Trách nhiệm này thuộc về ai?

ThienNhien.Net – Người dân tẩy chay mặt hàng của Vedan, Miwon; báo chí liên tục viết về môi trường; Bộ Tài nguyên & Môi trường có kế hoạch tổng tấn công các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…đều là những tín hiệu tốt lành cho môi trường trong những ngày qua.

Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra quá nhanh, và cuộc chiến được khơi mào với phát súng đầu tiên bắt nguồn từ Vedan. Trên thực tế, những hành động đó cũng chỉ sẽ mang lại kết quả tạm bợ. Bảo vệ môi trường không chỉ là công việc của các cơ quan chức năng, của báo chí hay vài phản ứng bộc phát của người dân, mà đó phải là hành động và ý thức của mỗi người trong chúng ta. Hiện trạng môi trường là phản ánh bộ mặt của một xã hội, và môi trường tồi tệ như hiện nay có nguyên nhân căn bản từ nền văn hóa tiêu dùng.

Lối sống tiêu dùng đi đôi với sự phát triển kinh tế (mà từ lâu thế giới đã bị cuốn vào đó) vì hàng hóa vật chất ngày càng nhiều thì con người càng tiêu xài phung phí, xa xỉ đến mức vô lý. Để sắm sửa nhà cửa, người ta chọn những bộ bàn, ghế, tủ gỗ to đùng và cầu kì, thế là một mảng xanh biến mất. Để giải trí, người ta đi săn bắn, giết chóc động vật hoang dã, thế là đa dạng sinh học suy giảm. Để trông có vẻ sang trọng, người ta chọn những loại xe tay ga tiêu tốn nhiên liệu, thế là nhu cầu năng lượng tăng lên…

Nhu cầu nhiều buộc phải sản xuất nhiều để đáp ứng, mà sản xuất nhiều thì sẽ khó mà giữ được môi trường. Đây là một hệ quả tất yếu, là một bài toán khó giải quyết. Các vấn đề môi trường từ nhỏ (như ô nhiễm một dòng sông) đến lớn (như biến đổi khí hậu toàn cầu, khủng hoảng năng lượng, lương thực…) đều bắt nguồn từ đâu? Từ chính những nhu cầu của con người chúng ta.

Vì vậy, khi môi trường suy thoái trách nhiệm không chỉ riêng ai mà của tất cả mọi người, nên song song với việc đổ dồn trách nhiệm lên các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thì mỗi người cũng phải tự trách mình đã đóng góp vào sự ô nhiễm đó.

Chúng ta đang hô hào phát triển bền vững nhưng nhìn vào cách sống, cách nghĩ của mỗi người hiện nay thì rõ ràng không thể nào bền vững được, vì ai cũng xem kinh tế là hàng đầu, môi trường là thứ yếu. Trên thực tế môi trường lại là vấn đề hết sức nghiêm túc.

Ở các nước phát triển, người ta được giáo dục ý thức môi trường cẩn thận từ khi còn rất nhỏ, vì họ cũng từng đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng sau đó họ phải nhận lại những hậu quả đáng tiếc vì vậy họ rất trân trọng giữ gìn những gì còn lại. Nhiều du khách nước ngoài đến nước ta cảm thấy rất chua xót khi nhìn những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang bị xâm hại. Đó là một thực trạng đau lòng cần suy nghĩ.

Chúng ta đang tăng tốc để phát triển kinh tế – một giai đoạn mà nhiều nước từng trải qua. Nếu không biết nhìn đó là bài học, phát triển kinh tế bất chấp hậu quả về môi trường thì sau này chúng ta sẽ phải hối tiếc. Thế hệ con cháu chúng ta liệu còn có tài nguyên để sử dụng?

Bằng những hành động nhỏ nhưng thiết thực như không dùng túi nylon khi không cần thiết, hạn chế tiêu phí năng lượng, như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ môi trường sống.