Tòa Án Thái Lan đang xem xét vụ kiện liên quan đến đập Xayaburi

ThienNhien.Net – Ngày 30/11 vừa qua, Tòa án Hành chính Thái Lan đã khởi động phiên tòa liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chính phủ Thái Lan trong kế hoạch mua điện từ con đập Xayaburi, công trình có tác động xuyên biên giới đến các cộng đồng dân cư tại Thái Lan và sinh kế của họ.

Những người dân Thái biểu tình trước cửa trụ sở chính của Ch Karnchang vào cuối tháng 9 vừa qua, yêu cầu công ty này tạm dừng dự án Xayaburi. (Ảnh: Thiti Wannamontha/ Thời báo Bangkok)
Những người dân Thái biểu tình trước cửa trụ sở chính của Ch Karnchang vào cuối tháng 9 vừa qua, yêu cầu công ty này tạm dừng dự án Xayaburi. (Ảnh: Thiti Wannamontha/ Thời báo Bangkok)

Vụ kiện do 37 người dân từ Mạng lưới Người Thái thuộc 8 tỉnh dọc sông Mê Công đệ đơn từ năm 2012.

Người dân Thái khẳng định Xayaburi sẽ gây ra những tổn hại sâu sắc tới hệ sinh thái Mê Công và ảnh hưởng đến các cộng đồng sống ven sông. Theo đó, người dân khiếu nại rằng bên bị đơn, bao gồm Cơ quan Điện lực Quốc gia Thái Lan (Egat) và bốn cơ quan trung ương khác đã thông qua và kí kết Hợp đồng Mua điện (PPA) vào năm 2011 mà không đảm bảo quyền của người dân theo Hiến pháp Thái Lan năm 2007 và nhiều điều luật khác. Theo Hiến pháp, cộng đồng có quyền được thông báo và tham gia vào bất cứ dự án, hoạt động nào của cơ quan nhà nước có thể ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh kế hoặc sự tồn vong của một cộng đồng.

Đây là vụ kiện đầu tiên trong khu vực về việc xây dựng những công trình thủy điện tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực trên dòng Mê Công, con sông giúp duy trì sinh kế cho hàng triệu người dân. Thực tế, vụ kiện đã được đệ trình từ năm 2012 nhưng bị Tòa án Hành chính Thái Lan từ chối do thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm 2014, Tòa án Hành chính Tối cao đã thay đổi tình thế bằng một quyết định mang tính bước ngoặt, cho phép tòa án có quyền hạn giải quyết các vụ kiện liên quan đến việc các cơ quan chính phủ không hoàn thành các nhiệm vụ pháp lý của mình, bao gồm công bố thông tin, lấy ý kiến người dân, và đánh giá các tác động xuyên biên giới.

Quyết định thụ lý vụ kiện của Tòa án Hành chính Tối cao đã xác nhận thách thức xuyên biên giới của Xayaburi, khẳng định tác động tiềm tàng của dự án đối với môi trường, chất lượng và lưu lượng nước, dòng chảy và cân bằng sinh thái trên lưu vực sông Mê Công là điều đã được biết đến rộng rãi. Quyết định của Tòa án Hành chính Quốc gia đã thu hẹp khoảng cách trách nhiệm pháp lý về giải trình, bằng cách mở rộng khái niệm “dự án quốc gia”, bao gồm cả các dự án mà chính phủ tham gia kí kết với một đơn vị tư nhân.

Xayaburi là con đập đầu tiên trong chuỗi 11 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Việc xây dựng Xayaburi được dự đoán có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội, mở đường cho những dự án sau này. Do đó, vụ kiện đóng một vai trò quan trọng, biểu trưng cho một cơ chế pháp lý quyết định bảo vệ quyền cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi và trách nhiệm đảm bảo quyền của những người bị ảnh hưởng, không tính đến địa điểm xây dựng dự án. Đây cũng là vụ kiện đầu tiên đánh dấu việc cộng đồng dân cư phản ứng lại việc phê duyệt hợp đồng mua điện từ một dự án tại quốc gia láng giềng của chính phủ tại Thái Lan.

Trong khi đó, các cơ quan nhà nước có tham gia thông qua quyết định PPA trước đó đã lờ đi kêu gọi từ Ủy ban Nhân quyền Quốc gia và Ủy ban Thượng nghị viện về điều tra PPA của Xayaburi và thực hiện đánh giá xuyên biên giới.

Đầu tư xuyên biên giới đang trên đà gia tăng trong khu vực, đặc biệt là với các dự án năng lượng. Vụ kiện được cho là sẽ giúp ngăn chặn các cơ quan quốc gia lảng tránh trách nhiệm khi kí hợp đồng dự án với các công ty tư nhân, bao gồm cả các dự án tại các quốc gia láng giềng, trong bối cảnh pháp luật còn lỏng lẻo và cơ hội cho người dân bị ảnh hưởng được lên tiếng trong quá trình ra quyết định còn hạn chế. Vụ kiện nhấn mạnh nghĩa vụ trong bảo vệ môi trường và quyền con người của các cơ quan nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực.

Số phận của các cộng đồng dân cư lưu vực sông Mê Công đang bị đe dọa. Nếu người dân thắng kiện, Egat và các cơ quan nhà nước khác có thể sẽ được yêu cầu đảm bảo công bố thông tin, thực hiện tham vấn cộng đồng mở rộng về ảnh hưởng của đập Xayaburi tại Thái Lan và tiến hành đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới. Một khi những nhiệm vụ trên được thực hiện, không chỉ PPA sẽ có sự thay đổi mà tính trách nhiệm giải trình của các bên tham gia trong tất cả các dự án đập thủy điện trên sông Mê Công cũng sẽ được cải thiện.