Pho sử sống ở Mù Căng Chải

Mù Căng Chải chìm khuất trong mây cao. Từ tỉnh lỵ Yên Bái, vượt đèo Khau Phạ, vượt hơn 200km mới tới. Mây ở Khau Phạ (theo tiếng Thái là cái sừng núi nhô lên tận trời) quánh đặc và mịt mù tới mức, trước năm 1945, đội du kích Khau Phạ đã nương theo mây gió, "xuất quỷ nhập thần", làm cho giặc Pháp hãi hùng rồi chúng kiêng nể gọi là "Những chiến binh mây mù".

Đội du kích đó, giờ chẳng ai còn sống, khi mà tỉnh nhà Yên Bái đang làm hồ sơ di tích, sắp dựng đài dựng bia tưởng niệm “Đội du kích Khau Phạ” trên đỉnh Sừng Trời.

Ông Nguyễn Văn Hứ vẫn trầm mặc ngồi trước mặt tôi, như một pho sử sống quyến rũ của xứ Mù Căng Chải. Tham gia đội Cứu quốc quân từ tháng 3 năm 1945, ông Hứ có hơn 60 năm trời, từng đi khắp các ngõ ngách của cả Tây Bắc mênh mông, khoác súng làm quân tình nguyện ở cả Bắc Lào. Mê mẩn với xứ Mù Căng Chải, ông Hứ đã học đủ tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Tày, Nùng, Khơ Mú… rồi lấy một cô gái người Mông (đẻ tới 13 người con) từ khi huyện Mù Căng Chải chưa thành lập.

Người chép sử trong mây

Nước ta có hai cái huyện mà chỉ cần xướng tên địa danh lên thôi, là người ta đã coi như một tính từ chỉ sự xa xôi, kham khó, bịt bùng. Đó là Mường Tè và Mù Căng Chải. Cái tên Mù Căng Chải, xuất hiện từ thời còn Khu Tự trị Thái Mèo, bấy giờ là châu Mù Căng Chải; còn huyện Mù Căng Chải chỉ chính thức xuất hiện cách đây hơn 50 năm. Cái huyện điệp trùng rừng núi này, cơ bản toàn là người Mông.

Người Mông “ăn theo mây mù”, nổi danh với nghệ thuật trồng cây thuốc phiện trong mây. Vậy nên, suốt 64 năm gắn bó với miệt rừng Mù Căng Chải, ông Hứ bị ám ảnh nhiều bởi cái thời “chưa bao giờ huyện nhà lắm màu sắc thế”: hoa thuốc phiện. Huyện là cái vựa thuốc phiện lớn của Tây Bắc. Trước năm 1993, khi Nhà nước còn động viên bà con trồng cây anh túc để bán cho nước ngoài làm dược liệu, Mù Căng Chải rợp trời với hàng nghìn hécta anh túc.

“Nhưng có một điều mà tôi có nói ra cũng chẳng ai tin. Rằng, năm 1954, Nhà nước ta có tiến hành kiểm kê toàn bộ số người nghiện ma tuý trên địa bàn Mù Căng Chải, bấy giờ chả ai “cấm đoán” thế mà cả huyện chỉ có 500 người già nghiện thuốc phiện theo kiểu hút bàn đèn thôi. Thế mà, giờ chúng ta thi nhau “cấm”, mọi lực lượng ra sức “chống”, Mù Căng Chải ngày mới vẫn có cả nghìn người nghiện ma tuý, mà lại toàn là giới trẻ, là tương lai, là sức lao động chính. Nói thẳng ra, thanh niên bây giờ nhiều người hư lắm, chả chịu học chịu làm, cứ sề sà bắt chước nhau hút hít” – ông Hứ rủ rỉ. Phép so sánh trên của cụ già Hứ, khiến người ta giật mình.

Ông Hứ đã máu thịt gần như trọn cả một đời với đất Mù Căng Chải này. “Bây giờ, nếu so về mức sống và về sự giác ngộ của bà con đi theo lẽ sáng, dân Mù Căng Chải tiến bộ gấp trăm lần. Trước, toàn bộ phụ nữ ở cái vùng mênh mông nay, hễ cứ trông thấy đàn ông lạ là chạy trốn tiệt trong rừng. Giờ thì có khi chị em còn đi “tán giai” ấy chứ!”. Quê gốc ở Hạ Hòa dưới tỉnh Phú Thọ, vượt đèo Khau Phạ, đi lùi lũi trong mây như Thác Tháp Lý Thiên Vương tuần du hạ giới, ông cùng các chiến binh trẻ tuổi vào giác ngộ bà con theo cách mạng. Độ ấy, ông Hứ cùng đồng đội (và bà con) phải đi bộ ròng rã suốt 4 ngày đêm mới vượt qua được chất ngất núi từ Mù Căng Chải ra đến thị xã Yên Bái. Bà con quá khổ: bà con ủng hộ cách mạng, nhưng vẫn phải nai lưng ra làm để… tiếp tế cho “phỉ”.

