Nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ – bước tiến dài, nhưng…

Với gần 1,3 triệu ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 3,8% diện tích tự nhiên toàn quốc, dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 20% số dân của cả nước, đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) là 1 trong 2 vùng sản xuất nông nghiệp (NN) trọng điểm của nước ta. Cuối những năm 1980, ĐBBB vẫn lạc hậu do thiếu vốn và máy móc, chưa sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong vùng. Nhưng năm 1992, nơi đây đã bắt đầu xuất khẩu gạo và các sản phẩm từ chăn nuôi…

Bắt đầu từ chuyển dịch cơ cấu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận định, trong 7 năm từ 2001 đến 2007, mặc dù liên tiếp phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, NN vùng ĐBBB vẫn có tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế của vùng đã chuyển nhanh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, NN. Đặc biệt, tỷ trọng NN trong cơ cấu kinh tế nói chung có tốc độ chuyển dịch cao, ngay cả trong nội bộ của ngành.
Công nghiệp nông thôn đã ngày càng phát huy tác dụng, đặc biệt là công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản ở các tỉnh và thành phố như Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Nội… bám sát được nhu cầu không chỉ của vùng mà còn của một số tỉnh lân cận và thị trường Trung Quốc. Tỷ trọng và quy mô trồng lúa chất lượng cao (trong đó có xuất khẩu) đã không ngừng tăng lên. Bên cạnh trồng cây lương thực, nhiều loại cây trồng khác cũng được khôi phục và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, song song với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi như: thụ tinh nhân tạo, cấy ghép con giống có năng suất chất lượng cao, ứng dụng thuốc kích thích sinh trưởng, vaccine phòng chống dịch bệnh… đã giúp tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành NN không ngừng tăng.

Nhiều hộ dân đã chuyển sang chăn nuôi gia súc lấy sữa và xuất khẩu – hình thành các trang trại lớn và các nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu tại Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… Một số mô hình nuôi bò sữa ở Ba Vì (Hà Tây), Mộc Châu (Sơn La) trở thành kiểu mẫu. Việc nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt, nước mặn và nước lợ phát triển tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Do vậy, các sản phẩm thủy sản không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, đô thị, các tỉnh bạn mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, thậm chí vào những thị trường khắt khe và khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Chưa tương xứng với tiềm năng

Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), NN vùng ĐBBB giai đoạn 1995- 2005 có tốc độ tăng trưởng thấp (4,47%/năm), chưa bằng tốc độ phát triển NN toàn quốc (4,65%/ năm); tỷ lệ GDP NN của vùng so với toàn quốc chưa có sự cải thiện đáng kể, 23,52% năm 1995, đến 2007 cũng chỉ 23,7%. Đặc biệt là việc xuất khẩu hàng thủy sản.

ĐBBB có nhiều điều kiện về môi trường, đánh bắt thủy sản nhưng giá trị hàng thủy sản xuất khẩu chỉ chiếm 6,93%, trong khi toàn quốc chiếm đến 22,7%. Khối lượng xuất khẩu hàng nông sản cũng thấp, thường không đủ khả năng thực hiện các hợp đồng lớn. Vùng ĐBBB có tới hàng trăm chủng loại hàng nông sản xuất khẩu, tuy nhiên số lượng và giá trị hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ, không ổn định và chưa có mặt hàng chủ lực của riêng mình. Vì vậy, mặc dù hết sức cần cù, thu nhập của nông dân ĐBBB vẫn ở mức thấp.

Trong một cuộc hội thảo mới đây bàn về biện pháp tìm chỗ đứng cho hàng nông sản VN trên thị trường quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ ra rằng, để nền NN VN có chỗ đứng vững vàng trên “sân nhà” rồi vươn ra “sân khách”- thị trường thế giới, KHKT phải giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Từ quan điểm đó, Bộ trưởng cho biết hàng năm, Bộ NN-PTNT sẽ ưu tiên đầu tư cho KHKT nhằm nâng tầm sản phẩm NN, trong đó mở rộng thị trường xuất khẩu của các sản phẩm chế biến và sản phẩm sạch.

Đây là một giải pháp hết sức quan trọng để chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Đó là các sản phẩm cao cấp mà vùng này có lợi thế lại được thị trường nước ngoài cần như gạo, rau quả, hoa, thủy hải sản, sản phẩm các làng nghề… Đặc biệt chú ý đến các thị trường có lợi thế về sản phẩm, khoảng cách vận chuyển không xa và nhu cầu lớn là: Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á, Nga và các nước SNG. Như thị trường Nga vào mùa đông, rất cần các sản phẩm nhiệt đới của Việt Nam. Nguyên tắc là phải chuyển từ những sản phẩm ta có sang sản phẩm mà thị trường cần.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian tới bộ xác định những mặt hàng nông sản sau đây làm chủ lực của vùng ĐBBB: thủy sản (đánh bắt và nuôi trồng), gạo thơm, lạc, heo, quả đặc sản với kim ngạch xuất khẩu 50-100 triệu USD/năm/mặt hàng; và 3 mặt hàng chủ lực trong giai đoạn tiếp theo (sau năm 2010) là thủy sản nuôi trồng, rau, quả đặc sản với kim ngạch xuất khẩu 150-300 triệu USD/năm/mặt hàng. Song song với đó, đầu tư phát triển có hiệu quả ngành công nghiệp chế biến, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu nông sản vững chắc cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.