Bảo tồn voi Đăk Lăk: Còn đó bao nỗi trăn trở

ThienNhien.Net – Chiều ngày 13/07, con voi cái có tên là H’Biêng sinh năm 1982 của ông Y Ngoan Bỹa ở buôn Chư Minh, xã Yang Reh, huyện Lăk đã bị chết. Trước đó chưa đầy 2 tuần và cuối tháng 5 vừa qua, ba con voi nhà ở tỉnh Đăk Lăk đã chết do già yếu và điều kiện sống không đảm bảo. Đàn voi nhà Đăk Lăk đang đứng trước nguy cơ báo động đỏ và cứ theo đà này, khoảng 20 đến 30 chục năm nữa đàn voi nhà sẽ bị xoá xổ, khi đó các hoạt động văn hoá và lễ hội đặc sắc có liên quan đến voi của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng sẽ mai một.

Đàn voi nhà có còn trong tương lai?

Chúng tôi có mặt tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk), nơi được coi là cái nôi săn bắt và thuần dưỡng voi của xứ xở Tây Nguyên, chỉ trong 2 ngày 13 và 14/05, các chú voi Y Khăm của gia đình Ma Nia và voi Khăm Phanh của gia đình H’Be đã lìa đàn. 

Tiếp đó ngày 27/05, con voi nhà 68 tuổi của anh Đàn Văn Long ở thôn 1 (thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk) đã chết trong Khu du lịch sinh thái Buôn Jun ở thị trấn Liên Sơn. Theo lời của các chủ voi và bà con trong buôn, thì những con voi trên đã không được chăm sóc chu đáo khi già yếu, thậm chí voi còn bị khai thác quá sức vào việc phục vụ khách du lịch, kéo gỗ thuê.

Voi nhà Đăk Lăk thuộc loài voi châu Á, (có tên khoa học là Elepha maximus), không cao to như voi châu Phi và chỉ voi đực mới có ngà. Voi được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, ở cấp độ bị đe dọa cao nhất. Tuy nhiên những năm gần đây, trong đời sống thường nhật lại rộ lên nhiều thú chơi quái đản như “đeo nhẫn lông đuôi voi”, uống rượu cao voi, đeo đồ trang sức làm bằng ngà voi và răng voi…khiến đàn voi nhà bị đe doạ nghiêm trọng.

 voi
Con voi nhà vừa bị chết ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.

Ama Kông – người săn voi nổi tiếng nhất sứ sở Tây Nguyên (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho chúng tôi biết: “Ngày xưa vào rừng Yok Đôn, người ta dễ dàng bắt gặp những đàn voi đông đúc 40 – 50 con. Đàn voi nhà của Buôn Đôn ngày ấy cũng có đến vài trăm con.

Bây giờ, việc săn bắt thuần dưỡng voi đã bị nghiêm cấm, voi nhà lại không sinh sản được nên cả huyện Buôn Đôn, nơi được coi là trung tâm của “nghề săn voi” cũng chỉ còn lại hơn 20 con, và hầu hết đều thuộc lớp voi già yếu. Nếu không được bổ sung, không lâu nữa đàn voi nhà Buôn Đôn sẽ bị xoá xổ”.

Xã Krông Ana ( huyện Buôn Đôn) là xã có đàn voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên với 29 con (bao gồm của dân và các khu du lịch), trong đó voi của người dân là 13 con.

Ông Y Nhom Kđoh – Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2004 đến nay, đàn voi nhà của xã bị chết 4 con, trong khi tình trạng voi nhà bị chặt đuôi, nhổ lông đuôi diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân khiến voi chết một phần do bệnh tật, một phần do làm quá sức, trong khi khẩu phần ăn của voi không đảm bảo. “Ngày xưa voi nhà của xã người dân thả vào rừng, từ 2 tuần đến một tháng mới đưa về buôn, bây giờ rừng phá hết rồi nên không thả voi được mà cứ xích ở nhà thôi”, đó cũng là nguyên nhân làm cho đàn voi nhà suy giảm. Ngay bản thân gia đình nhà chủ tịch ngày trước cũng có 4 con voi nhà, nhưng giờ đã chết hết rồi.

Ông trầm ngâm: “Voi đối với đồng bào mình rất thiêng liêng, gia đình mình  luôn ao ước có một con voi, nhưng đó là chuyện không tưởng”. Cùng chung một nỗi niềm, ông Truơng Bi- Phó giám đốc sở văn hoá, thể thao và du lịch cho biết: “Cứ tình trạng này, đàn voi nhà trong tương lai sẽ không còn nữa, các lễ hội và hoạt động văn hoá có liên quan cũng sẽ mất theo”.