“Nó đến thì tiếp tế cho nó (phỉ), ta đến thì lại tiếp tế cho ta (cách mạng) – nếu không thế thì làm sao mà sống được để tiếp tục theo cách mạng, hả cháu? Mà bấy giờ không có gạo ăn, chỉ làm lúa nương, cây lúa ngắn, còm, xác xơ đến mức, con chó chạy trong ruộng còn hở cái đuôi lên. Lúc gặt, phải ngoắc liềm tịt xuống dưới mặt ruộng, cắt trọn vẹn cây lúa thì cây lúa nó mới đủ dài để bó và đập lúa được!”. Bà con ở trên Púng Luông, cái đỉnh cao tới 2.700m so với mực nước biển, heo hút gần tới cả nóc nhà toàn cõi Đông Dương rồi, bà con lại càng khổ sở.

“Tôi đã chứng kiến tận mắt hành động anh hùng của nhiều người yêu nước dân tộc Mông ở Mù Căng Chải. Như cụ Chơ, làm đến thống lý thời Pháp, song cụ sớm được giác ngộ theo cách mạng. Cụ vận động anh em trong xã, sớm tập hợp được 50 khẩu súng lớn vào nhà mình để che mắt bọn cú vọ diều hâu ở các bốt gác. Khi du kích nổ súng, ta cứ tràn vào lấy súng, trong đánh ra, ngoài đánh vào mà giết “giặc”.

Sau này cụ được Nhà nước ta thưởng huân chương; con cụ – là anh Toả – làm Bí thư, Chủ tịch xã mấy khoá. Ông không thể quên hình ảnh cụ Lù Vảng Páo, địch bắt con trai ông, hòng dụ ông về nộp tài liệu mật của tổ chức cách mạng. Biết nó treo cổ giết con mình, ông cũng đành tím ruột bầm gan rút vào rừng để bảo toàn tài liệu mật cho sự nghiệp lớn”. Có đồng chí bị địch tra tấn bằng cách bắt tuột từ trên đỉnh cái cọc tre cao xuống, dọc thân cọc, các lớp cật tre được đẽo thò lật ra, sắc như dao kiếm; tụt xuống đến mặt đất, máu me, ruột gan của đồng chí đã lòng thòng… Tên Thào A Cố chuyên tổ chức bắt, giết rất nhiều cán bộ ta, các đối tượng phản động như Thào Chủ Tu, Hờ Nủ Chúa, Xúa Dình (sau này ta vây bắt rồi đưa đi cải tạo)… đều tàn độc vô cùng.

Nhiều đêm, tuổi già cô quạnh ở huyện lẻ huyện cụt, sau khi bà vợ người Mông về với Giàng trước, ông Hứ ngồi ngẫm chuyện xưa, chỉ sợ con cháu giờ không sao hình dung nổi. Ông được tỉnh, huyện, thị trấn mời đi nói chuyện truyền thống. Nói cho các cháu nghe, nói cho cán bộ thế hệ sau nghe, chưa đủ – ông Hứ bèn tiếp tục hoàn thiện cuốn “binh yếu” vùng Mù Căng Chải lưu cho mai hậu. Tên họ của từng tên phỉ gian ác, kể cả những tên bị ông và đồng đội liều lĩnh xông vào tiêu diệt “dã man” cũng được viết lại. Hồi ấy địch mạnh quá, “ta” bèn rút vào hoạt động bí mật với nghệ thuật chiến tranh du kích, thỉnh thoảng ra mặt tiêu diệt vài tên gian ác.

Ác nhất là tên Vàng A Chống, ở Khau Mang, nó chuyên chỉ điểm cho Tây tìm giết cán bộ. Sau khi ông Tiến Thanh – Tỉnh đội trưởng – lập toà án binh, xử tội vắng mặt tên Chống, ông Hứ và đồng đội được lệnh đột nhập nhà tiêu diệt tên Chống. Họ bí mật qua các vòng canh gác, khi vào, hắn đang nằm vểnh râu hút thuốc phiện, hắn tưởng đồng bọn đến, bèn vừa gạt tiêm thuốc phiện, vừa hỏi bâng quơ: “Đến đấy à?”. Ông Tự, người ở Than Uyên đọc lệnh, cầm dao xỉa luôn vào tim hắn, phủ bản án lên trên ngực hắn, rồi rút. Những câu chuyện chi ly, những đặc điểm mọi mặt của tất cả 130 bản làng của Mù Căng Chải, ông Hứ viết lại tường tận cả trong bản thảo cuốn “binh yếu” kể trên.

“Hổ nhiều lắm…”

Ông bà Hứ đẻ được 13 người con. Cái thời chưa ai có ý định phanh bánh xe bùng nổ dân số kia, nhiều con luôn được xem là đại phúc. Lại thêm bao nhiêu công trạng nên ông Hứ được bà con tin yêu lắm, họ từng đề xuất lập một cái bản mang tên ông Hứ. Ông Hứ từng được nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chống Pháp, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, huy chương, kỷ niệm chương… – cả thảy 10 lần nhận.

