Tam nông ở Quảng Trị

ThienNhien.Net – Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện một số giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, cho nên đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra vẫn là, sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp chưa bền vững, chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng còn những bất cập, đời sống của nông dân còn khó khăn.


Những năm qua, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề ở nhiều địa phương, nhưng sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Trị vẫn liên tục tăng trưởng. Giá trị tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp hằng năm đạt hơn 700 tỷ đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt 220 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 triệu USD… Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng tăng từ 27,7% lên 30,9%; tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp giảm từ 34,7% xuống còn dưới 32%.

Trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chú trọng, diện tích trồng lúa chỉ duy trì hơn 23 nghìn ha, nhưng đã đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chiếm hơn 90% diện tích. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân ở Quảng Trị liên tục qua các năm đạt 10 tấn/ha, có nơi đạt từ 11 đến 12 tấn/ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 10 nghìn ha cấy giống lúa chất lượng cao.

Diện tích trồng lúa bấp bênh, hiệu quả thấp đã được chuyển sang các mô hình hiệu quả hơn như trồng lạc, nuôi ếch, tôm, cá và rau sạch hoặc các phương thức canh tác kết hợp như lúa-cá, lúa-sen-cá, cá-sen… Nhiều mô hình luân canh tổng hợp trồng xen, tăng vụ đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Một số nơi như huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh đã xây dựng đề án cánh đồng có giá trị kinh tế cao để khắc phục việc các mô hình được hình thành một cách manh mún, tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày đã được khẳng định, có diện tích tăng nhanh như cao-su hơn 14 nghìn ha, tăng 1,5 lần; hồ tiêu 2.182 ha, tăng hai lần, cà-phê 4.339 ha, tăng 1,9 lần so với năm 2000; đã hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung ở huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Gio Linh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Chăn nuôi cũng đang có nhiều triển vọng, nhất là nuôi trồng thủy sản với diện tích 2.512 ha, sản lượng đạt hơn 6.000 tấn/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, nhiều nơi quan tâm phát triển nông nghiệp, tạo được phong trào tốt như các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Từ đó đã góp phần ra đời những cánh đồng có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập từ 70 triệu đồng/ha/năm trở lên. Và thúc đẩy sự ra đời của hơn 11 nghìn trang trại lớn, nhỏ. Những diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở vùng gò đồi, miền núi cơ bản đã được giao cho các tổ chức kinh tế và hộ gia đình trồng cây lâm nghiệp, góp phần đưa tỷ lệ độ che phủ của rừng toàn tỉnh lên hơn 44% (năm 2000 chỉ mới đạt 18%), đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị số dân ở vùng nông thôn chiếm 75,5%, lực lượng trong độ tuổi lao động thuộc các ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 78,47%. Hội Nông dân tỉnh tập hợp vào hội hơn 75 nghìn hội viên, chiếm 78% số hộ nông nghiệp. Ở Quảng Trị, trung bình mỗi năm tỉnh tạo việc làm cho hơn mười nghìn lao động.

Bộ mặt nông thôn Quảng Trị so với những năm trước đây đã có nhiều khởi sắc, từ vùng đồng bằng, vùng biển đến miền núi xa xôi hẻo lánh, nhà đổ mái bằng, nhà xây lợp ngói mọc lên ngày càng nhiều. Hầu hết các địa phương đã có đường giao thông về tận trung tâm xã. Diện phủ sóng truyền hình, thông tin liên lạc cơ bản đã rộng khắp. Số đông người dân nông thôn được tiếp cận với những tiện ích do đầu tư công mang lại, có nước sạch để dùng, có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, đi lại, nông cụ sản xuất hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, hồ chứa nước được xây dựng khá hoàn chỉnh.

Xác định phải xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, tỉnh Quảng Trị chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tập trung nâng cao trình độ thâm canh tăng năng suất cho nông dân, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Ổn định diện tích trồng lúa nước, làm cơ sở để quy hoạch xây dựng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao. Đánh giá toàn diện thực trạng hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Chọn một số cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực, đã từng chứng minh được tính phù hợp và hiệu quả cao trên từng chân đất để phát triển.

Ngoài ra, tỉnh còn mở rộng diện tích, nhất là cây lạc (khoảng 6.000 ha, tập trung chủ yếu vùng gò đồi, vùng cát, trồng xen trên diện tích cây công nghiệp dài ngày, vùng bãi bồi ven sông ở những nơi có điều kiện). Tiếp tục trồng mới 1.000 ha cao-su, 200 ha cà-phê, 100 ha hồ tiêu ở các vùng đã được quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa ngành lâm nghiệp theo hướng không để trống diện tích đất rừng khi người dân có nhu cầu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng và phù hợp, góp phần giải quyết lao động tại chỗ.

Tuy vậy, theo khảo sát, khó khăn lớn nhất mà người nông dân Quảng Trị đang gặp phải là tình trạng thiếu việc làm do gia tăng dân số và quỹ đất nông nghiệp ngày càng co lại khi quá trình đô thị hóa, mở mang dịch vụ và cơ sở công nghiệp phát triển… Nông thôn tỉnh Quảng Trị có khoảng 220.500 lao động (chiếm 70%), hằng năm có hơn 12 nghìn lao động tăng thêm ở khu vực này. Trong lúc đó, diện tích đất nông nghiệp bình quân một hộ (2,5 lao động) khoảng 3.500 m2.

Với diện tích đất ít ỏi như thế, tất cả các thao tác trên đồng ruộng của người nông dân chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, dao động từ 90 đến 120 ngày, khi xuống vụ, khi thu hoạch và chỉ cần một lao động là có thể đảm đương được. Do vậy, 30 đến 40% lao động nông thôn lâm vào cảnh nông nhàn, không có việc làm ổn định, không có thu nhập. Trong số lao động này, những người trẻ, khỏe chọn cách rời địa phương, lên thị xã, thành phố, bổ sung vào lực lượng lao động khu vực đô thị. Quá trình này dẫn đến lao động nông thôn ngày càng già đi và việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật khó khăn hơn; sự năng động, mở hướng đột phá trong sản xuất nông nghiệp khó trở thành phong trào trên diện rộng.

Nông thôn Quảng Trị cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Đó là sự phát triển làng nghề tràn lan, thiếu cân nhắc. Chính quyền địa phương chỉ động viên, khuyến khích người dân phát triển nghề phụ để có thêm thu nhập mà chưa coi trọng việc bảo vệ môi trường. Quy hoạch tổng thể vùng nông thôn hiện đang bị xem nhẹ. Khi người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa thì mạnh ai nấy làm.

Hiện nay, ở một số vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị, do quy trình canh tác không phù hợp đã làm cho một số diện tích đất bị thoái hóa, cộng với quá trình phát triển đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, du lịch… đã làm cho quỹ đất nông nghiệp ở nông thôn ngày càng hẹp lại, chất lượng giảm sút. Để địa bàn nông thôn là “hậu phương lớn” của quá trình CNH, HĐH đất nước, tỉnh Quảng Trị cùng các sở, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn và an sinh xã hội cho nông dân, nhất là ở miền núi, miền biển. Thông qua các chế tài, hương ước, quy ước để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc chung tay giữ gìn, tôn tạo cảnh quan nông thôn thanh bình.