Vùng cao Tân Minh thoát nghèo từ rừng

ThienNhien.Net – Từ năm 2002 trở về trước, xã Tân Minh đứng đầu các xã đói nghèo của huyện, số hộ đói – nghèo lên tới 65%. Mấy năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, Tân Minh không còn hộ đói; hộ nghèo còn 39,05%.

Từ thị trấn huyện lỵ Đà Bắc (Hoà Bình) vượt qua gần chục con dốc đường rừng uốn lượn quanh co, hiện lên trước mắt chúng tôi là xã vùng cao Tân Minh với những ngôi nhà sàn truyền thống. Lác đác xen lẫn nhà sàn là những ngôi nhà xây hai tầng nằm rải rác hai bên đường.

Anh Hà Văn Tăm, Chủ tịch UBND xã Tân Minh giới thiệu với chúng tôi về xóm Trầm, là xóm phát triển kinh tế lâm nghiệp mạnh nhất xã. Chỉ 15 phút đi bộ chúng tôi đến nhà ông Hà Văn Mừng. Ông đang xây nhà bằng gạch xi măng tự đóng, ngôi nhà ngổn ngang vật liệu.
 
Bên bàn nước, ông khoe: Năm nay nhà tôi vừa trồng cây keo, lim xong bằng dự án 661 do Nhà nước cấp cây giống, phân bón và tiền công chăm sóc. Tôi đã đăng ký năm 2008 tiếp tục trồng 8 ha.

Ông kể: Lấy vợ từ thời bao cấp. Hai vợ chồng cặm cụi lên đồi trồng sắn, trồng ngô, lúa nuôi 7 đứa con. Từ cuối năm 1996, tôi đã mạnh dạn đi làm thuê theo xe về xuôi bốc sắn, dong riềng, được nhìn tận mắt những vườn cây dọc đường tôi thấy thích làm. Vậy là về quê cóp nhặt từng đồng làm thuê, tôi mua ít keo rồi vào rừng nhặt ít hạt xoan rụng xuống đất để trồng.
 
Sau gần 3 năm, vườn cây lên xanh tốt. Do tiền không có, ông lại đi làm thuê kiếm tiền để trang trải nợ nần và đầu tư trồng cây. Đến nay, ông Mừng đã có 10 ha ở khoảnh rừng lô 119 trồng toàn keo, xoan, lát, lim.
 Ông tâm sự: Cây keo, cây xoan đã đến tuổi khai thác thì cũng là lúc lần lượt 5 đứa con trai, gái xây dựng gia đình. Lo cho chúng cũng đều trông vào rừng hết. Song, trồng cây trên đất trống, đồi trọc rồi trồng ở đất sản xuất vất vả lắm, đòi hỏi người trồng cây phải có tính kiên trì. Gia đình tôi phải mang từng cây giống vượt suối, vượt đồi mới lên đến chỗ trồng. Khi trồng phải nâng niu từng cây đặt xuống hố cuốc sẵn. Được 3 năm đầu vừa trồng cây, trồng ngô, sắn, lúa xen, tôi còn trồng cả ha cây chít; mục đích là lấy ngắn nuôi dài. Đến khi cây cao xoè tán thì phải rào, đào hào để trâu, bò, dê không vào được. Tính ra, khai thác được gần 10 ha trong 4 năm nay, tiền mặt cũng được gần 400 triệu đồng.

Ban đầu, từ hộ ông Mừng trồng cây rừng thấy hiệu quả, đến nay, toàn xã đã có trên 200 hộ trồng được 117 ha các loại cây như: keo, xoan, lát, lim. Nhiều hộ có thu nhập về trồng rừng đạt từ 20 -30 triệu đồng/năm.

Tân Minh có tổng diện tích 7.739 ha, trong đó có 751 hộ, 3.459 khẩu. 100% dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Riêng việc phát triển trồng rừng, hồi đầu chỉ là tự phát, manh mún. Song với 500 ha đất lâm nghiệp, rừng phòng hộ được giao chăm sóc, bảo vệ và trồng mới, nhiều hộ đã giàu lên từ rừng như anh Hà Văn Đích – xóm Trầm Mít có 15 ha rừng…

Khai thác được tiềm năng của rừng, Tân Minh sẽ trở thành điểm sáng của huyện Đà Bắc về phát triển kinh tế rừng.