Đồng Nai: Phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt, may, giày dép

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt, may và giày dép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, có tính đến năm 2020 với quan điểm phát theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, tạo bước nhảy vọt về chất sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, gắn chặt với việc bảo vệ môi trường và phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Đồng Nai bền vững.

Thời gian qua, ngành công nghiệp dệt, may, giày dép trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2007 đạt 21,6%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23,5%/năm; năm 2007 đạt 2.540 triệu USD, chiếm tỷ trọng trên 51% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và giải quyết nhiều việc làm cho xã hội. tính đến hết năm 2007 có 188.465 lao động làm việc trong ngành này, chiếm 45,6% trong cơ cấu lao động toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, sự phát triển này còn mang tính tự phát, chưa có sự chọn lọc, phân kỳ kêu gọi các dự án đầu tư cũng như phân bố hợp lý giữa các địa phương, vùng lãnh thổ, làm mất cân đối về cơ cấu lao động và một số vấn đề xã hội phát sinh về yếu tố con người, môi trường, nhà ở…Vì thế, cần thiết phải hình thành định hướng quy hoạch cho ngành để hội nhập bền vững.

Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dệt, may, giày dép thành một ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn về xuất khẩu của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2010, giá trị sản xuất hàng công nghiệp dệt, may, giày dép đạt 23.750 tỷ đồng, chiếm 24% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2005. Đến năm 2015, giá trị sản xuất đạt 40.020 tỷ đồng, chiếm 18,1% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010.

Và đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt 56.130 tỷ đồng, chiếm 11,8% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sản xuất ngành DMG theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm thời trang cao cấp, sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa, hạn chế gia công sản phẩm. Đa dạng hoá việc sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu trong nước, các sản phẩm ngành nghề thủ công truyền thống. Nhanh chóng thay thế những thiết bị và công nghệ lạc hậu, nâng cấp những thiết bị còn khả năng khai thác, bổ sung thiết bị mới, đổi mới công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát triển vùng nguyên liệu bông và tơ tằm để chủ động về nguyên liệu dệt, giảm nhập khẩu nguyên liệu.

Để tránh ô nhiễm môi trường, sẽ xây dựng các Khu, Cụm Công nghiệp chuyên ngành dệt may có cơ sở hạ tầng đủ điều kiện cung cấp điện, nước, xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Nhà nước. Thực hiện di dời và xây dựng mới các cơ sở dệt nhuộm tại các Khu, Cụm Công nghiệp tập trung để có điều kiện xử lý nước thải và giải quyết tốt việc ô nhiễm môi trường…