Ngày 19/6, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nhựa ở các con sông sau khi kết quả xét nghiệm chất lượng nước ở tất cả các con sông tại Anh đều cho thấy sự xuất hiện của các hạt nhựa siêu nhỏ.
Các nhà nghiên cứu của Greenpeace hồi đầu năm đã tiến hành giăng một chiếc lưới chuyên dụng để thu thập mẫu vật, qua đó kiểm tra chất lượng nước của 13 con sông chảy qua 30 khu vực nông thôn và thành thị ở Anh.
Kết quả cho thấy hơn 1.200 mảnh nhựa thuộc 15 loại nhựa khác nhau đã “sa lưới”, với gần 50% trong số đó là polyethylene – một loại nhựa nhiệt dẻo rất phổ biến trên thế giới, cùng nhiều đồ nhựa khác như ống hút và hạt vi nhựa được sử dụng trong các loại mỹ phẩm.
Chỉ có 2 trong số 30 khu vực được khảo sát là không có sự xuất hiện của các hạt nhựa siêu nhỏ trong nước sông.
Theo báo cáo trên, sông Mersey ở phía Tây Bắc nước Anh bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất, với 875 mảnh nhựa siêu nhỏ thu thập được chỉ trong vòng 30 phút. Mức độ ô nhiễm nhựa ở con sông này thậm chí còn cao hơn cả “Đảo rác Thái Bình Dương”, vòng xoáy rác thải ở trung tâm của Bắc Thái Bình Dương vốn bị coi là một trong những vùng nước bị ô nhiễm nhựa nặng nề nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo của Greenpeace cho rằng kết quả trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” do các tấm lưới được giăng trên sông chỉ có thể thu thập mẫu vật ở độ sâu không quá 10 cm. Hiện tác động của hạt nhựa siêu nhỏ đối với các loài động vật nước ngọt vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trước tình hình trên, các chuyên gia Greenpeace kêu gọi Chính phủ Anh đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giảm ít nhất 50% sản lượng bao bì nhựa dùng một lần vào năm 2025.
Tổ chức này cũng kêu gọi mở rộng lệnh cấm bán các loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa hạt vi nhựa, có hiệu lực tại Anh từ tháng 1/2018, theo đó đưa kem chống nắng, son môi và một số sản phẩm gia dụng khác vào danh sách này.