Cảnh giác trước chiêu trò lạ

ThienNhien.Net – Gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên rộ lên việc thương lái thu quả mây rừng với giá khá cao. Vào thời điểm cuối năm 2014, giá mỗi ki-lô-gam quả mây rừng khoảng 100 nghìn đồng, nhưng hiện nay tăng lên 150-170 nghìn đồng tùy theo chất lượng quả. Theo thông tin từ các thương lái, quả mây rừng sau khi thu gom về sẽ phơi khô, tách lấy hạt xuất  ra nước ngoài làm đồ trang sức. Do quả mây rừng được bán với giá khá cao nên nhiều người dân các tỉnh: Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc đã đổ xô vào rừng thu hái loại quả này về bán, bất chấp những vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.

Một thương lái đang mua gom trái mây rừng trên quốc lộ 28 (Đắk G'Long, Đắk Nông). (Ảnh: Trung Tân)
Một thương lái đang mua gom trái mây rừng trên quốc lộ 28 (Đắk G’Long, Đắk Nông). (Ảnh: Trung Tân)

Thời điểm này, Tây Nguyên đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Vì vậy, tình trạng nhiều người ồ ạt kéo vào rừng tìm hái quả mây về bán không những làm thất thoát tài nguyên rừng, mất an ninh trật tự mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới cháy rừng. Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng vì cái lợi trước mắt, không ít người dân địa phương đã bỏ bê công việc thường nhật, rủ nhau đi rừng thu hái quả mây. Trước thực trạng trên, chi cục kiểm lâm các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hành vi khai thác trái phép lâm sản là vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, chốt chặn, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm. Đối với những đầu nậu, thương lái thu mua quả mây rừng cũng được giáo dục, xử lý nghiêm khắc, để đối tượng này thấy được hành vi của họ là tiêu thụ lâm sản trái phép, tiếp tay cho nạn phá rừng (cây mây rừng được xác định là lâm sản phụ nên những hành vi vi phạm chỉ bị xử lý hành chính).

Trước đây, tại một số tỉnh phía Nam cũng rộ lên chiêu trò lạ. Đó là thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm và lá điều khô với giá cao. Vì hám lợi trước mắt, nhiều hộ nông dân đua nhau thu hái, gom các loại lá này để bán. Nhưng bán chưa được bao nhiêu thì thương lái ngừng thu mua. Hậu quả là không chỉ cây điều, cây mãng cầu xiêm bị trơ trụi lá, giảm năng suất mà một số người còn đầu tư thu gom lượng lớn lá các loại cây trồng này, sau đó không bán được đã lâm vào cảnh nợ nần…

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước những chiêu trò lạ của thương lái. Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nên tăng cường quản lý địa bàn, quản lý dân cư, phát hiện thương lái, người lạ tìm đến tung tin thất thiệt, hoặc có những việc làm gây xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương để xử lý.