Sân golf “xuống” ruộng, nông dân mang án nghèo

Trong kỳ họp HĐND tỉnh TT-Huế mới đây, một vị đại biểu đã nói: “Xây sân golf ở Thuỷ Dương, 360 hộ nông dân đã bị tỉnh kết án nghèo”. Nông dân không còn đất sản xuất vì bị các dự án sân golf, nhà vườn, resort,… "đổ bộ" xuống ruộng vườn, đó là thực trạng tại nhiều địa phương hiện nay.

Xây sân golf – dân lấy gì để sống?

Tháng 03/2007, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có văn bản cho phép Công ty cổ phần Thiên An xây dựng sân golf 36 lỗ trên diện tích 150ha đất tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy.

Theo thống kê của UBND xã Thủy Dương, toàn xã có đến 298.303m2 đất trồng cây hàng năm, 757.859m2 đất trồng rừng, 51.099 m2 đất ở, 71.526m2 đất nuôi trồng thủy sản và hàng trăm nghìn m2 các loại đất khác bị thu hồi để xây dựng sân golf.
Tại cuộc họp hội đồng nhân dân tỉnh đầu tháng 7 mới đây, nhiều câu hỏi của các đại biểu được đặt ra như: Hiệu quả của việc xây dựng sân golf? Ai sẽ là người hưởng lợi, phạm vi ảnh hưởng? Sau khi bị tỉnh thu hồi đất sản xuất để phục vụ dự án sân golf, hàng ngàn nông dân ở xã Thủy Dương sẽ làm gì để kiếm sống?

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế cho rằng: Chủ đầu tư dự án sân golf trên nói là sẽ ưu tiên nhận lao động ở địa phương đó vào làm việc ở công ty.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Thiên An thì sẽ có khoảng 1.200 – 1.400 lao động ở sân golf, gồm các thợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cỏ, cây xanh công viên trong sân golf, lao động kỹ thuật máy móc. Công ty này còn đưa ra một số yêu cầu tuyển dụng: lao động độ tuổi thanh niên, có ngoại ngữ, được đào tạo kỹ thuật về golf để trực tiếp phục vụ khách.

Như vậy, với điều kiện trên thì liệu trong số hàng ngàn người nông dân đã quen chân lấm tay bùn sống nhờ cây lúa, cây khoai, sẽ có mấy người được tuyển vào làm việc ở sân golf này?

Theo lời bà Nguyễn Thị Thúy Hòa thì số lao động không vào làm việc ở sân golf thì dự án sẽ đào tạo nghề miễn phí, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi ngành nghề.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, xem ra đây là kế hoạch đầy mơ hồ mà chủ đầu tư đặt ra. Bởi, trước đây rất nhiều dự án được triển
khai trên địa bàn tỉnh TT-Huế cũng “hứa” sẽ giải quyết việc làm cho người dân, nhưng đến khi dân đề cập đến việc làm thì họ lại bắt bẻ về nghiệp vụ, trình độ văn hoá, kỹ thuật…

Không như bà Hoà, ông Phạm Quốc Dũng, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Hương Thủy thì lại tỏ ra nghi ngờ vì dự án sân golf mới này. “Việc triển khai dự án, tỉnh nói thì huyện, xã phải nghe, nhưng quan trọng là phải lấy ý kiến của nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng với người dân, phải theo quy trình dân chủ cơ sở vì họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp trong việc thu hồi đất đai để phục vụ dự án” – ông Chủ tịch huyện Hương Thuỷ ngán ngẩm nói.

Theo thông tin từ ông Dũng, sau khi bàn bạc, xem xét về việc quy hoạch tổng thể để phục vụ dự án sân golf, tỉnh đã đồng ý để lại nguyên 2 hồ thủy lợi ở thôn 1 và thôn 3 để cho người dân nuôi cá. Tuy nhiên, để trồng thảm cỏ xanh tốt phục vụ sân golf thì cần một lượng hóa chất rất lớn và lượng hóa chất khổng lồ này sẽ được thải ra các hồ thủy lợi đó!

Thực tế, nước ở 2 hồ thủy lợi này sẽ đổ về sông Đại Giang. Và hệ lụy tất yếu sẽ dẫn đến môi trường đầm phá thay đổi, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản rất lớn!

Còn theo ông Lê Quý Tư, Chủ tịch UBND xã Thủy Dương thì đây là dự án mà chính quyền địa phương rất trăn trở. Bởi vì diện tích đất sản xuất bị thu hồi rất lớn, trong đó có đến 363 hộ liên quan và khoảng hơn 30 hộ phải di dời nhà cửa. Như vậy, dự án thực hiện sẽ hạn chế phát triển kinh tế – xã hội nằm trong dự kiến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt đây là xã khoảng 80% người dân sống nhờ nông nghiệp .

Bị kết án “nghèo” – dân kêu cứu, tỉnh làm ngơ!

Với sự kiên trì, từ mảnh đất hoang vu cách đây 30 năm, người nông dân ở các thôn 1, 2 và 3 xã Thuỷ Dương đã tạo lập được cho mình những mảnh vườn màu mỡ. Đó cũng là nguồn sống duy nhất của họ. Vậy mà, giờ đây hàng ngàn người dân đang thấp thỏm, hoang mang khi được thông báo là đất của họ chuẩn bị bị thu hồi để phục vụ cho dự án sân golf.

Một người dân đang sống trong vùng dự án bức xúc nói: “Bà con ở đây sống nhờ nông nghiệp nhưng càng ngày đất nông nghiệp càng bị thu hẹp bởi các dự án. Trước đây, cũng vì dự án mà bao người dân phải rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo khó, nay lại phải đối mặt với dự án”.

“Gia đình tôi lên định cư ở đây từ năm 1975. Sống gần cả đời người, nuôi cả đàn con trưởng thành, hai vợ chồng già chỉ nhờ thu nhập nhờ vào vườn cây ăn quả hơn 5.000 m2. Vậy mà, mấy ngày nay, thấy dự án đi đo đạc đất đai, để tiến hành giải tỏa, tôi buồn không ngủ được. Rồi không biết mình sẽ đi mô, làm chi để sống qua ngày” – bà Lê Thị Xuân (65 tuổi) ở thôn 1, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy – một hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ sân golf than ngắn, thở dài.

Gia đình ông Ngô Văn Liêm ở thôn 1 có hơn 10.000m2 bị thu hồi để phục vụ cho dự án sân golf. “Số đất trên, nuôi gần 20 mạng người trong gia đình. Không còn đất sản xuất, chắc cha con tôi cũng dắt díu vào Nam kiếm sống ” – ông Liêm bức xúc.
Trung bình mỗi năm, mảnh vườn hơn 10.000m2 đã đem lại cho gia đình ông Liêm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Sau khi đất bị thu hồi, gần 20 thành viên của gia đình ông Liêm sẽ không có đất để sản xuất, thất nghiệp.

Cũng như gia đình ông Liêm, bao đời nay gia đình ông Ngô Văn Minh sống nhờ vào 3 sào đất màu mỡ để trồng sắn, trồng khoai. “Mấy ngày nay, nghe đất sắp bị thu hồi, tôi cháy ruột, cháy gan. Nông dân chúng tôi làm chi thì làm cũng phải có đất để sản xuất nông nghiệp. Nếu không có đất thì chịu chết đói thôi vì lớn tuổi rồi biết làm chi mà sống” – ông Minh lắc đầu ngao ngán.

Cũng như nhiều người dân ở thôn 1, hàng trăm hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 cũng rất bất bình về dự án sân golf này. Ông Ngô Văn Hòa ở xóm Rẫy, thôn 3, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy bức xúc: “Tôi nghe nói, dự án sẽ triển khai chậm nhất là cuối năm nay nhưng đến nay người dân vẫn chưa được phổ biến kế hoạch cụ thể. Gần cả tháng nay, từ khi dự án về đo đạc, cả nhà tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Diện tích đất rẫy sau khi bị thu hồi, cả nhà không biết dựa vào đâu để kiếm ăn qua ngày”.

Nhận thấy “ẩn họa” từ việc xây dựng sân golf, người dân cũng như chính quyền xã Thủy Dương đã nhiều lần có kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nên xem xét lại hiệu quả của dự án, nhưng những kiến nghị trên đều không được chấp nhận.
Câu chuyện xây dự án sân golf trên đất ruộng của người dân, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình huyện Hương Thuỷ (TT-Huế) chỉ là một ví dụ rất nhỏ, khi mà ở thời điểm này, hàng nghìn dự án sân golf, resort,… trên hầu hết các tỉnh thành lớn vẫn tìm mọi cách “đổ bộ” xuống ruộng của nông dân!