Kinh tế ngoại thành: Nhiều mô hình, ít hiệu quả

Những năm qua, nông dân thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh như trồng rau an toàn, vườn – ao – chuồng (VAC), hoa – cây kiểng, cá cảnh… Tuy nhiên, do người dân thường chạy theo phong trào, chú trọng cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến tính bền vững lâu dài nên chưa có mô hình nào phát triển một cách căn cơ.

Đủ kiểu mô hình

Những năm gần đây, kinh tế ở ngoại thành không ngừng phát triển, nhiều hộ nông dân từ nghèo khó đã vươn lên làm giàu. Việc đa dạng, phong phú hóa các loại cây trồng, vật nuôi của nền nông nghiệp đô thị, phù hợp điều kiện đất đai, kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Tân Nhựt là một trong những xã nghèo của huyện Bình Chánh đang có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ. Có lẽ chưa có nơi nào trên huyện Bình Chánh lại có nhiều mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả cao như VAC, rau – lúa, cá – heo, mai ghép… Anh Trịnh Văn Tân ở A11, ấp 1 có 5 hệ thống ao (gần 5.000m2) nuôi cá kiểng với số tiền đầu tư cả tỷ đồng. Anh cho biết, vài năm trở lại đây, số người chơi cá kiểng trong nước tăng nhanh nên cá nuôi lớn không kịp để bán.

Đó là chưa kể các nhà kinh doanh đặt hàng để xuất khẩu qua các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Âu. Cá kiểng đã thực sự đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh và nhiều hộ dân ở đây. Mà việc nuôi các loại cá kiểng như hắc kim, hồng kim, trân châu, bình tích, chép Nhật, cá ba đuôi, kim cương cũng không yêu cầu người nuôi biết nhiều kỹ thuật, không tốn nhiều công sức. “Tôi nuôi 5 ao, hàng năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng”, anh khẳng định.

Năm qua, huyện Bình Chánh chuyển đổi thành công khoảng 10 mô hình như: rau an toàn (xã Tân Quý Tây), nuôi cua – cá – bồn bồn (xã Phong Phú), VAC (xã Tân Nhựt), trồng nấm (xã Lê Minh Xuân), hoa lan cây kiểng, nuôi cá sấu… Tương tự, tại huyện Củ Chi cũng có hàng loạt mô hình chuyển đổi như thế.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng từ mô hình nuôi bò sữa. Anh Trương Văn Phúc thu nhập trên 200 triệu đồng/năm và hàng chục hộ ở xã thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm cũng từ những mô hình này. Ở Củ Chi, mô hình nuôi cá kiểng đang phát triển khá tốt. Mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 10 triệu con cá cảnh; với các loại như cá dĩa, la hán, lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Mô hình này đang trở thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, không tốn nhiều mặt bằng, bởi có thể nuôi bằng bể xây xi măng, bể kính.

Ngoài ra, mô hình chăn nuôi động vật hoang dã cũng góp phần tăng thu nhập cho hộ nông dân. Trong đó việc nuôi gấu, dê, thỏ, heo rừng, nhím, nuôi ong lấy mật, trăn, ba ba… đang phát triển nhanh.

Phát triển mô hình có thế mạnh

Củ Chi là huyện còn nhiều đất trồng lúa nhất TP. HCM, khoảng 14.000 ha. Ông Nguyễn Văn Miêng, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho rằng việc trồng gì nuôi gì của nông dân thường mang tính “phong trào”, và chủ yếu vì cái lợi trước mắt chứ không nghĩ đến sự bền vững lâu dài. Nhiều mô hình chuyển đổi rất thành công như nuôi cá kiểng, trồng cây cảnh, sản xuất rau an toàn… nhưng không dễ kêu gọi nông dân làm theo.

Ông Đào Đông Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, cho biết, huyện có chủ trương chuyển đất trồng lúa kém năng suất sang trồng lúa cao sản (khoảng 6.000 ha), 800 ha phát triển rau sạch, 200 ha hoa cây kiểng, 1.000 ha vùng chăn nuôi tập trung ở các xã phía Bắc.

Nhưng có quá nhiều cái khó. Một trong số đó là tình hình diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, bình quân mỗi năm giảm gần 200 ha; hiện nay còn khoảng 20.000 ha đất nông nghiệp. Đã vậy, đất đai manh mún, lô thửa nhỏ nằm xen kẽ khu dân cư nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất. Người dân chưa tích cực hợp tác để hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, càng chưa có sự gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp. Nông dân thiếu thông tin dự báo về thị trường nông sản, vì thế, chỉ sản xuất cầm chừng.

Cái lo nhất không phải là chuyển đổi cây trồng, mà là chất lượng của sự chuyển đổi này. Khó khăn thứ hai, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Lực lượng khuyến nông còn hạn chế không bám sát thực tế, xử lý kém khi xảy ra bệnh, dịch. Việc triển khai đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất rất chậm. Đặc biệt, các công trình thủy lợi đã và đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nói tóm lại, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp sự chuyển đổi cây trồng vật nuôi của nông dân.

Một thực tế khác, ở ngoại thành hiện nay có tình trạng “nông dân không đất”. Đây là những trường hợp nông dân có đất nhưng họ cho những người đến từ các địa phương khác thuê lại để sản xuất. Các giải pháp chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở TP sẽ khó khả thi một khi chủ đất thực sự không còn muốn canh tác trên mảnh đất của mình. Như vậy, nông nghiệp TP muốn phát triển bền vững thì mỗi địa phương cần phải liên kết những mô hình cụ thể, có thế mạnh của mình để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất.