Có Hiệp ước, tầng ô-dôn vẫn thủng nhiều hơn

ThienNhien.Net – Năm 1987, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị định thư Montreal và lấy ngày 16/09 hàng năm làm Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng ô-dôn. Năm nay, trong khi thế giới rầm rộ tổ chức Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn thì một thực tế trớ trêu vẫn tồn tại – lỗ thủng tầng ô-dôn không ngừng bị khoét rộng.

Mục tiêu của Nghị định thư Montreal là kêu gọi các quốc gia trên thế giới chung tay góp sức bảo vệ tầng ôzôn – tầng khí mỏng đang che chở cho cuộc sống trên Trái đất khỏi những tác hại của các tia tử ngoại. Cho đến nay, đã có hơn 100 quốc gia thông qua Nghị định thư, nhưng thực tế thì hầu hết các quốc gia chưa thực sự nỗ lực để thực hiện những điều khoản quy định của bản Hiệp ước quan trong này.

Những nỗ lực của châu Phi

Năm nước ở nam Phi bao gồm Kenya, Uganda, Tanzania, Rwanda và Burundi là những quốc gia nằm ở vị trí có ảnh hưởng lớn đối tầng ôzôn. Năm nước này cũng đã thông qua những điều khoản của Nghị định thư Montreal. Tuy nhiên, việc thực hiện những điều khoản này lại chưa thực sự đem lại hiệu quả, đặc biệt là trong vấn đề quy định sản xuất các sản phẩm thân thiện với tầng ôzôn.

Năm 2000, Kenya đã thông qua Nghị định thư Montreal trong điều kiện thiếu thốn cả về nguồn lực lẫn chuyên môn để có thể phù hợp với những yêu cầu và tinh thần của Hiệp ước. Và theo Thư ký thường trực của Bộ Môi trường Kenya, Giáo sư James Kiyiapi, hiện nay họ vẫn đang nỗ lực hết sức để có thể thành lập được một Trung tâm Quốc gia về Biến đổi khí hậu nhằm điều phối các vấn đề môi trường, trong đó có cả vấn đề lỗ thủng tầng ôzôn.

Trung tâm này không chỉ cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu mà còn xây dựng các chiến lược khí hậu quốc gia và kế hoạch hành động để thực hiện các chương trình của Chính phủ nhằm phục hồi tầng ôzôn.

Và theo lời Giáo sư thì nếu Kenya và các nước khác ở Châu Phi – những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, có thể đảo ngược được tình thế nhờ những chiến lược này, thì việc đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDGs) cũng không phải là một bài toán quá khó.

Để chống lại những ảnh hưởng thay đổi khí hậu, Giáo sư Kiviapi cho biết hiện nay, Bộ Môi trường Kenya đang cộng tác với Bộ Năng lượng để tiến hành các dự án phát triển sạch (CDM). Đó là những dự án thân thiện với môi trường nhờ việc sử dụng các công nghệ “sạch” không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và năng lượng tái tạo không thải ra cacbon.

Nói chung, dự án CDM đòi hỏi phải có sự đóng góp tích cực và sự nỗ lực của toàn cầu để đạt được sự ổn định về nồng độ các khí nhà kính trong bầu khí quyển, đem lại lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và môi trường. Đồng thời thực hiện thành công việc chuyển giao những công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện địa phương nhằm tránh việc sử dụng các công nghệ không đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, Bộ Môi trường cũng yêu cầu Trung tâm Khí tượng Kenya thực hiện giám sát chặt chẽ tình trạng của tầng ôzôn nhằm cung cấp những cảnh báo sớm để các quốc gia có thể đưa ra được những kế hoạch kịp thời nhằm bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay các nước trên thế giới vẫn tiếp tục phát thải ra các khí nhà kính (GHGs) như CO2, CH4, N2O, O3, và HCFCs. Khi nồng độ các khí này trong khí quyển tăng cao. Chúng sẽ ngăn chặn sự tỏa nhiệt từ mặt đất vào không gian, dẫn tới hiện tượng ấm lên toàn cầu. Theo tính toán của các chuyên gia nếu lượng CO2 và GHGs vẫn tiếp tục tăng nhanh như hiện nay thì đến năm 2100, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng từ 3 – 50C.

Ấm lên toàn cầu đồng nghĩa với sự tăng nhiệt độ trung bình của khí quyển và đại dương, sự tan chảy băng tuyết trên diện rộng và mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, ấm lên toàn cầu còn gây ra sự thay đổi lượng mưa dẫn đến thay đổi điều kiện khí hậu, hạn hán, lũ lụt, tan chảy băng cực đặc biệt là ở Bắc Cực, giảm lượng tuyết bao phủ, sóng thần, dông và bão gia tăng.

Ví dụ như ở Nam Phi, Núi Kenya và Núi Kilimanjaro là đầu nguồn cung cấp nước cho các con sông của vùng. Tuy nhiên trong thế kỷ qua, lượng băng tuyết ở Núi Kenya đã bị giảm khoảng 92%, còn ở Núi Kilimanjaro con số này là 82%.

Lượng băng tuyết giảm đã làm giảm mực nước trong các sông hồ, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của các cộng đồng dân cư mà cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp.

Muốn giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngoài việc giảm phát thải và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thì tái trồng rừng cũng là một việc làm quan trọng nhằm tăng bể hấp thụ cacbon.

Thế giới kỳ vọng sự đột phá

Để thực hiện Nghị định thư Montreal, năm 1990, Liên Hiệp Quốc đã thiết lập một quỹ đa phương trị giá 1.5 tỷ đô la Mỹ. Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ các nước đang phát triển giảm thiểu việc sản xuất và tiêu thụ các chất phá hủy tầng ô-dôn. 189 quốc gia tham gia Nghị định thư Montreal đều đã thống nhất mức giảm hơn 1,5 triệu tấn sản lượng hàng năm các chất hoá học phá huỷ tầng ôzôn.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cũng đã thành lập 4 ban hội thẩm đánh giá đó là Khoa học, Môi trường, Kĩ thuật và Kinh tế. Một trong những thành công của các ban hội thẩm là đã chỉ ra ít nhất 90 chất hóa học cần phải loại bỏ khỏi các công nghệ sản xuất do những ảnh hưởng của chúng tới tầng ô-dôn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu những điều khoản trong Nghị định thư không thực hiện được thì đến năm 2050, lỗ thủng tầng ô-dôn sẽ mở rộng ít nhất là 50% theo vĩ độ ở bán cầu bắc và 70 % theo vĩ độ ở bán cầu nam. Có nghĩa là lượng tia cực tím chiếu tới trái đất sẽ tăng gấp đối ở bán cầu Bắc và gấp bốn ở bán cầu Nam. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ sẽ có khoảng 19 triệu trường hợp bị ung thư không ác tính, 1,5 triệu trường hợp ung thư ác tính và 130 triệu trường hợp bị mờ nhãn cầu mắt.

Đánh giá cao vai trò của Nghị định thư Montreal trong việc bảo vệ tầng ôzôn, mới đây các nước như New Zealand, Israel, Trung Quốc, Bahrain, Đan Mạch, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Argentina, và Đức cũng đã tham gia vào chương trình của Hiệp ước.

Với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, chúng ta hy vọng rằng Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng ô-dôn của năm nay sẽ tạo ra được một bước đột phá, buộc các quốc gia phải đưa ra được những cam kết, những chiến lược cụ thể để thực hiện một cách hiệu quả các điều khoản của Nghị định thư Montreal để bảo vệ tầng ô-dôn.