Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất

ThienNhien.Net – Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến hóa chất, hạn chế tối đa các ảnh hưởng của các hoạt động này tới môi trường và sức khỏe con người. Ngày 07/10/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2008/NĐ – CP. Bao gồm các nội dung sau.

Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hoá chất phải thiết lập khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, cất giữ tới các điểm dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, nguồn nước sinh hoạt, khu bảo tồn thiên nhiên…

Nếu trong cơ sở có nhiều loại hoá chất nguy hiểm, khoảng cách an toàn được xác định riêng cho từng loại hoá chất và lấy khoảng cách an toàn lớn nhất để áp dụng…

Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất có điều kiện trong ngành thực phẩm phải có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hoá chất, sản phẩm hoá chất ngành thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền ngành y tế chấp nhận đối với từng lô sản phẩm xuất xưởng. Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở này phải có bằng đại học các ngành hoá thực phẩm, dược, y tế…

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoá chất có trách nhiệm khai báo bằng văn bản đến Bộ Công Thương trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày thông quan hoá chất. Xác nhận đã khai báo hoá chất của Bộ Công Thương là một điều kiện để tổ chức, cá nhân được nhập khẩu hoá chất lần tiếp theo…

Các trường hợp được miễn trừ khai báo khi: Hoá chất được sản xuất, nhập khẩu một lần phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp; Hoá chất được sản xuất, nhập khẩu dưới 100 kg một năm không thuộc Danh mục hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và Danh mục hoá chất được kiểm soát theo công ước quốc tế…

Tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất nếu có yêu cầu bảo mật thông tin về: Tên và số lượng hoá chất được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh; Thông tin có liên quan đến bí quyết công nghệ, bí mật thương mại, phải có đề nghị bằng văn bản đến cơ quan tiếp nhận khai báo hoá chất và báo cáo hoạt động hoá chất. Tuy nhiên, những thông tin quan trọng nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường sẽ không được coi là các thông tin bảo mật, bao gồm: Tên thương mại của hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất; Tên tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất; Thông tin trong Phiếu an toàn hoá chất; Độ tinh khiết của hỗn hợp chất và mức độ nguy hại các phụ gia, tạp chất.