Nông, lâm sản bị ép giá vì “ngăn sông cấm chợ”

ThienNhien.Net – Khi UBND tỉnh Cà Mau đồng ý thực hiện dự án (DA) nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) giai đoạn 1, Chi cục Kiểm lâm trở thành chủ đầu tư, trong khi người thân của cán bộ địa phương và công ty lâm nghiệp được giao khai thác cầu kéo.

“Móc túi” dân nghèo

Năm 2009, tỉnh Cà Mau được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chuyển đổi hàng ngàn héc-ta rừng tràm không hiệu quả thành rừng kinh tế. Thế nhưng, hàng loạt bất cập đã xảy ra dưới tán tràm: người dân vướng vòng luẩn quẩn đói nghèo, cán bộ kiểm lâm và địa phương có dấu hiệu hưởng lợi từ DA không hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ lâm ngư trường Trần Văn Thời) chua chát: “Mười mấy năm nay chúng tôi kêu hoài có thấu đâu! Kiểm lâm cho xây cống phòng chống cháy làm tình hình phức tạp thêm. Nếu đã xác định rừng kinh tế thì tại sao không giao cho dân giữ? Bán lúa, tràm bị thương lái ép giá phải vận chuyển qua 2-3 cái cống, dân kêu hoài chẳng ai để ý”.

Cũng như bao hộ khác, hàng chục năm nay ông Bé chăm sóc 10ha rừng tràm được giao khoán, thế nhưng đến lúc thu hoạch lại gặp bất hợp lý. “Muốn bán sản phẩm do mình làm ra phải đăng ký với Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ. Sau đó, thương lái vào khảo sát. Giá tràm rớt thê thảm, dân chở ra đến đập được trả 50 triệu đồng/ha, thương lái mua tại chỗ 30 – 35 triệu đồng/ha. Vậy mà kiểm lâm tiếp tục xây cống chẳng biết để làm gì?” – ông than thở.

Theo nhẩm tính của người dân, để thu hoạch tràm, họ phải chăm sóc từ 20 năm. Nếu theo giá hiện nay, chỉ được 35 triệu đồng/ha thì công sá vô cùng rẻ mạt. Việc xây cống làm mất hơn 15 triệu đồng/ha do phí vận chuyển.

Theo lời anh Trương Văn Đông, thương lái ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, những cái cống bất thình lình chặn ngang dòng chảy các tuyến kênh chính bao bọc rừng kinh tế, chẳng liên quan gì đến việc phòng chống cháy rừng, mặt khác không chỉ làm giá tràm giảm mà giá lúa cũng xuống theo do bị ngăn sông cấm chợ.

Cống kênh 18 đầu tư hơn một tỉ đồng để giữ nước nhưng địa phương phải đắp đập tiếp. (Ảnh: Công an Thành Phố Hồ Chí Minh)
Cống kênh 18 đầu tư hơn một tỉ đồng để giữ nước nhưng địa phương phải đắp đập tiếp. (Ảnh: Công an Thành Phố Hồ Chí Minh)

Có hay không lợi ích nhóm!?

Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau thực hiện DA Nâng cao năng lực. Trong đó, địa phương xây dựng 10 cống điều tiết nước ở nhiều địa điểm khác nhau trên tuyến bờ bao các lâm phần, với vốn đầu tư 16 tỷ đồng. Theo quyết định được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, mục đích việc xây cống để chủ động trữ nước PCCCR vào mùa khô và xổ phèn mùa mưa, nguồn vốn do ngân sách trung ương và địa phương cấp. Thế là hàng loạt cống được xây ngay khu vực rừng kinh tế. Theo người dân phản ánh, cống không phát huy tác dụng mà có dấu hiệu xuống cấp.

Cống ngăn mặn giữ nước ở kênh 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, đưa vào sử dụng gây phản cảm đối với người dân. Chi cục Kiểm lâm đành cho xây thêm đập ngay phía trước để hỗ trợ… ngăn mặn! Cống vừa hoàn thành thì địa phương và công ty kiểm lâm được giao quản lý, đơn vị cho đấu thầu máy kéo để người dân qua lại. Vì vậy, không chỉ tư thương gặp khó mà người dân cũng vạ lây.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Khánh Thuận) cho biết, theo quy định, mùa mưa cống phải mở ra để xổ phèn và cho người dân qua lại nhưng có hôm viện lý do cống mở không được, buộc người dân phải tốn tiền qua cầu kéo. Sau nhiều lần tìm hiểu, không ít người giật mình khi đơn vị khai thác cầu kéo đã dùng vải quấn quanh cọc ở cống dưới đáy kênh để “móc túi” người dân. “Việc khai thác cầu kéo do người thân cán bộ công ty lâm nghiệp và chính quyền địa phương phụ trách nên họ tranh thủ tận thu. Người dân nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc này” – ông Thanh khẳng định.

Dự án tốn 16 tỷ đồng lại tạo dư luận xấu, không phục vụ dân sinh nhưng chưa thấy ai nhận trách nhiệm? Vậy mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau lại lập đề án tiếp tục xây 3 cống với mục đích phòng cháy chữa cháy, kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Vì sao có nghịch lý trên? Câu trả lời xin dành cho cơ quan chức năng.