Những ngày hoạt động ở khắp vùng Tây Bắc, sau nhiều trận đấu súng khốc liệt, không giết nổi cán bộ Hứ, bọn phỉ bắt đầu treo giải: Ai giết được “thằng Hứ”, sẽ được thưởng 2 tạ muối, 2 súc vải láng loại 1. “Bấy giờ đói cơm nhạt muối, lại ở giữa sơn lam chướng khí, đường về xuôi vời vợi dăm ngày đi bộ trên những sườn dốc bé bằng bụng con ngựa thồ, muối là thứ quý giá nhất. Chứ hai tạ muối, thời buổi bây giờ, có giá chỉ bằng… vài tạ thóc” – ông Hứ buồn bã rồi chợt hóm hỉnh.

Hiện nay, ở một căn phòng của UBND huyện Mù Căng Chải còn trưng bày tiêu bản một con hổ khổng lồ. Nhưng, thật ra, theo anh Khánh – Chủ tịch huyện – thì con hổ này được săn ở tít bên Than Uyên, bọn xấu buôn bán qua đây và bị kiểm lâm bắt giữ. Biết đâu, nó lại chẳng là con hổ đã giết chết người trung đội trưởng của ông Hứ?

Ông Hứ kể: “Trước, hổ ở đây nhiều lắm. Người ta bắt được hổ, bắn chết hổ, cõng cả ông ba mươi đi lừng lững về Mù Căng Chải. Họ bán thịt hổ, da hổ, như bán… vải vóc. Hôm ấy, chúng tôi đi hoạt động vũ trang ở Than Uyên. Đoàn gồm có tôi (Nguyễn Văn Hứ) và các ông: Các, Tự, Lò Văn Thắng. Ông Thắng là trung đội trưởng vũ trang. Mới ngoài 20 tuổi, chúng tôi đều cực kỳ khoẻ mạnh, sử dụng súng thiện xạ, đi rừng không biết mệt. Chúng tôi đi dọc suối Nậm Mu. Thiếu thức ăn, anh em bảo nhau dựng lều rồi tìm những gốc cây lớn có quả chín rụng ở bờ suối. Chúng tôi leo lên cây rình bắn cá. Những con cá suối Nậm Mu hoang vu to như cái cột nhà, đen trũi, nó bơi ù lì như khúc gỗ mục. Chúng tôi hò nhau vác cá lên vai, khệnh khạng mỗi người cõng vài con “kình ngư” về lều nương. Đó là một cái nương của đồng bào Nhắng, ở khu vực bản Vi, bản Chát hiện nay.

Tôi nhớ rất rõ. Chú Thắng chú ấy hăng hái và thạo việc nhất. Chú ấy người ở vùng Bắc Cạn hay là vùng Đại Lịch (huyện Văn Chấn, tiếp giáp với Mù Căng Chải), tôi không hỏi kỹ. Thắng bảo: “Mọi người vào lều mổ cá, em đi vào phía nương của người Nhắng kiếm ít lá chanh về làm gỏi”. Khi chú Thắng đi khỏi, trời đã nhấp nhoá tối, tôi không bao giờ quên được cảnh đó. Chúng tôi ngồi đợi mãi. Khi trời tối hẳn, cũng không thấy lá chanh đâu. Linh tính báo có chuyện chẳng lành, ba người chúng tôi xách súng, lên đạn, dò dẫm đi tìm. Đi chỉ khoảng 100m về phía tán rừng, đã thấy một vùng cây cỏ đổ rạp. Máu tanh loang đỏ theo ánh đèn pin. Trung đội trưởng Lò Văn Thắng nằm sóng soài trên cỏ. Hổ tát chết anh ngay lập tức, nhưng không hiểu sao nó lại không ăn thịt. Cách đó hơn chục mét, con hổ vẫn gầm gừ tức giận…

Xác anh Thắng được bó trong vải nilông mỏng, “quan tài” là vài thanh liếp tre rỡ từ lều nương bỏ hoang của người Giáy, chúng tôi bó thi thể, bới đất chôn anh ở bìa rừng. Cánh chiến sĩ làm việc ấy, giờ chỉ còn mỗi mình tôi vẫn sống. Số còn lại chết hết rồi, không còn một ai. Tôi đã nhiều lần báo cho huyện, cả phòng nội vụ Than Uyên, là hãy đến đó lấy hài cốt anh Thắng về mai táng. Gần đây tôi vẫn nhắc lại điều đó và vẫn hy vọng người ta sẽ thay già này làm việc nghĩa ấy, kẻo tội quá. Anh vẫn bị xem là “mất tích”, là “vô danh”, gia đình có muốn tìm, cũng chẳng biết sẽ tìm ở đâu”. Nói xong, ông Hứ đưa bàn tay khô héo lên vắt túm da dăn deo trên mặt mình ra, bàn tay sũng nước mắt…

Trong khi ông Hứ cứ ngồi chun mặt lại khóc, tôi sờ soạng với mây, mây đặc như vón cục, như véo được từng cụm mà tung lên trời vậy. Mỗi lúc nhớ Mù Căng Chải, tôi luôn nghĩ, cụ già Hứ như một pho sử quý, như một tàng cây cổ thụ của vùng đất mây mù hào hùng, hào hoa và nồng say Mù Căng Chải.