Ninh Bình: Nhiều người dân "sống chung" với bụi, khí thải lò vôi, lò gạch thủ công

ThienNhien.Net – Người dân xã Khánh Ninh, Khánh An, Khánh Hội, Khánh Cư… (Yên Khánh – Ninh Bình) hiện đang phải "sống chung" với khói bụi, khí thải độc hại của gần 50 lò gạch và 15 lò vôi thủ công hoạt động trên địa bàn.

UBND tỉnh Ninh Bình và huyện đã có công văn chỉ đạo, đôn đốc đình chỉ, dẹp bỏ những lò gạch, lò vôi này từ năm 2005. Nhưng đến nay, không những chưa thể xoá bỏ hết các lò gạch này mà còn được mở rộng quy mô. Chính điều đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và đời sống người dân đại phương.

Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các lò gạch thủ công này gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng cho khu dân cư trên địa bàn. Tại các vị trí lấy mẫu theo chiều gió khoảng cách từ 50m đến 500m, nồng độ khí đi-ô-xít lưu huỳnh (SO2) gấp 17 – 23 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ bụi lơ lửng gấp 2 đến 5 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí Sun-fua-hy-đrô (H2S) gấp hơn 20 lần so với tiêu chuẩn được phép.

Điều đó lý giải vì sao không khí môi trường của các xã có nhiều lò gạch, lò vôi như Khánh Ninh, Khánh An… (Yên Khánh) luôn gây ngột ngạt, khó thở.

Bên cạnh đó, việc duy trì các lò gạch thủ công hoạt động còn gây mất cảnh quan môi trường, phá hỏng đường dân sinh do vận chuyển đi lại. Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng dẫn tới có đến 80% người dân sống xung quanh thường xuyên mắc các bệnh về họng, đau mắt…

Không chỉ có thế, khí thải, khói bụi các lò gạch còn gây ảnh hưởng đến năng suất rau màu, sản lượng lúa trên địa bàn như: làm cháy hàng nghìn m2 cây đậu tương, ngô, ớt, giảm hơn 20% sản lượng lúa/ha….

Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để đình chỉ, dẹp bỏ những lò gạch, lò vôi thủ công trên địa bàn như: Bơm nước vào lò đang hoạt động, xử phạt hành chính, yêu cầu các chủ lò xuất hết nguyên liệu sản xuất để dừng hoạt động… Nhưng các chủ lò vẫn ngang nhiên duy trì hoạt động và tiếp tục dựng lại các lò vôi bị tháo dỡ để sản xuất.

Theo ông Tô Văn Lưu, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Khánh, nguyên nhân của thực trạng trên là do: mức xử phạt hành chính tối đa chỉ là 500 nghìn đồng/lần không đủ mạnh để răn đe chủ lò.

Phần nữa là do những lò gạch này được đầu tư khá lớn từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng/lò lại thu hút khá nhiều lao động nên việc xoá bỏ gặp nhiều trở ngại do chưa tìm được ngành nghề thay thế… Nhưng huyện cũng đang phấn đấu đến hết năm 2008 sẽ xoá bỏ những lò gạch, lò vôi trên để đảm bảo môi trường sống cho dân cư trên địa bàn.

Được biết, trên địa bàn tỉnh, thực trạng này còn diễn ra khá phổ biến ở các huyện như: Yên Mô, Kim Sơn… Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp dài hơi trong chuyển đổi nghề phù hợp, tạo việc làm cho những gia đình làm gạch, nung vôi trên địa bàn để đảm bảo việc xoá bỏ mang tính triệt để, lâu dài./.