Theo tài liệu điều tra của Viện Điều tra quy hoạch rừng, năm 1980 tỉnh Đăk Lăk còn 502 con voi nhà (bằng ¼ số lượng voi hoang dã của cả nước vào thời điểm ấy), đến năm năm 1998 giảm xuống còn 166 con và hiện nay chỉ còn lại 59 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Buôn Đôn, Lăk, Ea Súp và Krông Bông.

Đàn voi nhà ở Đăk Lăk suy giảm nhanh chóng ngoài yếu tố “Luật pháp nghiêm cấm không cho săn voi” như lời Ama Kông, thì nguyên nhân chính là rừng – môi trường sinh sống của voi bị suy giảm nghiêm trọng. Những tác động của con người đến đời sống voi khiến trọng lượng voi càng ngày càng giảm sút, tuổi thọ bị rút ngắn (kể từ năm 2004 đến nay tại Đăk Lăk đã có 20 con voi nhà bị chết).

Trong khi đó, khả năng sinh sản của voi nhà là rất thấp. Hiện nay, đàn voi nhà đã và đang được khai thác vào việc phục vụ các loại hình dịch vụ du lịch, trong khi chi phí nuôi voi không phải là nhỏ (bình quân mỗi ngày một con voi tiêu tốn hơn 100.000 đồng tiền mua thức ăn).

Nhiều gia đình không kham nổi việc nuôi voi nên đã bán voi đi. Với đà suy giảm như hiện nay, chỉ vài chục năm nữa, đàn voi nhà của Đăk Lăk sẽ không còn, đồng nghĩa với những hoạt động văn hoá và lễ hội truyền thống liên qua đến voi sẽ mai một.

 duoivoi
Cả cái đuôi con voi bị chặt đứt để lấy lông đuôi bán cho du khách tại Khu du lịch Bản Đôn.

Mất dần lễ hội văn hoá với voi 

Địa danh Bản Đôn (Đăk Lăk) mãi được nhắc đến và luôn gắn liến với “nghề truyền thống” có một không hai đó là săn bắt và thuần dưỡng voi, biến con vật to khỏe nhất núi rừng trở thành bạn hữu có ích phục vụ đời sống lao động và sinh hoạt văn hoá của con người.

Trên vùng đất nắng gió khắc nghiệt này, ba bốn chục năm về trước đã có rất nhiều chàng trai trẻ nối tiếp Vua săn voi Khun Ju Nốp lập nên những kỷ lục mới trong nghề săn voi.

Có người, trong cuộc đời mình săn được vài chục đến cả trăm con voi như ông Ama Kông. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ lâu voi nhà đã trở thành con vật thật gần gũi và linh thiêng.

Theo lời Ama Kông, trước và sau khi săn bắt được voi rừng, buôn làng và các nài voi – những chàng trai thuần thục nghề săn voi đều phải làm lễ cúng Yàng Ngoắc Ngoan (Thần quản lý voi) và phải kiêng kỵ nhiều thứ khác nữa mới có cơ may bắt được chú voi rừng ưng ý.
Sau khi bắt được voi về, việc thuần dưỡng voi cũng hết sức kỳ công, đồng thời phải kiêng cữ nghiêm ngặt và mất vài ba tháng mới có thể thuần dưỡng hoàn chỉnh một chú voi rừng trở thành voi nhà. Khi thuần dưỡng được rồi, chủ voi cùng buôn làng phải làm lễ đặt tên, lễ nhập buôn.

Từ sau lễ đó, chú voi trở thành thành viên của buôn làng. Còn nhiều lễ cúng khác liên quan đến voi, như khi phát hiện voi cái có thai, ngay lập tức người chủ voi phải đi tìm một chú voi đực khác để làm lễ cúng cưới voi, lễ cúng sức khoẻ cho voi và chủ voi, lễ cắt ngà voi, khi đó chủ voi phải nói với con voi : “Tao cắt ngà mày được không ?”, con voi phát ra tín hiệu đồng ý, lúc này chủ voi mới tiến hành cắt ngà voi…từ nhiều đời nay, đó là những tục lệ, nét văn hóa đặc trưng đã gắn bó với đồng bào dân tộc nơi đây.

