Để người nông dân không bị gạt ra lề phát triển

"Nông dân vẫn là người ít thụ hưởng những thành quả đổi mới nhất" – Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã có phát biểu như vậy từ hơn 1 năm trước, khi chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương Việt Nam (VN) gia nhập WTO Việt – Mỹ (31/05/2006).

Cho đến nay, hàng loạt cơn điêu đứng của nông dân trong cuộc vận lộn kinh tế đang là những minh chứng sống động cho nhận định đó. Người nông dân ngậm ngùi nhìn hàng triệu tấn cá không được thu mua, cay đắng trông đồi cà phê, vườn tiêu chết hạn, liêu xiêu chịu trận trong cơn bão giá cả tăng vọt…

Trước Đổi Mới, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã là đối tượng – chủ thể chính trong xã hội Việt Nam.

Trong Đổi Mới, nông dân và nông nghiệp đa là lực lượng chính làm nên sức bật kỳ diệu của cả nền kinh tế Việt Nam.

Ngay sau Đổi Mới, nông dân và nông thôn là người được thụ hưởng thành quả của chuyển biến lớn đó trước tiên.
Nhưng, tựu lại sau hơn 20 năm, người nông dân đã được Đổi Mới trao vào tay những gì? Liệu người nông dân Việt Nam đã thực sự là động lực và chủ thể của sự phát triển, đã được thụ hưởng những thành tựu do chính tay họ góp phần tạo dựng nên? 

Hưởng – chịu

Những bước chuyển mình của nền kinh tế đất nước nói chung, đương nhiên sẽ có tác động tích cực đến người đời sống nông dân và vùng nông thôn.

Song, nhà mái bằng, tivi, xe máy, cơm trắng ăn no… bấy nhiêu có đủ để gọi là “thành tựu lớn”, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, tỷ lệ thất học, thất nghiệp lớn, số người bỏ đất, bỏ quê ngày một tăng…

Nông dân là chủ thể đầu tiên của Đổi Mới, nhưng liệu có được là đối tượng đầu tiên được thụ hưởng những thành quả đó?
Hay khoa học, công nghệ qua tay thành thị, về đến nông thôn thì bị hình thức hóa “làm cho có”; vốn về đến nông thôn bị xà xẻo, nền giáo dục, y tế cộng đồng mới mà không mới – vì họ đang buộc phải chi trả với tỷ lệ nhiều hơn?

Mặt khác, nông thôn là vùng luôn dễ bị tác động trong suốt quá trình chuyển đổi kinh tế của cả nước: ô nhiễm môi trường nặng nề, bị rút mất nhân lực (để vào thành phố, biến động giá cả, các chính sách sai lầm).

Khoảng dăm năm trở lại đây, có rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và nông thôn, nhưng bao nhiêu trong số đó đã thành công? Trong khi những chương trình thất bại lại được ghi dấu không ít:: chương trình “đánh bắt xa bờ”, chương trình “1 triệu tấn đường”…

Về văn hóa, sự mở cửa của đất nước cho phép người nông dân nếm thử những hương vị “mưa Âu gió Mỹ” lạ lẫm, nhưng đồng thời cũng lấy đi của họ rất, rất nhiều bản sắc và giá trị. Văn hóa nông thôn Việt Nam đang bị biến thái và mất mát một cách đáng kinh ngạc, và được phủ lên một tấm vải điều dỏm gọi là hiện đại. Sự được – mất về văn hóa ấy liệu có đáng? 

Tự thân

Tất nhiên, cũng không phủ nhận có một bộ phận nông dân khá lên, và khá nhanh, trở thành những tỷ phú nông dân. Liệu sự khá đó là kết quả của sự dẫn dắt, chỉ đường, hay là do nỗ lực tự thân của những người chân lấm tay bùn, tự lần lấy đường mà đi?

Thực tế, các sáng kiến cải tiến máy móc đến từ nông dân nhiều hơn là từ kỹ sư; các mô hình làm kinh tế trong phạm vi hộ gia đình được “mầy mò” mà ra hơn là được thừa hưởng và áp dụng…

Nhưng nếu cứ chỉ dựa vào tự thân, liệu nông thôn có mất đồng ruộng, nhân lực, tiềm lực… Liệu nông dân có bị gạt bên ra ngoài lề của sự phát triển?

Biết rằng, người nông dân và nông thôn Việt Nam tự thân có sức sống mãnh liệt, nhưng sức sống ấy đang bị bào mòn như thế nào trong giai đoạn phát triển kinh tế chung của cả nước?

Liệu chúng ta có đang quên nông nghiệp, nông thôn và nông dân – nền tảng căn bản của nền kinh tế, văn hóa, linh hồn của ngàn năm đất Việt? Và làm thế nào để người nông dân được thực sự trở thành động lực và là chủ thể của sự phát triển?

Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 7 đang diễn ra sẽ bàn thảo một cách nghiêm túc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng chắc chắn, vấn đề nổi cộm của phát triển tại Việt Nam này không thể giải quyết được một sớm một chiều trong một bản đề án hay trong một vài năm.