Nông nghiệp Hà Nội sẽ là mô hình mẫu

Sau khi mở rộng, diện tích đất nông nghiệp Hà Nội “mới” khoảng trên 192 nghìn hecta (chiếm 57,4%), trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 160 nghìn hecta. Như vậy, trên góc độ đất đai, sản xuất nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Đào Xuân Học đã buổi trao đổi về vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, sau khi Hà Nội mở rộng, nông nghiệp, nông thôn sẽ được quy hoạch phát triển ra sao?

Bộ NN&PTNT đã trình lên Thủ tướng những nội dung cơ bản về quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, sẽ chú trọng phát triển: Phát triển nông nghiệp sinh thái, ven đô, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quanh các đô thị, các vành đai rau an toàn, hoa, cây ăn quả sạch, phát triển rừng và cây xanh phục vụ cho các đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái của Thủ đô.

Thứ hai, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trước mắt tập trung vào khâu giống, công nghệ canh tác tiên tiến và các sản phẩm mũi nhọn, xây dựng các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2010 sẽ hoàn thiện đồng bộ trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Từ Liêm (sản xuất rau, hoa, quả); giai đoạn tiếp sẽ phát triển thêm ở: Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín và Phúc Thọ. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tập trung chủ yếu vào những sản phẩm có lợi thế nhưng lại phải đưa từ nơi khác về: rau quả, cây cảnh, chăn nuôi.

Trong số lĩnh vực đó, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội sẽ theo hướng nào?

Trên cơ sở đất nông nghiệp được quy hoạch ổn định lâu dài sẽ quy hoạch cụ thể các địa bàn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên trước nhất đảm bảo đủ diện tích sản xuất rau an toàn cao cấp, hoa, cây cảnh giá trị cao, lúa đặc sản làm nguyên liệu chế biến sản phẩm truyền thống. Còn chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, không khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư, quy định cụ thể cho chăn nuôi: chăn nuôi con gì, ở khu vực nào? Việc giết mổ sẽ được quy hoạch hiện đại ngay từ đầu, đảm bảo đủ các tiêu chí để sau này phát triển Thủ đô không gặp phải trở ngại, không tái diễn tình trạng phá rồi lại xây.

Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô, lâm nghiệp có được tính đến, thưa Thứ trưởng?

Để có một Hà Nội mở rộng hài hòa giữa không gian sống và làm việc, học tập, giải trí… thì phát triển rừng là điều cần thiết, thậm chí lâm nghiệp Hà Nội sẽ được phát triển đa dạng.

Cụ thể, hệ thống rừng đặc dụng phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học… là hơn 9,5 nghìn hecta: vườn quốc gia Ba Vì, rừng đặc dụng Hương Sơn, khu K59 Ba Vì…; rừng phòng hộ cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử với diện tích khoảng 9 nghìn hecta; rừng sản xuất để cung cấp nguyên liệu đồng thời góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Mặt khác, sẽ phát triển lâm nghiệp đô thị, xây dựng công viên cây xanh, tạo mảng xanh trong thành phố…

Về thủy lợi, Hà Nội hiện nay thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, khi mở rộng vấn đề này sẽ phát sinh và giải quyết ra sao?

Cơ cấu sử dụng đất thay đổi sẽ làm cho các công trình thủy lợi đã có đều không đáp ứng được yêu cầu cấp, tiêu nước. Bởi cấp, tiêu nước cho đô thị lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng, và Thủ tướng cũng đã đồng ý về nguyên tắc sẽ xóa bỏ các khu chậm lũ của Hà Nội khi hồ thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Vì, diện tích các khu chậm lũ chiếm khoảng một nửa diện tích của Hà Nội, điều này gây khó khăn cho việc phát triển Thủ đô.

Việc thoát nước cho phía Tây Hà Nội là khó khăn hơn cả, bởi cống Hà Đông trước đây thiết kế để tiêu nước cho lúa, không đáp ứng được yêu cầu tiêu nước cho đô thị. Năm 2006, thị xã Hà Đông bị ngập tới 50%, gần ngập cả Trung tâm Hội nghị quốc gia. Vì vậy, sẽ phải xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa thành nơi thoát nước cho phía Tây thành phố.

Nhìn chung, hệ thống sông ngòi phải cải tạo lại rất nhiều, nhưng trước mắt tập trung vào sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Sông Tô Lịch sẽ được bơm nước vào thường xuyên từ trạm bơm Thụy Phương (Từ Liêm), dự án này đang được triển khai, khoảng 2 năm nữa thì sông Tô Lịch sẽ có nước ra vào, ô nhiễm sẽ đỡ hơn. Sông Nhuệ giờ thành con sông nằm dọc Thủ đô, phải cải tạo, kè cứng…

Như vậy, phát triển nông nghiệp Hà Nội sẽ thành mô hình mẫu cho cả nước?

Với vị trí, vai trò trung tâm của cả nước, phát triển nông nghiệp Hà Nội phải thành mô hình mẫu cho cả nước về công nghệ cao, hiện đại, hiệu quả, đi đầu cả nước về thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, để làm được như vậy cũng cần những bước đi tương đối dài.