Đánh thức tiềm năng du lịch thành phố Cà Mau

ThienNhien.Net – Cà Mau là một thành phố trẻ nằm ở cực Nam của Tổ quốc, hình thành và phát triển từ thị trấn Cà Mau của những năm đầu thế kỷ 20 đến thị xã Cà Mau và thành phố Cà Mau ngày nay. Quá trình phát triển đó có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng cư dân các dân tộc, tạo nên dấu ấn lịch sử khẩn hoang. Những giá trị văn hoá đó là tiềm năng vô giá về du lịch nay vẫn còn bỏ ngỏ.


Lâu nay, nói đến du lịch thành phố Cà Mau, người ta chỉ thường nghĩ đến chợ nổi trên sông hay di tích Mặt trận Tân Hưng, Hồng Anh Thư quán, Chùa Phật Tổ, Nhà Dây thép. Nhưng các di tích, điểm du lịch này hầu như chưa để lại dấu ấn đáng kể bởi tính đơn điệu, khô cứng của điểm đến.

Chợ nổi không còn cảnh tấp nập như trước. Nếu được, điểm neo đậu của những chiếc ghe hàng cần được lựa chọn phù hợp với tập quán mua bán của người dân Nam Bộ “trên bến dưới thuyền”. Ở đó, giới thương hồ không chỉ đến bán, mua mà còn là nơi tự tình, gắn bó của cư dân sông nước xa xứ làm ăn. Từ cầu Gành Hào, nhìn về xa xa, những chiếc ghe hàng chao nghiêng theo nhịp sóng đùa, nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua và khách du lịch cảm thấy ngỡ ngàng, thú vị trước cảnh mua bán trên sông như một thứ đặc sản của miền Tây Nam bộ.

Chùa chiền, đền, miếu là nét đặc sắc của văn hoá tâm linh, là điểm hành hương của khách phương xa. Ở đó, ngoài giá trị kiến trúc, mỹ thuật với tượng thờ, hoành phi, câu đối, những tác phẩm chạm khắc vừa mang ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, còn chứa đựng cả những di sản văn hoá tinh thần của con người, của một vùng đất. Đến đây, du khách như sống lại trong không gian văn hoá cội nguồn, tham dự lễ hội truyền thống, các hoạt động hội, đoàn nhằm thắt chặt tình đồng hương, dòng tộc và đề cao giá trị cộng đồng.

Chùa Phật tổ là một trong những điểm đến thú vị bởi lịch sử hình thành của ngôi chùa đã có hơn 160 năm tuổi, gắn liền với lịch sử của thành phố Cà Mau. Kiến trúc độc đáo, gợi nhớ mái đình của làng quê Việt Nam, vừa yên bình, tĩnh lặng của cõi thiền. Còn chùa Bà Thiên Hậu, Miếu Quan đế lại là những công trình kiến trúc mang biểu tượng tinh thần của người Hoa ở Cà Mau.

Rời trung tâm thành phố trên những nhịp cầu bắc qua kênh xáng Phụng Hiệp, hướng đến Tân Thành – một miền quê yên tĩnh ven đô, ở đó, Đình Tân Thành là dấu ấn của quá trình lịch sử phát triển Cà Mau, mang đậm những giá trị văn hoá Việt Nam. Là chỗ dựa tinh thần của người dân qua tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, đình làng còn là nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí cho tất cả mọi thành viên trong cộng đồng làng xã vào các ngày lễ hội …

Trong quá trình khẩn hoang, lập ấp, nhân dân Tân Thành đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ để biến vùng đất sông ngòi chằng chịt, rừng rậm, thú dữ trở thành ruộng vườn trù phú với cái tên gắn liền với lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam bộ: Long Thuỷ. Ngày nay, Tân Thành đang được định hướng phát triển trở thành điểm du lịch cộng đồng với làng nghề dệt chiếu truyền thống, vườn cây trái, ao hồ nuôi tôm, cá chình, cá bống tượng…để du khách có thể “3 cùng” với gia chủ: cùng bắt cá, giăng câu, tát mương, hái trái… trong không gian miệt vườn, đó cũng là cái thú của khách phương xa.

Và An Xuyên, một xã ven Quốc lộ 63, hiện đã và đang lập phương án phát triển du lịch cộng đồng, trong một thời gian thật ngắn nữa thôi, khách du lịch sẽ được sống trong không gian của căn cứ kháng chiến với hầm, hào, mương, ruộng; để khám phá, giải mã sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của dân tộc anh hùng.

Bên cạnh đó, để tạo sức hấp dẫn cho các di tích lịch sử cách mạng, di tích Mặt trận Tân Hưng cần được quy hoạch hoàn chỉnh, tu bổ lại đình thần Tân Hưng; tái tạo không gian mặt trận của những năm khách chiến chống Pháp, bổ sung các hạng mục phụ trợ như sân vườn, cây xanh, khu sinh hoạt dã ngoại, nhà truyền thống. Nhà Dây Thép, Hồng Anh Thư quán nên là những câu lạc bộ truyền thống, nhà trưng bày lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Cà Mau. Có như thế, sẽ kết nối được hiện tại với tương lai, giữa du lịch truyền thống với du lịch cộng đồng.

Di tích kiến trúc cổ kính, văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái, sông nước…tất cả đã có trong một thành phố nhộn nhịp, năng động mà rất hiền hoà. Tổ chức không gian du lịch thật hợp lý, bài bản, nắm bắt được nhu cầu của khách tham quan để khai thác vẻ đẹp xuân thì của thành phố trẻ Cà Mau, sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với Cà Mau.