Khủng hoảng lương thực: Thực tế và giải pháp

Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng. Rất nhiều giải pháp được đưa ra, kể cả việc người ta tính đến một cuộc cách mạng xanh lần thứ hai. Nhưng có một giải pháp rất đơn giản: Hợp tác toàn cầu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng xảy ra. Giới truyền thông đã theo dõi sát sao toàn cục cuộc khủng hoảng này.

Tất cả các lãnh đạo cấp cao đều đã thể hiện quan điểm của mình. Được đề cập đến nhiều nhất trong các giả thuyết là một vấn đề phổ biến nhưng rất phức tạp, đó là: Nguyên nhân chủ yếu gây nên thảm họa này chính là sự gia tăng mức tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế ở các nước như Ấn Độ. Có vẻ như người ta đã đặt lý lẽ lên trên thực tế, và nhìn nhận dựa vào vẻ bề ngoài thay vì bản chất.

Vậy đâu là sự thật trong vấn đề này?

Theo số liệu thống kê của FAO (tổ chức Liên Hợp Quốc về lương thực và nông nghiệp), ở Ấn Độ lượng ngũ cốc nhập vào năm 2007 – 2008 là 197,8 triệu tấn; chỉ tăng 2,17% so với lượng nhập vào năm trước (193,1 triệu tấn). Trong khi đó, ở Mỹ lượng ngũ cốc tiêu thụ là 310,4 triệu tấn vào năm 2007 – 2008; tăng 11,8% so với lượng tiêu thụ năm trước đó (277,6 triệu tấn). Trong khi đó, tỷ lệ tăng trung bình của thế giới chỉ đạt 2,06%.

Tuy nhiên, tồn tại một vấn đề quan trọng hơn – đó là nghịch lý trong tiêu thụ và sản xuất giữa các nước. Ở châu Phi và châu Á, lượng tiêu thụ và sản xuất tăng tỉ lệ với nhau. Còn ở Mỹ, mặc dù lượng tiêu thụ tăng 11,8% nhưng sản xuất lại giảm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cung cấp các số liệu tương đương. Ở Mỹ, mức tiêu thụ ngũ cốc, sữa và dầu thực vật tính theo đầu người thứ tự là 2300 pound, 172 pound và 90 pound (1 pound = 0,454kg). Ở Ấn Độ, mức tiêu thụ theo đầu người tương đương là 392 pound, 79 pound và 24 pound. Mức tiêu thụ các sản phẩm thịt giữa hai nước còn tương phản hơn.

Ở Mỹ, lượng tiêu thụ thịt bò, thịt gà và thịt lợn tính theo đầu người lần lượt là 94 pound, 100 pound và 65 pound. Ngược lại, ở Ấn Độ lượng tiêu thụ thịt bò tính trên đầu người là 3,5 pound, thịt gà là 4,2 pound, còn lượng tiêu thụ thịt lợn là không đáng kể. Thậm chí sau khi xem xét sự khác biệt về dân số, các số liệu trên vẫn gây sửng sốt.

Những số liệu rất đáng tin cậy trên (do Liên Hợp Quốc và Bộ Nông nghiệp Mỹ cung cấp) đã phủ nhận giả thiết rằng: Chính sự gia tăng mức tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả lương thực toàn cầu. Trong khi các nhà lãnh đạo vẫn còn đang tranh cãi, thì gần hai tỷ người, những người có mức sống chỉ một đến hai USD mỗi ngày lại phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất.

 
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer 1994 của Kevin Carter, mô tả nạn đói ở Sudan: Một em bé đang đói lả nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hợp Quốc cách khoảng 1km. Phía sau, con chim kền kền chờ đứa trẻ bị chết để rỉa thịt.

Họ là những người dân nghèo – những người dễ bị ảnh hưởng nhất nhưng dường như lại không được ai quan tâm đến. Hệ quả là họ không ủng hộ chính phủ. Các dấu hiệu đầu tiên của sự bất mãn, bạo loạn, xung đột đã xuất hiện. Điều gì xảy ra tiếp theo? Nhờ có các giải pháp thiếu cân xứng và các phản ứng thiếu suy nghĩ của một số quốc gia mà giá gạo đã tăng mạnh đến 120% chỉ trong năm 2008.

Tuy nhiên, bất cứ cuộc khủng hoảng nào cũng hé mở những cơ hội. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay cũng vậy.
Chắc chắn khủng hoảng sẽ còn gây ra nhiều khó khăn trong một thời gian ngắn, nhưng nếu thực hiện những biện pháp khôn ngoan, thế giới sẽ ngăn chặn được thảm cảnh này tiếp diễn.

Sau đây là một vài gợi ý:

Chúng ta cần bảo vệ đất canh tác và đầu tư nâng cao năng suất nông nghiệp. Hiện nay, mức tăng năng suất của nhiều nông sản gần như là con số không. Ở rất nhiều quốc gia, đất canh tác của một số nông dân sản xuất nhỏ giảm xuống dưới một hécta. Đó là nguyên nhân của việc cần thực hiện nông trại hợp tác. Khái niệm “Cách mạng xanh” cần được chuyển sang khái niệm “cách mạng xanh mãi mãi”.

Mặc dù không ai có thể phủ nhận việc cần phát triển các nhiên liệu sạch thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, nhưng cũng cần thực hiện thận trọng việc luân canh phù hợp với nhiên liệu sinh học. Việc bảo vệ quyền lợi của những người nghèo (một phần ba dân số thế giới) cần phải ưu tiên hàng đầu. Giải pháp được cho là tối ưu nhất lúc này là cung cấp cho người dân lượng hàng dự trữ với mức giá phù hợp. Chương trình Lương Thực Thế giới cần trợ cấp dựa trên chỉ số GDP hoặc mức thu nhập bình quân đầu người.

Chính phủ cần tích cực ngăn chặn các hình thức can thiệp vào thị trường lương thực như hình thành các công ty con hoặc đầu cơ. Những hình thức can thiệp này có xu hướng làm hỏng toàn bộ chuỗi cung ứng lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là: Cùng tồn tại trên một hành tinh, con người chúng ta nên hợp tác với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Nếu con người sát cánh cùng nhau, không có vấn đề gì là không vượt qua được. Hợp tác chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề.