Nuôi tôm thẻ chân trắng ở thành phố Hồ Chí Minh: Cơ hội hay nguy cơ?

ThienNhien.Net – Đã một thời con tôm sú được xem là vật nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh), nhưng gần đây do dịch bệnh, tôm chết nhiều, rủi ro lớn nên bà con nơi đây đổ xô sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là cơ hội hay nguy cơ khi bà con chọn vật nuôi mới này?

Thành công bước đầu

Ông Nguyễn Thanh Lương – Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, toàn huyện có khoảng 5.400 ha nuôi tôm sú với hơn 2.900 hộ nuôi, sản lượng trên 6.000 tấn/năm. Con tôm sú đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết nhiều công ăn việc làm tại chỗ, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây diện tích nuôi tôm sú bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều. Trong năm 2007 đã có gần 250 ha nuôi tôm sú bị chết do nhiễm bệnh đốm trắng; 8 tháng đầu năm 2008, các hộ nuôi đã dần ý thức thả nuôi với mật độ thưa hơn nhưng diện tích tôm sú bị nhiễm bệnh vẫn khoảng 102 ha, gây thiệt hại cho gần 110 hộ nuôi, bằng 39% so cùng kỳ năm 2007. Trước nguy cơ rủi ro lớn do dịch bệnh, gần đây không ít hộ nuôi tôm sú đã chuyển sang nuôi thử nghiệm con tôm thẻ chân trắng với hy vọng tìm vật nuôi mới hiệu quả hơn, nhằm đa dạng hoá đối tượng nuôi và thay thế dần con tôm sú.

Mặc dù chưa có quy hoạch vùng nuôi và chưa cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng thực tế từ cuối năm 2004 đến nay có rất nhiều cơ sở, hộ dân ở huyện Cần Giờ và xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè đã triển khai nuôi giống tôm này. Tại huyện Cần Giờ, từ 4 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2004 tăng dần lên 6 hộ với hơn 19 ha vào năm 2006, rồi 10 hộ nuôi trên diện tích 24 ha năm 2007 và đầu năm 2008 tiếp tục tăng lên đến 90 hộ, thả nuôi gần 76 triệu con giống trên diện tích 119 ha mặt nước nuôi.

Từ chỗ nuôi một, hai vụ đầu thất bại, đến năm 2007 có hơn 50% cơ sở, hộ nuôi có lãi và bước sang năm 2008 số cơ sở, hộ nuôi có lãi tăng lên trên 70%. Đặc biệt năm 2008, khi Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có chỉ thị cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở thành phố Hồ Chí Minh thì phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển rất nhanh.

Theo Phòng NN-PTNT Cần Giờ nhận định, con tôm thẻ chân trắng có thể tăng trưởng tốt trên vùng nuôi tôm Cần Giờ, sau thời gian nuôi 75 đến 80 ngày tuổi đạt cỡ tôm 90-100 con/kg, dễ tiêu thụ, giá bán ở các chợ đầu mối cao hơn 2-3 triệu đồng/tấn so với tôm sú.

Và những nguy cơ

Kỹ sư Lý Vĩnh Phước-Trung tâm Khuyến nông thành phố cho rằng, từ một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thành công càng kích thích mạnh mẽ các hộ nuôi trồng thuỷ sản quan tâm hơn đến đối tượng này và không ngừng mở rộng diện tích, gia tăng mật độ nuôi. Điều này làm cho cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định nguồn gốc và chất lượng con giống tôm thẻ chân trắng trôi nổi.

Vì vậy, con tôm thẻ chân trắng đang là tiềm ẩn nguy cơ rủi ro không nhỏ nếu không thận trọng và phát triển ào ạt không theo quy hoạch, không nắm bắt tốt quy trình kỹ thuật nuôi. Tuy con tôm thẻ chân trắng được đánh giá là vật nuôi có ưu điểm vượt trội so với tôm sú (như nuôi mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, ít bệnh, không kén môi trường, năng suất cao, hệ số qui đổi thức ăn thấp, lãi cao) nhưng đây là đối tượng thuỷ sản mới nên những diễn biến về dịch bệnh khó lường trước nếu không chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết và biện pháp phòng ngừa, điều trị. Các nhà chuyên môn đã thận trọng khảo sát môi trường, rút ra nhiều kinh nghiệm từ các nước đi trước và đưa ra các điều kiện môi trường, khuyến cáo kỹ thuật áp dụng cho vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam.

Những điều cần biết về nuôi tôm thẻ chân trắng

Để phát triển hiệu quả các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn, bền vững, KS. Lý Vĩnh Phước nêu ra những điều cần biết về nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ nuôi như: Chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng đã được quy hoạch rõ ràng, có đầu tư cơ sở hạ tầng đường, điện đầy đủ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Thời vụ nuôi tôm áp dụng chính vụ từ tháng 1-5, vụ phụ từ tháng 7-11. Chỉ áp dụng phương pháp nuôi thâm canh, có trang bị ao lắng lọc, ao xử lý nước thải, đồng thời phải có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Áp dụng các biện pháp xử lý, cải tạo ao tuần tự như các mô hình nuôi tôm sú, gây màu nước xanh noãn chuối non hoặc vàng vỏ đậu xanh bằng phân DAP liều lượng 300-500g/100m2 ao nuôi.

KS. Phước còn nêu ra những quy định bắt buộc như tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, giấy chứng nhận kiểm dịch chất lượng, mật độ thả nuôi 70-80con/m2. Các khâu liên quan như chế độ cho tôm ăn, thay nước, quạt nước, môi trường nước và biện pháp phòng, điều trị cho tôm thẻ chân trắng cũng được hướng dẫn và cung cấp tài liệu cho các hộ nuôi ở Nhà Bè và Cần Giờ.

Trung tâm Khuyến nông thành phố đã tổ chức hai cuộc hội thảo tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ phổ biến các quy định của nhà nước về thả nuôi tôm chân trắng, công bố vùng quy hoạch nuôi trên địa bàn Cần Giờ với diện tích gần 1.300 ha tại 3 xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Lý Nhơn. Riêng ba xã phía Nam huyện Cần Giờ, nếu có đủ điều kiện theo quy định thì cũng được phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng.

Phòng NN-PTNT huyện Cần Giờ đang phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trạm kiểm dịch An Nghĩa xây dựng quy trình, thủ tục, thời gian cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi tôm thẻ chân trắng cho các cơ sở, hộ nuôi./.