Quảng Ninh: Dần đóng cửa mỏ đá và mỏ than lộ thiên để bảo vệ môi trường

Để giảm thiểu ô nhiễm, Quảng Ninh sẽ dần đóng cửa các mỏ khai thác đá và khai thác than lộ thiên. Lộ trình này sẽ góp phần vào mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”của tỉnh.

Từ lộ trình…

Trước đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ bổ sung giải pháp thực hiện quy hoạch mỏ đá vôi, không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá và thực hiện lộ trình đóng cửa mỏ, không gia hạn các mỏ đá vôi nằm dọc theo các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, khu vực cảnh quan ven Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Được biết, mỏ đá Km6, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) do Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả khai thác được gia hạn gần đây nhất vào năm 2017. Quy mô mỏ đá rộng 12,5ha, sản lượng khai thác bình quân 450.000m3/năm. Theo lộ trình đến năm 2022, mỏ đá Km6 sẽ phải đóng cửa và thực hiện hoàn nguyên môi trường toàn bộ khu vực mỏ đá. Thực hiện chủ trương đóng cửa mỏ, hiện toàn bộ dây chuyền khai thác và sản xuất đá của công ty đã dừng hoạt động theo đúng cam kết.

Sau khi đóng cửa Mỏ đá Km6, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) đang được doanh nghiệp hoàn nguyên, cải tạo môi trường (ảnh báo QN)

Lãnh đạo Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả cho biết: Ngay sau khi kết thúc khai thác, đơn vị đã khẩn trương tháo dỡ các biển báo, thu hồi hệ thống dây điện; triển khai phương án hạ cốt, cậy bẩy đất đá, tạo mặt bằng những vị trí phù hợp để trồng cây xanh. Từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị đã cam kết sẽ tiếp tục triển khai các phương án hoàn nguyên môi trường như san sửa mặt bằng, trồng và chăm sóc cây xanh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22 khu vực mỏ đá vôi được cấp phép khai thác. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép 6 khu vực mỏ đá, UBND tỉnh cấp phép khai thác 16 khu vực mỏ đá.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Sở đã gửi thông báo đến các doanh nghiệp có hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh về lộ trình khai thác, cải tạo môi trường, đóng cửa mỏ theo đúng lộ trình. Ngoài ra, hướng dẫn các đơn vị ký quỹ phục hồi môi trường theo cam kết trong các phương án, cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt. Công tác phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt công tác quan trắc môi trường được tiến hành theo kế hoạch định kỳ nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tại các cơ sở hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Khai trường khai thác của Công ty CP Than Núi Béo đang chuẩn bị hoàn nguyên môi trường ( Báo Quảng Ninh)

 …đến đẩy nhanh tốc độ đóng cửa

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Trước đó giai đoạn 2018-2021, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đóng cửa mỏ đối với 6 khu vực mỏ đá làm vật liệu thông thường. Sau khi đóng cửa các khu vực mỏ đá đã hoàn nguyên cải tạo, phục hồi môi trường trả lại mặt bằng “xanh” cho những khu vực này.

Đối với 16 khu vực mỏ đá do tỉnh cấp phép, theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 12/16 mỏ kết thúc khai thác; 4 mỏ đá còn lại có lộ trình kết thúc khai thác sau năm 2025. Riêng 6 mỏ đá phục vụ sản xuất các nhà máy xi măng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép việc đóng cửa sẽ do Bộ quyết định.

Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, cảnh quan và phù hợp với định hướng phát triển “xanh”, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đề nghị các bộ, ngành cho dừng hoạt động các nhà máy xi măng tại Hạ Long và Cẩm Phả trước năm 2030.

Theo lãnh đạo TP Hạ Long cho biết: Hiện TP Hạ Long có 14 mỏ đá hoạt động, trong đó có 3 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; 11 mỏ do UBND tỉnh cấp phép. Lộ trình từ nay đến năm 2025, sẽ có 7 mỏ đá hết hạn giấy phép khai thác và sẽ phải đóng cửa mỏ. Riêng 3 mỏ đá do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép việc đóng cửa sẽ do Bộ quyết định.

Hiện có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có hoạt động khai thác đá đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khai thác, sớm hoàn thiện việc đóng cửa mỏ. Như tại mỏ đá Hạ Long, thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất (TP Hạ Long) do Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Hạ Long đầu tư, được tỉnh cấp phép khai thác từ năm 2007.

Ông Chu Đức Chính – Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Hạ Long cho biết: Lộ trình còn hơn 5 tháng nữa mỏ đá Hạ Long sẽ hết phép khai thác và đóng cửa mỏ. Việc đóng cửa mỏ đá sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm của hàng chục cán bộ, công nhân song đơn vị ủng hộ chủ trương này của tỉnh vì yếu tố môi trường bền vững. Hiện, Công ty đang phối hợp chặt chẽ với địa phương cam kết khai thác đá đúng quy định. Quá trình khai thác Công ty cam kết đảm bảo môi trường, an toàn lao động và nộp quỹ môi trường đầy đủ. Song song với đó, hiện tại, Công ty cũng đang chuẩn bị các phương án sang năm 2022 sẽ tập trung hoàn nguyên môi trường như xây kè đá, trồng cây xanh tại khai trường mỏ.

Việc tận dụng nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp sẽ giúp TX Đông Triều giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đến các khu vực xung quanh (Ảnh báo QN)

Đối với hoạt động khai thác than, TP Hạ Long có 7 đơn vị khai thác than với 15 giấy phép khai thác được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Trong đó, có 4/11 giấy phép khai thác lộ thiên tại 4 đơn vị gồm: Công ty Than Hòn Gai; Công ty CP Than Núi Béo; Công ty CP Than Hà Tu (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) và Công ty Khai thác khoáng sản (Tổng Công ty Đông Bắc).

Theo kế hoạch, dự kiến các dự án khai thác than lộ thiên trên địa bàn TP Hạ Long sẽ kết thúc trong năm 2025. Việc đóng cửa các mỏ than lộ thiên hiện vẫn đang được triển khai đồng bộ, theo đúng lộ trình. Trong đó, hết năm 2021, sẽ đóng cửa mỏ Hà Lầm và mỏ Núi Béo.

Hiện các đơn vị đang thực hiện việc đánh giá, thăm dò trữ lượng cụ thể để đẩy nhanh tốc độ khai thác, tăng năng suất, rút ngắn thời gian khai thác, tận thu tại các mỏ; đẩy nhanh việc hoàn nguyên môi trường, bàn giao về cho các địa phương quản lý.

Thực tế trong quá trình khai thác đá dù các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, tuy nhiên khó tránh khỏi những tác động gây ô nhiễm môi trường và tàn phá cảnh quan xung quanh. Vì vậy, việc “xóa bỏ” dần các mỏ đá là chủ trương đúng, được nhiều người dân ủng hộ.