Băng tan là hiểm họa nguy cấp nhất đối với Mỹ Latinh

ThienNhien.Net – Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), sự tan chảy của các dòng sông băng trên dãy núi Andes là hiểm họa nguy cấp nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với khu vực Mỹ La tinh.

Theo bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Mỹ La tinh và Caribe, hiện tượng tan băng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các dòng chảy tại Bolivia, Equador và Peru, đồng thời thu hẹp diện tích các rừng nhiệt đới.

Rừng Amazon, lá phổi của hành tinh, có thể mất từ 20-80% diện tích, dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa tại những vùng rộng lớn của Nam Mỹ.

WB cảnh báo nếu các nước trong khu vực không hành động kịp thời thì chỉ trong vòng 10-20 năm tới, nhiều dòng sông băng sẽ biến mất hoàn toàn.

Bà Cox cũng cảnh báo về nguy cơ tăng tỷ lệ nhiễm các bệnh nhiệt đới, điển hình là sốt rét và sốt xuất huyết, và sự suy giảm của các rặng san hô, đặc biệt tại các nước Caribe.

Theo bà, cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại không cản trở kế hoạch giải ngân cho các dự án công nghệ sạch của WB, với tâm điểm là các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Diện tích rừng nhiệt đới của Mỹ Latinh hiện chiếm tới 50% tổng diện tích rừng nhiệt đới của thế giới và là khu vực đa dạng nhất về sinh học. Trong tổng số 10 nước đa dạng nhất về sinh học trên thế giới, có tới 5 nước nằm trong khu vực này là Brazil, Columbia, Ecuador, Mexico và Peru.