Cà Mau: Khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng

ThienNhien.Net – Ở vùng Bắc Cà Mau, từ lâu nguồn lợi cá đồng ở đây đã trở nên nổi tiếng, nhưng thời gian qua nguồn lợi cá này đã bị cạn kiệt do khai thác bừa bãi. Xuất phát từ thực tế trên, gần đây nhiều nông dân tại huyện Trần Văn Thời tự sản xuất thành công giống cá đồng.

Việc con cá đồng bị khan hiếm và liên tục tăng giá khiến nhiều nông dân tại vùng “rốn cá” Trần Văn Thời này bừng tỉnh. Ông Tư Mến nhớ lại ngày mới đến xã Khánh Hưng thực hiện một bước đột phá trong tạo nguồn giống cá đồng. Năm 2002 ông bắt đầu học cách ương giống cá sặc rằn. Theo ông, quan trọng nhất là khâu chăm sóc cá con, sau khi nở khoảng 2 ngày đưa ra vèo cho ăn lòng đỏ trứng, bột đậu nành… Hiện nay, cá giống của ông sản xuất ra không chỉ phục vụ nuôi gia đình, trong khu vực mà còn bán ra nhiều tỉnh lân cận khác.

Còn anh Lê Thanh Bình, nông dân xã Trần Hợi đến với nghề làm giống cá đồng cũng từ sự thúc ép của nhu cầu nuôi cá đang phát triển. Năm 2002, anh Bình bắt đầu làm thử giống và cũng thành công với việc tạo mưa giả trên đìa cho cá đẻ trứng, sau đó đem ép và thế là có cá con để bán. Nhưng trường hợp anh ép thành công cá rô đồng thì đơn giản không ngờ.

Anh kể; anh quan sát thấy cá rô đồng hàng năm đẻ vào dịp tháng 8 – 9 trong diện tích nhỏ nên nếu đầu tư làm giống sẽ ít tốn kém. Do vậy năm 2003 khi chụp đìa anh chọn 10 kg cá tốt thả xuống ao vỗ béo bằng tép, ốc… đến dịp 30/04 mưa nhiều, tát ao, sên sạch rồi cho nước mới vào, thả cá bố mẹ lúc này đã no trứng xuống. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ là nó đẻ trắng ao.
Sau đó chăm sóc cá con tới lớn để bán hơn 25 kg cá giống cho bà con xung quanh. Số còn lại anh thả ra đìa nuôi, chỉ thu hoạch lứa đầu đã bán được hơn 25 triệu đồng.

Nghề nuôi cá đồng đang phát triển mạnh tại xã Khánh Hưng, còn tại vùng ngọt hóa của Cà Mau, cụ thể ở Trần Văn Thời, con cá đồng thật sự đã tạo một dấu ấn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Đã có rất nhiều mô hình thành công và trở nên giàu có từ con cá này.

Người dân tại ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng ai cũng biết bác Huỳnh Kim Tuyết thực hiện mô hình VAC hiệu quả rất cao. Bác cho biết, với 2,2 ha đất ruộng cải tạo lại cho phù hợp để trên bờ trồng rẫy, dưới ao thả cá, một năm cũng kiếm được vài chục triệu, thế là đủ sống. Với mô hình VAC từ nguồn lúa, cá đồng và nuôi heo, năm 2004 bác Tuyết đã thu lãi hơn 60 triệu đồng.

Tại xã Khánh Bình Tây, rất nhiều người biết đến chú Huỳnh Buôi, một cựu chiến binh nhờ mô hình con cá kết hợp với lúa, vườn cây ăn trái đã thật sự làm gia đình chú đổi đời. Với 30 công ruộng, chú thực hiện mô hình lúa – cá, bình quân thu 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trên bờ ao còn trồng cây ăn trái và nuôi heo nên mỗi năm tổng thu nhập gia đình chú hơn 100 triệu đồng. Chú Buôi cho biết, lâu nay cá đồng bán ngoài chợ không bao giờ bị ế, và ngày càng có xu hướng hiếm hơn vì nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển hết sang nuôi tôm.

Còn rất nhiều hộ dân tại khu vực ngọt hóa của Cà Mau cũng khởi sắc nhờ hồi phục con cá đồng. Con cá đồng thật sự đã tạo ra một bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đây. Hiện nay, chính những người nông dân nhận thấy điều đó và chọn cho mình một hướng đi riêng với các mô hình kết hợp và tự sản xuất giống.

Anh Lê Thanh Bình cho biết, cá sặc rằn, cá rô, cá lóc đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên anh không thể nhất nhất sẽ nuôi các loài đó, anh phải nuôi đa dạng mới có nhiều cơ hội đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Năm nay anh Bình đang tiếp tục sản xuất giống cá thát lát và bống tượng. Dự kiến thành công sẽ có được nguồn giống ổn định, anh sẽ thực hiện nuôi đa dạng loài nuôi để từng bước mở rộng cơ hội phát triển nghề…

Nhìn thấy tầm quan trọng của con cá đồng ở vùng ngọt hóa Cà Mau, huyện Trần Văn Thời đã xây dụng dự án đầu tư quy hoạch sản xuất theo mô hình cá đồng – lúa. Dự án được triển khai tại 10 ấp của 3 xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải, Khánh Hưng với tổng diện tích 2.425 ha. Trong đó, đất trồng lúa kết hợp với nuôi cá đồng trên 1.535 ha, có 749 hộ dân tham gia, tổng số vốn đầu tư cho dự án trên 66,3 tỷ đồng.

Theo tính toán sơ bộ của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, năm nay khi dự án được hoàn thành và cho hiệu quả thì thu nhập bình quân 89 triệu đồng/năm, bình quân mỗi hộ trong vùng dự án khoảng 188 triệu đồng/năm. Hiện nay, tuy mới bước đầu nhưng bà con trong khu vực cho biết đã có hiệu quả, thu nhập bình quân 40 – 50 triệu đồng/hộ/năm.

Nguồn lợi cá đồng đang dần được phục hồi và tạo thế vững chắc cho kinh tế nông gnhiệp vùng ngọt hóa Cà Mau ngay tại “rốn cá” ngày nào.