bảo tồn Karori và năm 2007 thả thêm 130 cá thể khác.

Theo các nhà khoa học nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, những chú Tuatara con sẽ chào đời trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3/2009.