Chương trình tài trợ nhỏ cho các tổ chức xã hội dân sự

Chương trình CASI hiện có một Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) để hỗ trợ các sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự đóng góp trực tiếp cho mục tiêu chung của Chương trình CASI. Hạn chót nộp hồ sơ: 29/08/2008. Thông tin chi tiết như sau:

Thông báo về Chương trình tài trợ nhỏ (SGS)

1. Giới thiệu

Trong những năm gần đây xã hội dân sự đã có nhiều thay đổi tích cực. Rất nhiều tổ chức, trong đó có Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự, thông qua các hoạt động hỗ trợ cải thiện môi trường pháp lý cho sự phát triển của xã hội dân sự nói chung và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự nói riêng. Ví dụ, sau một thời gian dài lấy ý kiến đóng góp từ rất nhiều các bên liên quan khác nhau, đến nay Luật về Hội đã được trình lên Quốc hội để thông qua. Bên cạnh đó, Nghị định về tổ hợp tác cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan để soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp và đệ trình lên Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Điều đó cho thấy chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đối với sự phát triển của xã hội dân sự.
Chương trình CASI đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với nhiều loại hình tổ chức xã hội dân sự như: các Tổ chức quần chúng, các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO), các Hội nghề nghiệp và các Tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs). Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các Tổ chức dựa vào cộng đồng hiện đang ở giai đoạn đầu của tiến trình phát triển. Thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi cần nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự nhằm giúp các tổ chức này có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn cũng như có thể đại diện cho tiếng nói, nhu cầu và mối quan tâm của người dân ở cấp cơ sở. Một trong những phương pháp nâng cao năng lực hiệu quả nhất chính là thông qua các hoạt động tại hiện trường. Nhiều Tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các Tổ chức dựa vào cộng đồng đã thừa nhận rằng họ đang phải “vật lộn” để tìm kiếm các dự án và nguồn tài trợ, nhằm đảm bảo cho sự sống còn và nâng cao năng lực cho tổ chức.
Mục tiêu dài hạn của Chương trình CASI là cải thiện một cách bền vững đời sống của những người còn chịu thiệt thòi và sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên trong các vùng nông thôn mà họ không được tiếp cận với các nguồn lực phát triển một cách đầy đủ và ít có ảnh hưởng lên các quyết định có tác động đến cuộc sống của họ. Để đạt được tiêu này, Chương trình CASI hướng tới 03 mục tiêu ngắn hạn đó là:
i. Các Tổ chức quần chúng, các VNGO và các Tổ chức cộng đồng cung cấp các dịch vụ phù hợp cho người nghèo sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên ở các vùng nông thôn và qua đó giúp họ cải thiện đời sống
ii. Các Tổ chức quần chúng, các VNGO và các Tổ chức tại cộng đồng hỗ trợ những người nghèo sống phụ thuộc thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các vùng nông thôn tham gia vào quá trình ra các quyết định có tác động đến cuộc sống của họ
iii. Đẩy mạnh sự tham gia của các Tổ chức quần chúng, các VNGO và các Tổ chức tại cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững dựa trên nhu cầu và sự tham gia của cộng đồng

Chương trình CASI tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự nhằm khuyến khích họ tham gia và có tiếng nói trong quá trình phát triển nhằm tạo ra những tác động mang tính dài hạn và bền vững. Chương trình CASI mong muốn tạo ra những tác động đến nhiều nhóm người dân một cách gián tiếp thông qua việc nhân rộng, vận động và phản hồi chính sách.

Nhiều Tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã và đang tham gia vào Chương trình CASI với tư cách là đối tác (trong các dự án VUSTA, VNCB, CEFM) hoặc các nhà cung cấp dịch vụ hay những chuyên gia kỹ thuật về phương pháp phát triển. Đồng thời các VNGOs cũng là nhóm đối tượng trong các hoạt động xây dựng năng lực của hợp phần VUSTA và VNCB trong giai đoạn 2004 – 2006 và ENBALE trong giai đoạn 2007 – 2009.
Chương trình CASI hiện có một Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) hỗ trợ các sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự đóng góp trực tiếp cho mục tiêu dài hạn của Chương trình CASI. Mục tiêu của Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) là kết nối các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam, các Tổ chức quần chúng, các Tổ chức dựa và cộng đồng và các Cơ quan đối tác địa phương cùng nhau làm việc để đạt được tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn của Chương trình CASI. Chương trình tài trợ nhỏ hỗ trợ kinh phí cho các sáng kiến của các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam, các Tổ chức quần chúng, các Tổ chức dựa vào cộng đồng và các Cơ quan đối tác địa phương trong các vùng dự án của Chương trình CASI bao gồm : Hà Nội. Hoà Bình, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Thái Nguyên và Yên Bái. Chương trình tài trợ nhỏ sẽ hướng ưu tiên tới những hoạt động phù hợp với mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của Chương trình CASI.

