Quảng Nam: Thủy lợi hóa đất màu “cứu” cây trồng khỏi chết héo

ThienNhien.Net – Chương trình thủy lợi hóa đất màu được triển khai ở nhiều địa phương với việc đưa điện ra đồng, đóng máy bơm…

Trong khi nguồn nước các ao, hồ, sông, suối cạn kiệt do nắng nóng kéo dài thì việc khai thác các mạch nước ngầm bằng cách đóng giếng để duy trì nguồn nước tưới được xem là “cứu cánh” vào thời điểm hiện nay.

Tại tỉnh Quảng Nam, chương trình thủy lợi hóa đất màu được triển khai ở nhiều địa phương, với việc đưa điện ra đồng, đóng máy bơm phục vụ nước tưới giúp cho hàng ngàn héc ta đất sản xuất phụ thuộc nước trời không bị bỏ hoang.

Các cánh đồng trồng rau màu xanh tốt từ chương trình thuỷ lợi hoá đất màu. (Ảnh: VOV.VN)
Các cánh đồng trồng rau màu xanh tốt từ chương trình thuỷ lợi hoá đất màu. (Ảnh: VOV.VN)

Dưới cái nắng như đổ lửa, cánh đồng thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vẫn giữ được màu xanh. Trước đây, toàn bộ khu bãi bồi ven sông Thu Bồn do không chủ động nước tưới nên năng suất bấp bênh.

Gần 5 năm trở lại đây, nhờ triển khai chương trình thủy lợi hóa đất màu, điện kéo về tận đồng ruộng nên bà con dễ dàng bơm nước từ các giếng đóng để tưới cho cây màu khỏi bị chết.

Bà Phan Thị Hường ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên cho biết: “Giếng mình gắn mô tơ vô, đóng điện lên cứ 2 bữa tưới một bữa”.

Chương trình thủy lợi hóa đất màu được triển khai rộng khắp ở các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Nam từ nhiều năm nay. Hằng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ từ 3 đến 5 tỷ đồng giúp nông dân kéo điện ra đồng, bà con tự đóng giếng để lấy nước tưới cho cây trồng.

Nhờ khoản kinh phí hỗ trợ 40% của tỉnh, kết hợp với ngân sách địa phương, đến nay, huyện Duy Xuyên đã kéo hơn 100 km đường dây điện để tưới cho hơn 1.000 ha vùng đất bãi bồi ven sông Thu Bồn. Thời điểm nắng nóng như hiện nay, khi nước sông Thu Bồn dần cạn kiệt thì nguồn nước từ các giếng đóng ngay tại ruộng phát huy tác dụng.

Quảng Nam thực hiện kênh cố hóa kênh mương. (Ảnh: VOV.VN)
Quảng Nam thực hiện kênh cố hóa kênh mương. (Ảnh: VOV.VN)

Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích bà con chọn những cây trồng đầu ra ổn định như đậu phộng, ớt và những loại cây được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm như: dưa leo, gừng, cà tím… đưa vào sản xuất.

“Chương trình thủy lợi hóa đất màu của huyện Duy Xuyên gần như triển khai 100% diện tích theo quy chuẩn. Chỉ còn một số vùng diện tích nhỏ nên chưa triển khai được. Trong điều kiện như hiện nay thời tiết nắng hạn này, những công trình này đã phát huy rất rõ đó là tưới hỗ trợ để cây trồng có đủ nước phát triển”, ông Nguyễn Công Dũng nói.

Trên đồng ruộng tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 10.000 ha ngô, đậu phộng và rau màu các loại; trong đó, hơn 4.000 ha rau đang được chăm sóc từ chương trình thủy lợi hóa đất màu. Trước đây, không ai dám trồng rau vào mùa hè, nhưng nay thì ngay cả những khu vực phía Nam của tỉnh, nông dân cũng mạnh dạn trồng rau.

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, lường trước tình hình nắng nóng kéo dài, huyện chủ trương chuyển đổi hơn 300 ha đất lúa sang trồng đậu phộng, ngô, mè, khoai lang, sắn ngay sau khi thu hoạch lúa vụ Đông – Xuân.

“Chúng tôi đang chỉ đạo cho Chi nhánh Thủy lợi tiết kiệm tưới, cộng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì khả năng nước tưới cũng có thể đảm bảo. Chỉ sợ nhất là cuối vụ nhưng nếu mưa đến sớm thì cũng có thể làm được” – ông Hương nói.

Chương trình thủy lợi hóa đất màu ở tỉnh Quảng Nam hướng nông dân đến nền sản xuất hàng hoá chuyên canh cao, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ngày càng lớn. Bà con nông dân có điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện nông thôn mới.