ThienNhien.Net – Khung pháp lý đủ mạnh mới có thể ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh.
Ngày 17/4, tại Hội thảo quốc tế “Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam: Thực tiễn và Chính sách”, hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, xã hội học đến từ các Bộ Môi trường Mỹ, Thái Lan đã cùng thảo luận về các thách thức trong việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước và đề xuất xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước, nhằm khôi phục lại nguồn nước sạch tại Việt Nam.
Đại diện cho đơn vị chủ trì Hội thảo, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (VUSTA), cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, trong đó đáng chú ý là bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường nước. Nhận thức không chỉ của nhân dân mà ngay cả của nhiều cấp chính quyền về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước còn chưa sâu sắc và đầy đủ.
Ông Trần Việt Hùng nêu thực tế, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với khoảng 2.360 sông, suối dài trên 10km và hàng nghìn ao, hồ. Những nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người nhưng đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm nặng với các mức độ khác nhau, từ nước mặt đến nước ngầm, thậm chí còn nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết”.
Thực tế, tại một số địa phương ở Việt Nam, sau khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ cho thấy 40-50% là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) Nguyễn Ngọc Lý cho rằng, do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm và độ bao phủ xuyên biên giới của nước, việc kiểm soát ô nhiễm nước phức tạp và đòi hỏi có một luật riêng với chế tài mạnh và rõ ràng, kết hợp được giữa công nghệ và quản lý, có tính thực thi cao, hệ thống giám sát chuyên nghiệp, nguồn vốn đủ. Trong khi chờ đợi một Luật Kiểm soát ô nhiễm nước ra đời, các ưu tiên xử lý và khôi phục triệt để nên tập trung vào các sông suối nhỏ đang bị ô nhiễm.
Về cơ sở pháp lý, với nội dung quản lý nước thải, tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này cũng đã có những điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, đó chính là trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tổ chức xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đối với khu dân cư phân tán. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức đánh giá chất lượng nước của các lưu vực sông cũng như khả năng chịu tải của lưu vực sông.
Như vậy đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý có biện pháp xử lý ô nhiễm cũng như điều tra trách nhiệm của các bên liên quan có khả năng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Theo các chuyên gia, chỉ có khung pháp lý đủ mạnh mới có thể ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh…