Hệ lụy của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Việt Nam

ThienNhien.Net – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải khẳng định: biểu hiện của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam đã rất rõ nét như bão, lũ bất thường, hạn hán ngày càng khắc nghiệt, các vùng đất thấp ven biển sẽ bị ngập chìm, đồng bằng sông Cửu Long- vựa thóc lớn nhất nước ta đang ngày càng bị xâm mặn sâu hơn. Hệ luỵ của việc nhiệt độ không khí tăng trung bình hàng tăng ở nước ta là khôn lường.

Chỉ tính riêng đợt rét bất thường kéo dài 33 ngày đầu năm 2008 cho thấy: sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng cực đoan của khí hậu, thời tiết làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và thủy hải sản.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 33.000 con trâu bò, 34.000 ha lúa xuân đã cấy, hàng chục ngàn ha mạ non, nhiều đầm nuôi tôm ở tất cả các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ đã bị chết, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa tính tới các cây, con hoang dã ở các vùng núi cao bị băng giá trong nhiều ngày liền, liệu có còn khả năng sống sót không? và thiệt hại bao nhiêu?

Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh, theo xu hướng biến động như hiện nay thì nhiệt độ không khí tăng trung bình mỗi thập kỷ là 0,1 – 0,2o C, trong đó mùa hè là 0,1 – 0,3o C. Nước biển sẽ dâng khoảng 45 – 69cm đến năm 2070 và 70 – 100cm vào năm 2100. Bão lụt sẽ tăng khoảng 20%, trong khi đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại rất thấp, độ nhiễm mặn cũng tăng lên. Hai thành phố ven biển lớn nhất là Hải Phòng và TP. HCM vừa được liệt vào danh sách 10 thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong vòng 20-50 năm nữa.

Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam giảm rõ rệt trong 2 thập kỷ gần đây, từ 29 đợt mỗi năm trong các thập kỷ 1971 – 1980, 1981 – 1990 xuống còn 24 đợt mỗi năm trong thập kỷ 1991-2000, đặc biệt trong các năm từ 1994-2007 chỉ còn 15-16 đợt rét mỗi năm.

Nhiệt độ không khí tăng cũng làm cho số cơn bão hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu thế giảm trong 4 thập kỷ qua. Cụ thể là ở Biển Đông có từ 114 cơn trong thập kỷ 1961-1970 xuống còn 103 cơn bão trong thập kỷ 1991-2000. Ở Việt Nam từ 74 cơn bão trong thập kỷ 1961-1970 xuống còn 68 cơn trong thập kỷ 1991-2000, số cơn bão mạn có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn hơn, quỹ đạo có vẻ dị thường hơn và số cơn bão ảnh hưởng tới khu vực Nam bộ có phần tăng lên trong những năm gần đây.

Điển hình là trận lũ khinh hoàng xảy ra vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 4 năm 2008 đã làm 162 người chết và mất tích thiệt hại gần 1.900 tỷ đồng. Trận lũ đã ảnh hưởng và gây thiệt hại cho 11 tỉnh phía Bắc nước ta (Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn). Tỉnh Lào Cai đã có 49 người chết, 30 người mất tích, gần 4.000 căn nhà bị sập, hỏng, thiệt hại về kinh tế là 985 tỷ đồng. Tỉnh Yên Bái có 41 người chết, hơn 1.800 căn nhà bị sập, hỏng thiệt hại 438 tỷ đồng. Trận lũ vừa qua đã làm sập và ngập 11.500 căn nhà và nhiều trường học, úng ngập 27.200ha lúa và hoa màu, làm sạt trôi và bồi lấp gần 2,3 triệu khối đất đá trên các công trình giao thông, thủy lợi và khu nuôi trồng thủy sản, chết gần 28.000 gia súc và gia cầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Do biến đổi khí hậu đã làm hạn hán có xu hướng mở rộng ở hầu hết các vùng, đặc biệt là cực Nam Trung bộ dẫn đến gia tăng hiện tượng hoang mạc hoá, mực nước biển đã tăng từ 25-30 cm trong khoảng 50 năm qua.

Điển hình là bờ biển Bạch Long – Giao Thủy và khu du lịch thị trấn Quất Lâm mực nước biển đã dâng lên 20 cm. Mỗi lần thủy triều lên mực nước dâng cao tràn qua đường khu du lịch ở thị trấn Quất Lâm. Khu du lịch thị trấn Quất Lâm trước đây không bị ngập nhưng cho đến nay đã bị ngập, do vậy chính quyền địa phương đã phải tổ chức tôn cao đường trong khu du lịch thị trấn Quất Lâm từ 20 – 50 cm và xây dựng bờ chắn sóng.

Hậu quả của mực nước dâng cao 20 cm đã phá hủy toàn bộ môi trường và cây cối trong khu vực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, du lịch và môi trường của huyện. Qua nghiên cứu thực tế chính quyền huyện buộc phải đầu tư, xây dựng các cơ chế chính sách phục vụ cho sự phát triển kinh tế, du lịch và môi trường của huyện bằng giải pháp nâng cao các cao trình của tuyến đường và làm các quy hoạch toàn bộ các công trình xây dựng phục vụ cho phát triển du lịch của thị trấn phải tôn cao lên đảm bảo nhu cầu phục vụ và an toàn tuyệt đối cho du khách, đảm bảo môi sinh của khu vực này tốt hơn.

Đó là chưa kể đến sự suy thoái của các hệ sinh thái, mất đi sự đa dạng sinh học trầm trọng, diện tích rừng giảm từ 43% xuống còn 28,2%; rừng ngập mặn ven biển cũng bị suy thóai nghiêm trọng (giảm 80%). Trong những năm gần đây, rừng tuy có tăng lên về diện tích nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh cũng vẫn chỉ ở mức khoảng 8% so với 50% của các nước trong khu vực.

Sự mất đi tính đa dạng sinh học đồng nghĩa với sự mất đi những nguồn gen bản địa và tạo cơ hội cho những loài ngoại lai phát triển mạnh. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng để đưa vào trong nước các giống sinh vật lạ có sức cạnh tranh cao kiểu như cây trinh nữ đầm lấy – Mimosa pigra, hoa ngũ sắc hay ốc bươu vàng…, các nhóm vi trùng gây bệnh, các gen gây bệnh có khả năng chọn đối tượng để gây hại hoặc tiêu diệt. Nhiễu loạn kinh tế xã hội do biến đổi khí hậu gây ra có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này.