Voi nhà trong đời sống đồng bào Tây Nguyên thật gần gũi và rất có ích. Từ lâu voi đã được sử dụng vào làm các công việc nặng nhọc như kéo gỗ, chở lương thực, chở người qua sông, qua suối. Trong kháng chiến chống giặc ngọai xâm ở Đăk Lăk đã có những chú voi nhà xung trận, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, tải thương…Ngày nay, đàn voi nhà tiếp tục làm những công việc có ích cho cuộc sống con người như đưa khách tham quan cảnh đẹp núi rừng Tây Nguyên kỳ vĩ, chuyên chở thóc lúa.

 
Voi diễu hành trên đường phố Buôn Ma Thuột tại Lễ hội festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2007.

Tại Đăk Lăk, tỉnh còn nhiều voi nhà nhất cả nước hàng năm cứ vào dịp “tháng ba – mùa con ong đi lấy mật – mùa lễ hội”, nhiều địa phương trong tỉnh mở hội đua voi.

Tại lễ hội này, các chú voi tranh tài ở nhiều nội dung như ném gỗ, đá bóng, chạy đua, đua vượt sông và trình diễn kỹ năng săn bắt voi rừng. Chính vì vậy, từ lâu voi nhà đã trở thành hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của ngành du lịch, trở thành “cái lý” để du khách trong và ngoài nước tìm đến Tây Nguyên, chỉ để một lần được cưỡi trên lưng voi.

Tuy nhiên ở một vài nơi, còn có những chú voi nhà bị lạm dụng vào những việc phi pháp như khai thác, vận chuyển gỗ lậu…

Ở Đăk Lăk, già Ama Kông là một huyền thoại sống về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, trong cuộc đời của mình, Ama Kông đã bắt được tổng cộng 298 con voi chỉ sau Vua săn voi Khun Ju Nốp (ông ngoại của Ama Kông).

Ngoài ra, Ama Kông còn nổi tiếng với bài thuốc “tráng dương, bổ thận”. Trong tâm trí của Ama Kông bây giờ vẫn nhớ như in về cái thời Bản Đôn nhà nào cũng có voi, ra ngõ là gặp voi. Voi được buộc ở tất cả các gốc cây cổ thụ từ đầu buôn đến cuối buôn.

Chiều đến, từng đàn voi tập trung ra bến nước sông Sê-rê-pốk, quanh hồ Đắc Min giong vòi hút và phun nước trắng trời, đùa giỡn làm náo nhiệt cả một vùng sông nước giữa rừng già. Ama Kông hồi tưởng: “Hồi trước, nhờ có nhiều voi mà buôn lúc nào cũng đông vui, mùa nào cũng có lễ hội, người ở Bản Đôn đi đâu cũng được kính trọng, nể phục!”. Bây giờ, bóng dáng voi nhà dần thưa thớt, những lễ hội có voi tham gia cũng mai một theo.

Nhằm bảo tồn và phát triển đàn voi ở Việt Nam (cả voi nhà vào voi rừng), tháng 05/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động bảo vệ lòai voi đến năm 2010l, trong đó đề cập đến việc “Tổ chức lập hồ sơ quản lý, gắn chíp điện tử cho voi nhà hiện có nhằm giám sát việc bảo vệ voi chặt chẽ, nghiên cứu về sinh sản của voi đã thuần dưỡng và bảo tồn và phát triển đàn voi nhà hiện nay”.

Tuy nhiên, sau hai năm ban hành Quyết định trên, tại Đăk Lăk chưa có chú voi nhà nào được gắn chíp điện tử? Cũng với mục đích trên, cuối năm 2007, UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát triển đàn voi nhà giai đoạn 2007-2011” với kinh phí thực hiện đề án này là 8,5 tỷ đồng.

Theo đế án, một số việc làm cấp thiết trước mắt đó là thành lập Hội những người nuôi voi, lập Trung tâm bảo tồn và phát triển voi nhà, quy hoạch khu bảo tồn voi; thực hiện các giải pháp về khai thác và sử dụng voi nhà hợp lý trong kinh doanh du lịch, bảo đảm thức ăn và môi trường sống cho voi, nghiên cứu phòng trị bệnh và hỗ trợ sinh sản ở đàn voi nhà.

Hy vọng rằng những việc làm trên sớm được tỉnh Đăk Lăk triển khai để giữ đàn voi nhà không bị tuyệt chủng, nhằm phát huy có hiệu quả lợi ích của loại động vật quý hiếm này trong bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc về voi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.