Kỳ tích của một nghệ nhân nông dân

Là một nông dân chính hiệu, chưa qua lớp huấn luyện, đào tạo nào về lai ghép cây trồng, thế nhưng ông đã làm nhiều nhà khoa học phải “sửng sốt” bởi đã lai tạo thành công không biết bao nhiêu loại cây kiểng, cây ăn trái… Không những vậy, mùa xuân Mậu Tý 2008 này, ông còn trình làng cây đào nở bông 4 màu “độc nhất vô nhị”… Đó là “tiểu sử” gây “sốc” của nghệ nhân nông dân Bùi Văn Lời ở số 15A đường Lê Hồng Phong, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Bén duyên lai ghép giống cây

Dù đã hẹn trước, nhưng khi đến nhà hỏi ông Mười Lời (tên gọi của ông Bùi Văn Lời) thì cô con dâu của ông chỉ tay về hướng vườn hoa bạt ngàn. Con dâu ông nói: “Một ngày có 24 tiếng thì bố tôi ở vườn cây mất… 14 tiếng rồi”.

Theo những người hàng xóm của ông, ngày nào ông cũng lọ mọ ra vườn từ sớm lắm. Kể cả những ngày mưa lạnh căm mà ông cũng ra vườn gọt gọt, cắt cắt chả khác nào một ông… khùng. Thế rồi, sau này nhà ông được cả chủ tịch tỉnh đến thăm.
Đã thế, trong Festival hoa Đà Lạt, ông còn được ông Trương Văn Thu – Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng tặng huy chương vàng cho tác phẩm đào ghép mà “nghệ nhân Mười Lời” lai tạo, thì từ đó người ta mới biết kỳ tích của ông.

Cách vườn nhà ông là một quả đồi thoai thoải. Tìm mãi mới nhìn thấy ông đang lom khom cắt, tỉa, bón phân cho cây đào 4 màu rực rỡ mà theo ông thì đây là cây đào “độc nhất vô nhị” nở hoa bốn màu do chính ông tạo ra. Giọng ông nói mộc mạc, chân chất, cùng với nụ cười giòn tan: “Bảy năm trời đeo đuổi việc ghép đào Nhật Tân (Hà Nội) với đào Đà Lạt, nay thành công đó là một câu chuyện dài, nhưng đầy thú vị”.

Ông Mười Lời sinh năm 1935, đến năm 1958 rời Đại Lộc (Quảng Nam) vào Đà Lạt làm nghề trồng rau và hoa bán kiếm sống nuôi vợ con. Lúc đầu ông chỉ trồng các loại hoa thông thường mà người dân nơi đây hay bán như hồng, cúc, lưu ly… Và sự bén duyên với nghề lai ghép của ông cũng hết sức tình cờ.

Vào mùa xuân năm 1990, khi ông nhìn thấy người ta mang hoa đào Nhật Tân từ Hà Nội vào có màu sắc quá đẹp và bán giá rất cao. Ngẫm nghĩ Đà Lạt là xứ lạnh, mệnh danh “vương quốc của các loài hoa”, tại sao mình không thể đem về lai ghép trồng thử? Ăn tết xong, ông khoác balô ra thủ đô gặp thầy Nguyễn Viết Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp 1 và một số thầy cô trong trường để tìm hiểu cách ghép cây. Thế rồi, ông mua hàng chục gốc đào Nhật Tân về Đà Lạt tiến hành gọt gọt, cắt cắt…

Lúc đầu, ông lấy cây đào Nhật Tân ghép với đào Đà Lạt. Tuổi già, mắt yếu, tay ông cứ lóng ngóng run run… Có lần, con dao dùng để tách vỏ cây bén cả vào tay, chảy máu đầm đìa, phải nghỉ làm đến mấy buổi. Thế mà ông vẫn cứ kiên trì và còn tự an ủi: “Chắc tại mình chẳng có đào tạo chuyên môn, nên càng phải cố gắng”.

Nhiều lúc nản chí, ông cũng muốn bỏ quách cái “khát vọng viển vông” để tập trung vào cái nghề thường niên là trồng hoa cho… tiền tươi, thóc thật”. Thế nhưng, ông lại chẳng ngồi yên, mỗi ngày cứ ăn xong là người ta lại thấy ông lúi húi ngoài vườn.

Thành công ngoài mong đợi

Trời chẳng phụ người có công, một sớm tinh mơ trong cái rét căm căm của mùa đông, vừa bước ra vườn bỗng ông như không tin vào cái cặp “mắt già” của mình.

Cây đào bấy nay ông vẫn mò mẫm lai ghép đã trổ bông và cho tới… 4 màu. “Cây hoa độc đáo này đang sinh trưởng tốt và ra hoa theo từng mùa, với màu đặc trưng của riêng từng loài như: liễu đào có hoa màu đỏ lợt, mềm mại và bền màu. Còn bích đào hoa có màu đỏ thẫm, đậm đà duyên dáng. Nhánh cây hồng đào có màu hồng nhạt và nhất chi mai có hoa màu trắng…”, nông dân Mười Lời cho biết.

