Sống chung với… gió

Gió cuốn bay nhà. Gió lật chìm ghe. Gió không cho nấu cơm… Hằng năm, cứ tới mùa là người dân ở sườn tây đảo Phú Quốc, Kiên Giang lại khổ sở vì những trận gió mạnh dồn dập thổi đến.

Gió “đánh”

Trưa nắng, Ông Phạm Văn Học (55 tuổi, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, Phú Quốc) loay hoay đóng đinh cho cái sườn nhà bằng gỗ tạm mà ông vừa dựng lên bên khoảnh đất trống gần bờ biển. Ông Học nói đáng lẽ căn nhà nhỏ của ông đã hoàn thành từ mấy ngày nay nhưng vì gió lớn quá, không sao đưa tấm lợp lên nóc nhà. Cạnh khoảnh đất của ông Học, một đôi vợ chồng khác cũng vừa dựng lên căn chòi nhỏ, lợp tấm nhựa. Thế nhưng, tấm nhựa vừa lợp lên thì gió lại tốc bay đi trong cái nhìn bất lực của anh chồng trẻ.

Ông Học cho biết, mới mấy năm nay thôi mà ông đã phải sống qua… 4 xác nhà. Cả 4 căn nhà trước của ông Học đều bị gió phá hư hết, khi thì tốc mái, khi bị đánh sập. Chán cái cảnh sống không yên thân với gió, năm trước, ông Học dọn về sống trong xóm rẫy. Thế nhưng là ngư dân, bỏ biển biết sống bằng gì, ông Học buộc phải trở lại chỗ cũ để cất lại căn nhà, chấp nhận cách sống “tới đâu hay tới đó” để hằng ngày tiện việc đi biển đánh lưới thưng kiếm sống. Căn nhà mới, ông Học tính toán trị giá 6 triệu đồng, nếu nó “trụ” được với gió biển 1 năm thôi cũng là ngon lắm rồi.

Cách đó không xa, bà cụ Nguyễn Thị Gái (76 tuổi) cũng vừa chịu cảnh mái nhà bị gió thổi đi mất. Bà Gái cho rằng việc nhà bị tốc mái là “chuyện thường ngày”, nhưng điều khiến bà buồn nhất là bàn thờ ông bà trong nhà cũng bị gió đánh đổ. Chồng bà Gái, cụ ông Nguyễn Văn Có (82 tuổi) mới được con cất cho một căn nhà mới để an dưỡng. Ông Có mới vào sống được 2 tháng thì bị gió dỡ luôn nóc nhà! Ông than: “Gió máy cái gì mà bạo quá, mình đi còn muốn ngã, nói gì đến nhà cửa”.

Xa hơn một chút, nhà anh Nguyễn Quốc Dân cũng vừa bị gió “dời” đi chỗ khác. Đã có kinh nghiệm nhiều lần nhà bị tốc mái, nên khi dựng nhà anh Dân chằng néo mái rất kỹ. Vậy mà, lần này gió không chỉ tốc mái, một buổi trưa đẹp trời, gió đã bứng luôn căn nhà mới của anh ra khỏi nền. Cạnh đó, dãy nhà trọ của ông Trần Văn Tươi cũng bị gió dỡ mái. Còn nhiều, quá nhiều những căn nhà dọc theo sườn tây đảo Phú Quốc, trải dài từ nam đảo lên bắc đảo, hằng năm phải hứng chịu sự tàn phá của những cơn gió dữ. Nhiều căn nhà đổ nhào; nhiều căn nhà trống rỗng; những căn nhà chỉ còn lại cái sườn…

 
Nhiều người phải dùng lá dừa che chắn trước nhà mới có thể sinh hoạt.

Mưu sinh trong gió

Ông Nguyễn Ngọc An, 45 tuổi, nhà ấp Đường Bào, mùa này không đi biển được. Chiếc ghe lưới trọng tải 6 tấn của ông An vừa bị gió đánh lật lúc ông đang dong từ biển trở về. Ông An nhờ ghe kéo vào bờ rồi neo đó. Ông than: “Ghe nằm bờ, tui như người cụt tay”. Trường hợp của ông An không phải là hiếm thấy trong số những ngư dân trên đảo Phú Quốc. Thường, tới mùa gió mạnh ghe có động cơ yếu thì khó lòng đánh bắt dù đánh ở gần bờ, vì có chạy ra thì gió cũng đánh bạt vào.

Ông An cho biết: “Cứ từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, dân trên đảo bị gió đánh chìm ghe như ăn cơm bữa. Ghe dài cỡ 6 – 7 thước mà ra khơi là bị sóng đánh lộn mèo liền”.

Vì quá quen với cảnh ghe bị chìm nên thường khi gặp nạn, người dân ở đây cứ cột phao vào xác ghe chìm rồi bỏ mặc nó! Không lâu sau, gió cũng đánh dạt ghe vào bờ. Lúc đó, chủ nghe mới nhờ hàng xóm đưa lên bãi. Đó là trường hợp của những chiếc ghe nhỏ, còn ghe hơi to một tí cũng đành để nó nằm biển.

Khi hỏi chuyện gió “đánh” dữ quá, mùa này ngư dân làm gì sống? Nhiều người đi biển ở nam đảo bảo mùa biển êm, ít gió họ tranh thủ đánh “chụp giựt” rồi mua vàng dự trữ. Đến lúc không đi biển được thì bán vàng đó mà ăn! Nhưng chuyện ở không mà ăn cũng chẳng được yên. Nấu cơm bị gió thổi tắt bếp, phơi quần áo bị gió thổi bay tứ tung, học sinh đạp xe đi học bị gió đánh ngã xe, bữa cơm ăn cũng không xong…, nhiều sinh hoạt đều bị gió “can thiệp” thô bạo.

Nhưng với người dân ở đây, biển là nguồn kinh tế chính, mà nếu sống xa hơn để tránh gió thì đường sinh kế của họ sẽ mù mịt.