Nghị trường hừng hực vì nông sản rớt giá

ThienNhien.Net – Cấp phép thủy điện tiếp tục bị truy hỏi. Cảnh báo vỡ quy hoạch cây mắc ca. Liên kết bốn nhà: Vẫn dò dẫm tìm mô hình.

Trong ngày chất vấn đầu tiên 11-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra rất nhiều câu hỏi về nông sản rớt giá và đời sống khốn khó của nông dân dành cho hai vị tư lệnh ngành có liên quan trực tiếp tới vấn đề này – Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến thủy điện và giá điện cũng được nhiều ĐB quan tâm đặt câu hỏi chất vấn.

Nông dân đang khó, bộ trưởng – “không quá bi quan”

Với vấn đề nông sản rớt giá và đời sống nông dân hiện nay, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi khá bi quan: Trồng lúa thì khó bán, nuôi tôm, cá cũng khó, rồi cây ăn trái cũng vậy, giờ làm thế nào? Bộ trưởng Phát đáp: “Thưa QH, thực tế không đến nỗi như vậy. Trước kỳ họp, tôi gọi điện thoại cho một số tỉnh trong Nam thì thấy Cần Thơ, Hậu Giang đều báo trái cây được mùa, được giá. Trong 10 nông sản xuất khẩu thì năm nay một nửa có giá xuống là gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra. Nhưng cũng có năm mặt hàng lên như điều, tiêu, đồ gỗ, sắn, rau quả, trong đó sắn xuất khẩu tăng tới 44%”.

Ông Phát cho rằng trước tình hình thị trường thế giới cho nông sản có biến động thì cần bình tĩnh để phân tích, không nên quá bi quan. Chẳng hạn, tồn đọng hành tím thời gian qua là do yếu tố bất ngờ, khách hàng chính là Indonesia hằng năm vẫn nhập tới 70% sản lượng hành của Sóc Trăng nhưng năm nay lại đóng cửa với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nội địa.

Đề cập đến câu chuyện hành tím bị rớt giá thê thảm, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đặt vấn đề: “Hành tím của nông dân được mùa thì rớt giá. 10 ký hành bán không mua không được tô phở. Cách đây ba năm Bộ trưởng hứa sẽ tạo điều kiện các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã xúc tiến thương mại, xuất khẩu, tăng cường cung cấp thông tin cho bà con nông dân tham khảo để bà con tự quyết định quy mô, sản lượng hành tím, tuy nhiên đến nay những việc nêu trên đã được triển khai như thế nào?”.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời: Bộ Công Thương xin nhận một phần trách nhiệm về vấn đề này. Đặc biệt là khâu dự báo thị trường không nắm kịp thời thông tin thị trường Indonesia ngừng nhập khẩu mặt hàng hành tím trong khi Việt Nam đang vào vụ thu hoạch nên trở tay không kịp.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát (trái) và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn ngày đầu tiên. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát (trái) và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn ngày đầu tiên. Ảnh: TTXVN

Truy đến cùng trách nhiệm cấp phép thủy điện

Vấn đề thủy điện tiếp tục được một số ĐB quan tâm trong kỳ họp này. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn là số diện tích rừng mà DN thủy điện phải trồng thay thế cho diện tích nước mặt hồ làm ngập lên tới 15.000 ha. Vậy nhưng từ giữa năm 2013 đến nay số trồng được rất thấp, chỉ 3.400 ha. “Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”.

Bộ trưởng Phát giải trình: Sau kỳ họp thứ 8 của QH rất nóng chuyện thủy điện, ông đã họp trực tuyến với các tỉnh và được cam kết sẽ trồng hết rừng. “Nhưng trồng là trách nhiệm của DN. Tôi đề nghị Bộ Công Thương là DN nào không chấp hành thì rút giấy phép!”.

Vấn đề này tiếp tục được ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. “Theo tôi biết, có tình trạng DN đầu tư thủy điện rồi nhưng đến khi trồng bù rừng thì địa phương lại không bố trí đất được cho người ta. Vậy tại sao không có mà vẫn cấp phép làm thủy điện?”.

Bộ trưởng Hoàng đáp: “Các DN đều bày tỏ sẵn sàng trồng rừng theo quy hoạch của địa phương hoặc nộp tiền thay nếu không có đất để trồng”.

Thấy câu trả lời có tính né tránh, ngay lập tức Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “ĐB Học hỏi là trước khi xây dựng biết không còn đất để trồng rừng bù sao vẫn cho làm nhà máy?”.

Bộ trưởng Hoàng: “Thưa, báo cáo là có những công trình thủy điện được xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến vừa rồi mới kiên quyết việc trồng bù nên mới không bố trí đất được”.

ĐB Học tiếp tục bấm nút hỏi lại: “Trả lời của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng. Nói là trước đây chưa tính tới trồng rừng thay thế là không đúng. Vì dự án nào chẳng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có yêu cầu trồng rừng thay thế. Nhưng mà không được chú trọng nên giờ yêu cầu trồng bù thì không còn đất nữa. Xin hỏi, trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào?”.

Đến lúc này Bộ trưởng Hoàng mới thừa nhận: “Một số dự án thủy điện trước đây chưa chú trọng công tác trồng rừng. Sau này khi dư luận phản ứng, QH vào cuộc, trở thành vấn đề lớn thì mới quy định đánh giá tác động môi trường chặt chẽ hơn, trong đó có yêu cầu trồng rừng”.

Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu trả lời bổ sung vì liên quan đến lĩnh vực Bộ quản lý. Tuy nhiên, ông Quang cũng không giải đáp được sâu hơn chất vấn của ĐB Học. “Quy hoạch trồng rừng thay thế thì đã có rồi, đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện. Còn các ý kiến của ĐB, chúng tôi xin tiếp thu”.

Ngày mai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục phần trả lời chất vấn của mình. Tiếp theo, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân và Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận sẽ đăng đàn.

Cảnh báo vỡ quy hoạch cây mắc ca

Trong các câu chất vấn, đáng chú ý có câu hỏi rất cụ thể của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Đó là lo ngại phong trào trồng cây mắc ca có thể mất kiểm soát, giải pháp của Bộ Nông nghiệp thế nào.

Bộ trưởng Phát cho biết Trung Quốc và một số nước đang đổ xô vào cây này, với tốc độ tăng trên 10% năm, vượt cả mức tăng cầu 8% của thị trường. Do đó Bộ cảnh báo người dân không nên lao vào. Nếu trồng chỉ nên dừng ở quy mô cả nước 10.000-15.000 ha, với đúng loại giống và quy trình chăm sóc mà Bộ đã phổ biến.

Liên kết bốn nhà: Vẫn dò dẫm tìm mô hình

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu): “Chủ trương liên kết bốn nhà là đúng nhưng cho tới nay chưa thành công. Trong báo cáo gửi QH, Bộ trưởng đã nêu nguyên nhân nhưng giải pháp thế nào? Nhà nào là nhà trưởng, trụ cột?”.

Bộ trưởng Phát thừa nhận chủ trương này đã có từ 10 năm nay nhưng mới phát huy được trong lĩnh vực mía đường, bò sữa. Sau tổng kết, năm ngoái Chính phủ đã triển khai mô hình liên kết sản xuất giữa hộ gia đình với DN trên quy mô 72.000 ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ 45.000 ha là thành công, còn lại bỏ giữa chừng.

“Liên kết này, ĐB hỏi ai là chính, báo cáo là DN. Nhưng lại tùy thuộc vào năng lực tài chính, kho tàng, chế biến… mà số DN có đủ khả năng lại không nhiều. Mặt khác, DN cũng không thể tự liên kết với cả ngàn hộ, mà nên có tổ hợp tác làm trung gian. Chúng tôi thấy DN rất nhiệt tình nhưng phải có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ họ” – Bộ trưởng phân tích.