Vì sao nông dân sợ các dự án công trình công cộng?

Thay vì thái độ hồ hởi, thậm chí hi sinh cả lợi ích cá nhân cho các công trình công cộng, dần dần nông dân lại “sợ” chính các dự án này, không ít nơi phát sinh khiếu kiện kéo dài phức tạp.

Một gia đình bị dự án “truy đuổi”

Gia đình bà Nguyễn Thị Đào ở phường Tân Biên (TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm nghề trồng rau sinh sống với 3.750m2 đất mua năm 1985.

Cuộc sống đang yên lành thì địa phương triển khai dự án nhà máy nước Thiên Tân, lấy hết đất của bà mà không đền bù, chỉ “hỗ trợ” 2.000 đ/m2.

Chính quyền hứa cho bà mượn đất nơi khác trồng rau nhưng không thực hiện. Đó là năm 1997, gia đình bà đang có 23 người. Những người con đã có vợ chồng vội tìm về bên vợ bên chồng kiếm đất sinh sống.

Năm 2003, gia đình bà còn lại 10 người, đã bị cưỡng chế, phải đi ở đậu. Dần dần, một số con cái của bà chắt chiu tạo lập được nơi ở mới với căn nhà nhỏ và đám đất trồng rau. Riêng bà và một số người con khác vẫn ở đậu. Thế rồi toàn bộ đất đai nhà cửa mới gây dựng và nhà ở đậu lại lọt vào dự án nhà máy nước Nhơn Trạch.

Năm 2004 thông báo đền bù lần thứ nhất, năm 2007 thông báo thêm tiền đền bù, cộng cả hai lần thì họ vẫn không đủ để tạo lập nơi ở mới.

Chẳng hạn, anh Mai Văn Hiển có căn nhà xây gác gỗ rộng xấp xỉ 100m2 với 1.334m2 đất được bồi hoàn 490 triệu đồng, anh Mai Huy Thông có căn nhà xây 74m2 với 813m2 đất được đền bù hơn 264 triệu đồng… Số tiền bồi hoàn ấy không đủ mua lại đất trồng rau bởi giá thị trường khoảng 2 triệu đồng/m2 (giá đền bù 270.000đ/m2). Không có đất trồng rau thì họ sẽ sống bằng nghề gì?

Căng thẳng còn là chỗ ở. Khi triển khai dự án nhà máy nước Thiên Tân, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định cấp cho gia đình bà Đào 2 lô đất tái định cư nằm bên một con đường nhựa.

Đầu năm 2003 bị cưỡng chế khỏi nơi ở cũ, gia đình bà ra che lều trên 2 lô đất ấy cũng bị cưỡng chế. Hóa ra 2 lô đất ấy đã bị một số người biến báo để làm “sổ đỏ” cho ông Chủ tịch UBND và ông cán bộ tư pháp phường Tân Biên.

Trên khu tái định cư còn nhiều lô đất trống, bà Đào đề nghị chuyển sang cũng không được chấp nhận bởi đã có “chủ vắng mặt” là cán bộ hoặc người nhà cán bộ. Địa phương buộc bà Đào nhận 2 lô đất ở nơi khác, có giá trị thấp hơn nhiều lần. Bà
Đào phải khiếu kiện đến nay!

Từ “bài học” của bà Đào, khoảng 350 hộ nông dân trồng rau bị giải tỏa trắng cho dự án nhà máy nước Nhơn Trạch hiện nay yêu cầu chính quyền địa phương phải chỉ rõ nơi tái định cư và đảm bảo điều kiện sinh sống sau khi bị giải tỏa. Được vậy, họ mới di dời.

Một thương binh bị cán bộ xã lừa dối

Đó là ông Phạm Văn Thảo, 68 tuổi, thương binh hạng 4/4 ở xã Xuân Sơn (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu). Hồi mới giải phóng, ông Thảo đem vợ con về Xuân Sơn khai phá đất hoang, sinh sống. Lúc đó dân cư thưa thớt, công tác hành chính chưa nền nếp nhưng việc khai phá của ông cũng có xác nhận của chính quyền xã đàng hoàng.

Năm 1980, UBND xã lấy của ông 900m2 để mở rộng chợ mà không có quyết định và không đền bù. Năm 1996, xã thấy ông thiệt thòi nhiều bèn họp và thống nhất: Cấp cho ông 7.000 m2 đất hoang cách xa khoảng 5 km và một lô đất trong chợ. Khu đất hoang thì ông Chủ tịch UBND xã Phạm Quang Hường năm 1997 lén bán lấy vàng bỏ túi. Lô đất trong chợ thì cán bộ đưa ông Thảo đi đo nhưng sau đó cho người khác đến ở.

Ông Thảo làm đơn đòi đền bù, bị UBND huyện Châu Đức bác đơn. Năm 2001, ông kiện quyết định của UBND huyện ra tòa, UBND huyện vội thu hồi quyết định để tòa đình chỉ xét xử. Nhưng sau đó, UBND huyện lại ra quyết định khác tiếp tục bác đơn của ông. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định công nhận quyết định của huyện.

Lý lẽ của các cơ quan chính quyền địa phương rất đáng kinh ngạc. Công văn số 578 ngày 24/04/2007 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng “ông Thảo không được đền bù là đúng” vì đất chưa có “giấy công nhận quyền sử dụng đất”.

Thử hỏi, từ năm 1980 trở về trước, mấy ai có cái giấy ấy? Công văn số 121 ngày 25/09/2000 của Phòng Địa chính huyện Châu Đức cho rằng không thể đền bù cho ông Thảo vì làm chợ và làm trụ sở UBND xã “là sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Vậy tại sao thu hồi đất của 4 hộ nhưng 3 hộ kia được đền bù? Có thật làm chợ vì lợi ích quốc gia hay đó chỉ là ngôn từ che đậy lợi ích khác?

Đến khu chợ, sau hơn 10 năm xây dựng vẫn chưa có điện, cống thoát nước. Khoảng 60% còn bỏ hoang. Chủ đầu tư là UBND xã Xuân Sơn thì Chủ tịch UBND xã đã bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng vì tham ô. Người thi công chợ năm 1998 phải nếm mùi nhà giam.

Tại sao còn đất trống mà không giải quyết cho ông Thảo một lô cho hợp lý hợp tình. Một cán bộ hưu trí ở địa phương trả lời: Có “chủ vắng mặt” cả rồi!

Bất công lớn trên một khu đất

Có mặt ở thị trấn Ngãi Giao, huyện lỵ huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), chẳng biết từ đâu nhiều người dân biết tin đã ôm đơn khiếu nại đến. Cái thị trấn huyện lỵ này ra đời tháng 08/1994 khi thành lập huyện Châu Đức và từ đó mới sung túc. Trước kia là nông thôn quạnh hiu, trước nữa là vùng đồn điền cao su, là chiến khu D lừng danh, nhiều nơi cỏ dại um tùm, có nơi mìn dày đặc.

Trong đó có một đồn điền cao su mang tên Hồng Lan, trong chiến tranh bị hoang hóa. Sau giải phóng nhiều người đến khai hoang phục hóa, sức dân mấy chục năm lao động đã biến vùng đất hoang thành ấp Kim Giao đông vui.

Giữa năm 1999 UBND huyện Châu Đức có quyết định buộc 25 hộ dân đến khai hoang sớm nhất phải giải tỏa nhà và cây trồng vì “lấn chiếm đất công”. Rồi trên khu đất mở 3 con đường lớn và nhiều đường nhỏ, giá đất tăng cao, thì xảy ra bất ổn.