2. Mục tiêu của chương trình tài trợ nhỏ (SGS)

Mục tiêu chung của Chương trình tài trợ nhỏ là nhằm hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự tham gia cải thiện bền vững điều kiện sống và tăng cường sự tham gia của những người còn chịu thiệt thòi và sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên ở những vùng nông thôn mà họ không được tiếp cận với các nguồn lực phát triển một cách đầy đủ và ít có ảnh hưởng lên các quyết định có tác động đến cuộc sống của họ.

Mục tiêu cụ thể của chương trình tài trợ nhỏ là:
1) Nâng cao năng lực cho các Tổ chức dựa vào cộng đồng, các Tổ chức quần chúng; các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam và Cơ quan đối tác địa phương tại các địa bàn hoạt động của Chương trình CASI để họ có thể tham gia và có tiếng nói trong quá trình phát triển và hoạch định chính sách.
2) Khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự tăng cường sự tham gia của người nghèo trong quá trình ra quyết định.
3) Tạo cơ hội chia sẻ và học hỏi giữa các tổ chức xã hội dân sự.
4) Tằng cường quan hệ đối tác và làm việc theo nhóm giữa các tổ chức xã hội dân sự ở các cấp độ khác nhau, cũng như tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức ở cấp địa phương, với cấp tỉnh và cấp trung ương.
5) Cải thiện sự tiếp cận và tham gia của các VNGO vào các hoạt động phát triển có sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền.
6) Tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội dân dự phát huy các sáng kiến của họ nhằm đóng góp cho mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn của Chương trình CASI.
Các sáng kiến đề xuất gửi tới Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) có thể đóng góp cho một hoặc nhiều mục tiêu trên đây.

3. Các lĩnh vực ưu tiên

Ngân sách của Chương trình tài trợ này được sử dụng để hỗ trợ các sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự nhằm đạt được mục đích và mục tiêu cụ thể của Chương trình CASI. Các sáng kiến đề xuất có thể liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực sau đây:
1. Khuyến khích sự tham gia và tiếng nói của xã hội dân sự: ưu tiên cho các ý tưởng hướng vào nâng cao nhận thức về vai trò của xã hội dân sự trong phát triển, xoá đói giảm nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên và xây dựng năng lực cho các tổ chức CBOs/VNGOs cũng như hoàn thiện môi trường pháp lý cho xã hội dân sự tại Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các loại hình tổ chức dựa vào cộng đồng và sự tham gia của họ trong xoá đói giảm nghèo ở cấp cơ sở.
2. Phản hồi/đối thoại/vận động chính sách: ưu tiên cho các ý tưởng hướng vào nỗ lực của các tổ chức xã hội dân sự trong vận động, phản hồi chính sách liên quan đến sự phát triển của xã hội dân sự và cung cấp các dịch vụ hiệu quả đến người nghèo ở các cấp độ khác nhau, cũng như đánh giá tác động của các chính sách hiện hành đối với sự phát triển của xã hội dân sự và tăng cường mạng lưới hoạt động về phản hồi và vận động chính sách giữa các bên liên quan khác nhau.
3. Các phương pháp tiếp cận có sự tham gia và tiếp cận dựa trên quyền trong các dự án phát triển: ưu tiên cho các ý tưởng hướng vào thúc đẩy việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong các tổ chức VNGOs; CBOs và các tổ chức quần chúng và các bên liên quan khác về cách tiếp cận dựa trên quyền; lý thuyết và thực hành liên quan đến sự tham gia của người dân; lý thuyết và thực hành liên quan đến Quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo quyền cho cộng đồng ở các cấp độ khác nhau. Cải thiện và thúc đẩy việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm/hiểu biết giữa các tổ chức phi chính phủ, tổ chức dựa vào cộng đồng và các tổ chức quần chúng và các bên liên quan khác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và xoá đói giảm nghèo.

4. Các loại hình đề xuất dự án

Trong năm 2008 – 2009, Chương trình tài trợ nhỏ hướng ưu tiên tới các loại hình đề xuất sau đây:
• Nghiên cứu can thiệp: Các đề xuất nghiên cứu can thiệp của một hoặc một nhóm các tổ chức xã hội dân sự về một trong ba lĩnh vực ưu tiên, hướng đến các giải pháp can thiệp hiệu quả.
• Hội thảo: Các đề xuất liên quan đến hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và thông tin, các bài học kinh nghiệm thuộc một trong 3 lĩnh vực ưu tiên trên đây giữa các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự .
• Tập huấn: Các đề xuất liên quan đến tập huấn thuộc một trong 3 lĩnh vực ưu tiên trên đây giữa các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự .
• Tài liệu hoá các bài học kinh nghiệm hoặc phương pháp phát triển: các đề xuất về tài liệu hoá các bài học kinh nghiệm hoặc phương pháp phát triển phù hợp ở vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.
• Đối thoại/phản hổi/vận động chính sách: các đề xuất tổ chức sự kiện như đối thoại/phản hồi chính sách giữa người dân và các nhà hoạch định chính sách về xoá đói giảm nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng như vận động hành lang pháp lý cho các tổ chức xã hội dân sự.
• Đánh giá tác động của Chương trình CASI: các đề xuất đánh giá tác động của Chương trình CASI ở các cấp độ khác nhau.

5. Điều kiện của chương trình tài trợ nhỏ.

Chương trình tài trợ nhỏ hỗ trợ các loại hình đề xuất dự án với nhiều mức kinh phí và thời gian khác nhau liên quan đến những lĩnh vực ưu tiên trên đây.
1. Ngân sách hỗ trợ tối đa cho một đề xuất dự án là US$5,000.
2. Thời gian thực hiện một đề xuất dự án tối đa là 12 tháng.
3. Đề xuất dự án phải liên quan đến mục tiêu và lĩnh vực ưu tiên của Chương trình SGS.
4. Kinh phí đề xuất phải tương ứng với kế hoạch hoạt động.
5. Khoản kinh phí KHÔNG hỗ trợ: Chương trình tài trợ nhỏ SGS sẽ KHÔNG hỗ trợ ngân sách cho việc mua sắm trang thiết bị hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng. Những khoản mục này nếu có được xem như là phần đóng góp của tổ chức cho việc thực hiện dự án đề xuất hoặc tổ chức có thể xin hỗ trợ từ các nguồn tài trợ khác.
6. Chương trình tài trợ nhỏ có thể hỗ trợ mở rộng phạm vi của những dự án đang triển khai nếu thuộc những lĩnh vực liên quan tới chương trình CASI. Trong tương lai, Chương trình CASI cũng có thể hỗ trợ tổ chức đã được SGS tài trợ tìm kiếm thêm các nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ khác.
7. Đề xuất dự án có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
8. Đề xuất dự án phải viết theo mẫu gửi kèm trong thông báo này.

6. Những đối tượng có thể nộp đề xuất dự án cho SGS?

Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) chỉ dành cho các tổ chức sau đây:
1. Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGOs);
2. Các tổ chức/cơ quan đối tác địa phương của chương trình CASI

7. Quy trình lựa chọn

Tất cả các đề xuất dự án nộp cho Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) sẽ được xem xét và tuyển chọn bởi Ban tuyển chọn dựa theo tiêu chí của Chương trình tài trợ nhỏ. Kết quả lựa chọn (thành công hay không thành công) sẽ được thông báo bằng thư tới tất cả các tổ chức đã nộp đơn.

Nếu đề xuất dự án được chọn, Ban tuyển chọn sẽ mời đại diện của tổ chức có đề xuất dự án được chọn đến để thảo luận và góp ý thêm để hoàn thiện đề xuất dự án. Sau đó, các tổ chức này hoàn thiện bản đề xuất dự án lần cuối dựa trên những ý kiến góp ý của các thành viên trong Ban tuyển chọn và nộp lại bản đề xuất hoàn thiện cho Ban tuyển chọn của Chương trình tài trợ nhỏ (SGS).

Sau khi nhận được bản đề xuất hoàn thiện, Ban tuyển chọn của Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) sẽ ký thoả thuận hỗ trợ với đại diện tổ chức có đề xuất được chọn và tổ chức đó chịu trách nhiệm tổ chức triển khai dự án với sự hỗ trợ của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và cán bộ có liên quan của Chương trình CASI.

8. Mẫu đề xuất dự án

Mẫu đề xuất dự án của chương trình SGS được gửi kèm theo thông báo này cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Xin vui lòng xem trong file đính kèm để hoàn thiện đề xuất dự án theo mẫu quy định.

9. Hạn nộp đề xuất dự án

Tất cả các tổ chức xã hội dân sự thuộc đối tượng ở trên có thể nộp đề xuất dự án tới Chương trình tài trợ nhỏ (SGS) chậm nhất vào ngày 29 tháng 8 năm 2008.

Kết quả thành công hay không thành công sẽ được thông báo tới tất cả các tổ chức nộp đề xuất dự án chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày hết hạn nộp đề xuất dự án.

10. Người liên hệ

Các đề xuất dự án nộp tới SGS có thể gửi qua fax, email, hoặc đường bưu điện tới địa chỉ dưới đây:
Mr. Lê Văn Sơn
CARE International in Vietnam
66 Xuân Diệu – Tây Hồ – Hà Nội
ĐT: 04 – 716 1930 Fax 04 -7161935 Email : lvson@care.org.vn
(Xin hãy ghi «ĐỀ XUẤT DỰ ÁN GỬI CHƯƠNG TRÌNH SGS » bên góc trái của phong bì nếu tổ chức của bạn gửi qua đường bưu điện).