Phát hiện loài bò sát tí hon quý hiếm tưởng đã tuyệt chủng

Một loài tắc kè hoa nhỏ bé được cho là đã tuyệt chủng do nạn phá rừng đã được tìm thấy.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm ngày 2.8 trên Tạp chí Bảo tồn Quốc tế Oryx, tắc kè hoa lùn Chapman, tên khoa học là Rhampholeon chapmanorum, thuộc loài cực kỳ nguy cấp trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa. Chúng có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới ở Malawi Hills, miền nam Malawi – một quốc gia ở đông nam Châu Phi.

Nhà nghiên cứu về chăn nuôi và tác giả nghiên cứu Colin Tilbury vào năm 1992 lần đầu tiên mô tả loài tắc kè hoa lùn Chapman là một trong những loài tắc kè hoa quý hiếm nhất thế giới. Chúng có kích thước cơ thể chỉ dài 5,5cm.

Loài tắc kè hoa lùn quý hiếm ở Malawi có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có hành động bảo tồn khẩn cấp. Ảnh: The South African National Biodiversity Institute

Tác giả chính của nghiên cứu, Krystal Tolley, giáo sư và trưởng nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sinh thái học Phân tử Leslie Hill thuộc Viện Đa dạng Sinh học Quốc gia Nam Phi, cho biết: “Tắc kè hoa lùn chủ yếu có màu nâu nhưng có thể chuyển sang màu xanh lam và xanh lá cây khá đẹp với những chấm nhỏ trên khắp cơ thể và đó có thể là một cách thức chúng giao tiếp với nhau. Chúng rất hiền và xinh đẹp”.

Các tác giả viết, nguy cơ tuyệt chủng của tắc kè hoa cao hơn nhiều so với mức trung bình 15% của các loài bò sát cùng chủng loại. 34% loài tắc kè hoa được xếp loại bị đe dọa và 18% gần mức đe dọa. Hầu hết các loài bị đe dọa sinh sống ở trong rừng.

Để bảo vệ loài này khỏi nguy cơ tổn hại thêm, năm 1998, các nhà nghiên cứu đã thả 37 con tắc kè hoa lùn Malawi Hills vào một khu rừng ở nơi khác. Vì chúng không chịu được tình trạng biến đổi môi trường và các nhà khoa học không phát hiện ra cá thể nào cho đến năm 2014 nên tắc kè hoa lùn được cho là đã tuyệt chủng. Đặc biệt là khi Malawi Hills bị tàn phá tới 80% diện tích rừng.

Tuy nhiên, đến năm 2016, trong quá trình tìm kiếm, các nhà khoa học đã tìm ra được một số cá thể tắc kè hoa lùn ở cả khu vực Malawi Hills và khu rừng đã thả chúng ra trước đó.

Phân tích các mẫu ADN các cá thể tìm được, nghiên cứu đi đến kết luận, việc phá rừng có tác động đối với sự đa dạng di truyền. Do đó, để ngăn chặn loài tắc kè hoa lùn đi đến bờ vực tuyệt chủng thực sự, cần phải có hành động bảo tồn khẩn cấp, bao gồm dừng ngay lập tức nạn phá rừng và phục hồi môi trường sống cho chúng.

Các nỗ lực này cũng sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ loài động vật nào khác sống chung môi trường với tắc kè hoa lùn quý hiếm này, các tác giả nghiên cứu khẳng định.