Điển hình cho 25 hộ dân là bà Đỗ Thị Bích Hà, sinh năm 1938, vợ liệt sỹ. Bà cùng 3 con trai về thị trấn Ngãi Giao sinh sống từ năm 1983, khai hoang được gần 8.000m2 đất. Thế rồi chính quyền thu hồi của bà 2.203,6m2 để mở đường, có 1.497m2 không đền bù nhưng vì lợi ích chung, bà chấp nhận.

Năm 2003, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi tiếp 4.176,7m2 để làm nhà ăn, nhà nghỉ trưa cho cán bộ huyện mà không đền bù 3.942,7m2 cũng với lý do “chiếm đất công” thì bà khiếu kiện.

Lập luận của chính quyền địa phương là: Đồn điền cao su đã được bà chủ Hồng Lan hiến cho tỉnh. Chứng cứ là quyết định của UBND tỉnh “nhận hiến” hơn 48 ha đất ngày 05/01/1988. Ở đây có sự mập mờ trong nhận thức luật pháp.

Thời điểm đó, nước ta đã xóa bỏ chế độ tư hữu đất đai! Nhưng dù cho phép tư nhân có đất rộng lớn đem “hiến” thì nó chỉ gọi là “đất công” từ thời điểm “nhận hiến”.

Trước ngày 05/01/1988 chưa thể gọi là “đất công”, những người đến khai hoang khi ấy nếu có thể thì gọi họ là “chiếm đất tư nhân”. Nay chính quyền thu hồi không thể không đền bù.

Bà con phản ứng gay gắt còn vì sự bất công của chính quyền. Theo Công văn số 2189 ngày 23/06/2008 của Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên khu đất Hồng Lan, UBND huyện đã đem hơn 4 ha giao cho 49 cán bộ.

Người thì mượn rồi được làm hợp thức hóa, người nhận trực tiếp, người cho vợ (chồng) đứng tên. Từ Bí thư Huyện ủy Huỳnh Thị Thanh Nguyên xuống các cán bộ chủ chốt của thị trấn hầu hết có phần. Người được giao nhiều đất nhất là ông Đặng Hữu Khánh đến 4.962m2.

Trong số cán bộ được giao đất, 13 người đã bán thu món tiền lớn. Tất cả cán bộ này xuất hiện trên khu đất sau năm 1988 và được cấp “sổ đỏ” chủ yếu vào năm 2001.

Tại sao, dân cố cựu khai hoang không được cấp “sổ đỏ” mà cán bộ chia chác trái luật lại được cấp “sổ đỏ”? Tại sao quy hoạch các công trình công cộng cứ nhằm vào nơi sinh sống ổn định của dân, trong lúc đất công đang trống bên cạnh lại để cán bộ tùy tiện chia nhau?

Để kết thúc bài viết này, cần khẳng định lại quan điểm sâu sắc của Đảng và Nhà nước là khi triển khai các dự án phải đảm bảo cho người bị ảnh hưởng có cuộc sống tốt hơn. Quan điểm này chưa được quán triệt thấu đáo trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là với nông dân.

Để chủ trương thành hiện thực, có lẽ đã đến lúc phải đặt ra một cách mạnh mẽ hơn về mục đích triển khai các dự án lấy đất của nông dân: Phải đem lại sự thịnh vượng cho nông dân! Mỗi nông hộ phải có chỗ ở mới ổn định và việc làm để sinh sống. Ngân sách có thể chi nhiều tiền đền bù nhưng tiền đó đến được với nông dân và như thế các dự án, các quy hoạch thật sự có ý nghĩa!

Những khu đất được đền bù đúng giá trị, ngân sách chi nhiều tiền vào đó hẳn cũng làm chùn tay vài kẻ cơ hội, không còn dám chia chác dễ dàng như khi thấy đất rẻ mạt do đền bù thấp hoặc không đền bù. Cuối cùng, lợi ích của các công trình công cộng đến được trọn vẹn với nông dân, với xã hội, nông dân sẽ hào hứng ủng hộ các dự án phát triển.