Đại dương quá “ồn ào”

ThienNhien.Net – Sự phát triển của ngành công nghệ hiện đại cùng với những lợi ích thu được cũng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái. Quỹ cứu trợ động vật quốc tế (IFAW) gần đây đã cảnh báo tình trạng nguy hiểm của tiếng ồn đại dương đối với đời sống của các sinh vật biển, đặc biệt là loài cá voi.

Theo IFAW, tiếng ồn đại dương hiện nay đang gây ra những vấn đề hết sức nghiêm trọng cho cá voi, cá heo và các sinh vật biển khác. Âm thanh trong lòng đại dương cản trở giao tiếp và tác động có hại đến nguồn thức ăn của các sinh vật biển.

Nhiều hoạt động trên biển hiện nay gây ra những tiếng ồn tác động tiêu cực đến đời sống các sinh vật biển. Hệ thống định vị dưới nước của các lực lượng hải quân đã gây ra cái chết hàng loạt của một số loài động vật biển có vú, đặc biệt là loài cá voi mũi khoằm. Tiếng ồn phát ra từ các hoạt động thăm dò dầu khí đã khiến  đời sống của loài cá voi xám ở Sakhalin gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với nó, tiếng ồn gây ra bởi các động cơ tàu thuyền, chân vịt tàu thuỷ, và súng bắn hơi gây địa chấn thăm dò dầu khí cũng gây những tổn hại nghiêm trọng đến sinh vật biển.

Trong một bản đánh giá toàn cầu về các loài động vật biển có vú xuất bản tháng trước, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã kết luận: Tiếng ồn ở đại dương đang là một mối đe doạ lớn. Ở nhiều khu vực, mức độ ồn ào trong lòng đại dương tăng gấp đôi qua mỗi thập kỉ và các biện pháp bảo vệ đều thất bại.

Cá voi và cá heo sử dụng âm thanh như một công cụ tối quan trọng cho sự sinh tồn của chúng. Cá voi có hàm sừng (như cá voi xanh và cá voi bướu) phát ra những tín hiệu có tần số thấp có thể đi xa hàng ngàn km trong nước. Cá heo và cá voi có răng thì phát tín hiệu có tần số cao hơn để xác định vị trí con mồi. Báo cáo về tác động của tiếng ồn đại dương cho thấy phạm vi có hiệu quả của các tín hiệu cá voi xanh phát đi chỉ còn khoảng 1/10 so với trước khi các tàu thuỷ thương mại chạy bằng động cơ ra đời. Thêm vào đó, thiết bị định vị của hải quân đã làm cản trở thói quen của các loài động vật dưới nước đến mức chúng phải sống trong điều kiện khó khăn tựa như thợ lặn bị khí ép khi họ nổi lên mặt nước quá nhanh.

Ở Mỹ, sức ép từ các nhóm bảo tồn thiên nhiên đã hạn chế việc sử dụng thiết bị định vị của lực lượng hải quân. Ở một số nơi khác, các công ty thăm dò dầu khí đã hạn chế sử dụng súng hơi gây địa chấn. Nhưng IFAW cho rằng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải áp dụng những biện pháp bảo vệ hiệu quả nếu không sẽ không thể lường trước những thiệt hại khủng khiếp mà con người gây ra đối với hệ sinh thái.

Việc sử dụng thiết bị định vị dùng nhiều năng lượng và súng hơi gây địa chấn phải bị cấm hoàn toàn trong các khu vực nhạy cảm. Bộ Luật tại các quốc gia cũng như Luật quốc tế nên hạn chế tối đa sự phát tán tiếng ồn đối với các sinh vật biển từ các hoạt động thăm dò dầu khí, giao thông đường biển…

Báo cáo của IFAW không phải là báo cáo đầu tiên và cũng không phải cuối cùng về mối đe doạ từ tiếng ồn đại dương. Vấn đề là hầu hết các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn đại dương – tàu thương mai, khai thác khoáng sản là một phần không thể tách rời của nền kinh tế hiện đại.…Một trở ngại nữa đối với việc lập pháp là chủ yếu tiếng ồn được phát ra trên biển đều rất lộn xộn, khó kiểm soát.