Từ ngày có cây quý, hàng ngày vườn kiểng nhà ông càng trở nên đông khách lạ kỳ. Người ta tìm đến để chiêm ngưỡng và thán phục vì vẻ đẹp độc đáo của cây đào. Nhiều người đã đánh tiếng mua nhưng ông không bán.

Ông bảo, gặp tui ai cũng hỏi tốt nghiệp trường nào mà “hay” vậy, bởi không chỉ ghép thành công cây đào 4 màu, mà tui còn ghép hàng chục loại cây nổi danh khác mà đến nay tui cũng không nhớ hết. Khi tui nói: “Tui chưa học xong lớp… 11 và cũng chưa học qua khóa đào tạo nào về lai ghép cây thì ai cũng không tin mới lạ”.

Hiệu quả kinh tế tăng cao

Ngoài việc tạo ra giống đào 4 màu, ông là người đầu tiên lai ghép thành công giống hoa đào Đà Lạt với hoa đào Nhật Tân, cho ra giống đào mới có cánh nhiều gấp đôi bình thường, 25 – 40 cánh. Còn nhớ lúc đó là năm 2000, ông đem cây đào mới lai ghép đi dự thi ở Hội hoa xuân Đà Lạt đã “ôm” ngay huy chương vàng về nhà.

 nghenhan

Chanh ngọt của Mỹ được lai ghép cho trái trĩu cành.

Nghệ nhân Mười Lời thú nhận rất đam mê công việc chiết ghép các loại giống cây trồng ở trong và ngoài nước, với giống cây có nguồn gốc ở Đà Lạt. Điều đáng mừng là những loại cây sau khi ghép đã cho chất lượng trái, hoa có tính năng vượt trội.

Hiện nay, ông Mười Lời đã có trên 6.000m2 đất, trồng 30 loài hoa, 15 loại quả độc đáo trị giá hàng tỷ đồng. Các loại trái cây mà ông đã lai ghép thành công với cây đào Đà Lạt như mận tam hoa (Hà Nội), Lettarin của Úc, mơ chùa Hương.

Không chỉ thế, các loại hồng của Úc, Pháp, Mỹ ông cũng ghép thành công với hồng của Đà Lạt cho ra loại mận trái to, sáng màu, ăn sống giòn, ngọt thanh, không bị chát, đắng. Trong khi trước đó, các loại hồng này phải chờ có màu chín hồng, rồi đem đi ủ cho mềm mới ăn được.

Hay việc ghép giống mận của Mỹ, Pháp ra loại mận giòn ngon, ngọt bán giá cao gấp 2 lần bình thường. Không chỉ vậy, ông còn ghép thành công cây đào Mẫu Sơn miền Bắc với đào Đà Lạt, cho ra trái to và ngọt.

Đặc biệt, ông còn ghép cây bơ Hass của Úc với cây bơ Đà Lạt, cho ra loại bơ chất lượng cao, 2-3 trái/kg khiến Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phải thốt lên: “Chất lượng bơ ngon và đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Từ thành công này, ông đã được nhiều người dân từ Đắc Nông, Đắc Lắc, Bảo Lộc, Di Linh tìm đến để mua giống…

Một “kỳ tích” nữa là, một lần ông Huỳnh Đức Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ghé thăm vườn kiểng, trầm trồ trước tài năng của ông và vẻ đẹp của những cây kiểng ở đây đã thốt lên: “Đến Đà Lạt mà chưa biết vườn kiểng của “nghệ nhân nông dân” Mười Lời thì thật thiếu sót”…

Ông Mười Lời còn “bật mí”, mỗi năm ông đón tiếp 500 – 1.000 sinh viên của các trường đại học Nông Lâm TP.HCM, Khoa học Tự nhiên, Văn Lang, An Giang, Cần Thơ, Đà Lạt… đến để học hỏi về việc lai ghép cây kiểng, cây ăn trái.

Vườn kiểng nhà ông còn là nơi được rất nhiều nhà khoa học gửi gắm các loại giống mới đem từ nước ngoài về như chanh ngọt không hạt, cam đỏ của Mỹ, sapô của Mexico, quýt Địa Trung Hải của các TS Trần Duy Quý (Viện Di truyền Nông nghiệp), TS Nguyễn Minh Châu (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), TS Nguyễn Viết Tùng (Trường ĐH Nông nghiệp 1), TS Võ Mai… Điều mà ông sung sướng và vui mừng nhất là tất cả các loại giống mới mà các nhà khoa học gửi gắm, đến nay ông đều lai ghép thành công.