Ô nhiễm không khí khiến gần 500.000 trẻ sơ sinh tử vong vào năm 2019

Ô nhiễm không khí khiến gần 500.000 trẻ sơ sinh tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019; 6,7 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí năm 2019. Hiện nay, đây là rủi ro sức khoẻ cao thứ 4 trên toàn cầu.

Ô nhiễm không khí – nguyên nhân cao kiến trẻ tử vong (Ảnh minh họa)

Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu 2020 do Viện Ảnh hưởng Sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia thực hiện, công bố hôm nay (21/10) cho biết: Ô nhiễm không khí khiến gần 500.000 trẻ sơ sinh tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019;  6,7 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí năm 2019. Hiện nay, đây là rủi ro sức khoẻ cao thứ 4 trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy có rất ít hoặc không có tiến triển ở các khu vực bị ô nhiễm nhất trong 10 năm qua

Một phân tích toàn diện lần đầu tiên được thực hiện về tác động toàn cầu của ô nhiễm không khí đối với trẻ sơ sinh cho thấy ô nhiễm bụi mịn trong nhà và ngoài trời đã góp phần gây ra cái chết của gần 500.000 trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên của cuộc đời, theo một nghiên cứu toàn cầu mới, Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu 2020 (SoGA 2020). Gần 2/3 số ca tử vong có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn như than củi, gỗ và phân động vật để nấu nướng.

Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã góp phần gây ra hơn 6,7 triệu ca tử vong hàng năm do đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính và bệnh sơ sinh, trên toàn thế giới vào năm 2019. Đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các ca tử vong đều liên quan đến các biến chứng do sinh con nhẹ cân và sinh non. Nhìn chung, ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trong số tất cả các nguy cơ sức khỏe, chỉ xếp sau hút thuốc và chế độ ăn uống kém, theo báo cáo hàng năm SoGA 2020 và trang web tương tác được công bố hôm nay tại www.stateofglobalair.org của Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI1).

Các kết quả của báo cáo này – dựa trên nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) gần đây nhất được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế, The Lancet vào ngày 15 tháng 10 năm 2020 – được công bố khi COVID-19 – một căn bệnh mà những người mắc bệnh tim và phổi có nguy cơ cao bị lây nhiễm và tử vong – đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người. Mặc dù các mối liên hệ đầy đủ giữa ô nhiễm không khí và COVID-19 vẫn chưa được biết đến, nhưng có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và sự gia tăng bệnh tim và phổi, tạo ra mối lo ngại ngày càng tăng về việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí ở mức cao, đặc biệt là những trường hợp thường gặp ở các nước phía Nam và Đông Á, có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của COVID-19.

“Sự tương tác của COVID-19 cùng các bệnh mãn tính đang ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như các yếu tố gây bệnh như béo phì, lượng đường trong máu cao hay ô nhiễm không khí, trong 30 năm qua đã tạo ra một điều kiện gây bệnh hoàn hảo, làm gia tăng tỉ lệ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19,” Tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington, Hoa Kỳ, người đứng đầu nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu cho biết.

Mặc dù việc thi hành các chính sách lâu dài ở một số quốc gia đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí, nhưng báo cáo cho thấy có rất ít thậm chí là không có dấu hiệu cải thiện ổn định ở các quốc gia ô nhiễm nhất tại Nam Á và Châu Phi. Trong khi Trung Quốc đã đạt được những bước tiến ban đầu trong việc giảm ô nhiễm không khí, các quốc gia ở Nam Á bao gồm Nepal, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ vẫn tiếp tục phải trải qua giai đoạn ô nhiễm không khí ở mức rất cao. Phân tích cho thấy số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu, tức khoảng 2,3 triệu ca trong năm 2019.

Ông Dan Greenbaum, Chủ tịch HEI cho biết: “Sức khỏe của trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng đối với tương lai của mọi xã hội và những bằng chứng mới nhất này cho thấy mối nguy cơ cao đe dọa sức khỏe trẻ em sinh ra ở Nam Á và châu Phi vùng cận Sahara”. Ông nói thêm: “Mặc đã có sự thuyên giảm dần và đều đặn của việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng trong các hộ gia đình, nhưng ô nhiễm không khí phát sinh từ những nhiên liệu này vẫn là yếu tố then chốt dẫn đến việc trẻ sơ sinh tử vong”.

Trẻ sơ sinh trong tháng đầu đời rất dễ bị tổn thương. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học từ nhiều quốc gia chỉ ra rằng việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thai kỳ ảnh hưởng đến đến việc sinh con nhẹ cân và sinh non. Tình trạng nhẹ cân và sinh non về sau đều có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng, chiếm phần lớn các trường hợp tử vong ở giai đoạn sơ sinh (1,8 triệu ca vào năm 2019). Phân tích mới được công bố tại Báo cáo Tình trạng Không khí năm nay ước tính rằng 20% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh trong độ tuổi này là do ô nhiễm không khí môi trường xung quanh và trong nhà, chủ yếu gây ra do tác động của ô nhiễm với trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non. Tiến sĩ Susan Niermeyer, một chuyên gia về trẻ sơ sinh tại Đại học Colorado, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là dự án Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu phải giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí và trẻ sơ sinh nhẹ cân/sinh non. Vấn đề này đã không được các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách thực sự chú trọng.”

Báo cáo cũng nêu rõ thách thức đang đặt ra do tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà do đốt nhiên liệu rắn – và điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới trẻ sơ sinh. Mặc dù con số đã giảm 11% trong thập kỷ qua, 49% dân số thế giới – tương đương 3,8 tỷ người – vẫn phải hít thở không khí ô nhiễm trong nhà do nấu nướng vào năm 2019. Hầu hết trong số họ chỉ sống ở 17 quốc gia. Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ phát triển kinh tế – xã hội.

Báo cáo thường niên Tình trạng Không khí năm 2020 và trang web tương tác đi kèm được thiết kế và phát triển bởi Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) cùng sự hợp tác của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia; HEI cung cấp những chỉ dẫn về phần ô nhiễm không khí của nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu; địa chỉ www.stateofglobalair.org của HEI là báo cáo và trang web duy nhất cho công chúng truy cập toàn bộ các số liệu như ước tính về mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí và gánh nặng bệnh tật trong các phân tích của nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu.