Đắk Lắk: Nhiều dự án trồng rừng nhưng khả năng thực hiện quá ít

Năm 2008, các hợp tác xã nông lâm nghiệp, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh Đắk Lắk lập 68 dự án trồng rừng, trồng cao su. Hầu hết các dự án này được lập quá vội vàng, không đúng trình tự thủ tục, chưa đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch phát triển kinh tế và không bảo đảm về bảo vệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay, hầu hết các dự án chưa được cơ quan chức năng thẩm định kỹ thuật, nên không có khả năng để thực hiện nhiệm vụ sản xuất trong năm nay.

Gần đây, nhiều tổ chức tập thể, các nhân trong và ngoài tỉnh đổ xô đi tìm đất lập dự án trồng rừng nguyên liệu và trồng cao su. Dự án được lập trên những vùng nương rẫy cũ, rừng nghèo kiệt thuộc nhiều địa bàn khác nhau.

Trong số đó, có vùng chưa được chuyển đổi sản xuất, có vùng đất điều kiện sinh thái không phù hợp đối với việc phát triển rừng nguyên liệu và cây cao su và có cả dự án được lập trên vùng đất đang trồng cây điều đang bị người dân địa phương tự ý phá bỏ để trồng cao su.

Trên cơ sở xem xét và thẩm định các dự án trên, hiện nay, UBND tỉnh Đắc Lắc mới có quyết định cho Công ty TNHH Lộc Phát trồng 320 ha rừng tại huyện Krông Năng; cho phép Công ty TNHH Trường Hải trồng 160 ha rừng tại xã Ea Heo (huyện Ea Hleo).

Điều đáng nói rằng, hiện nay một số doanh nghiệp tư nhân đang trong thời gian lập dự án, vùng sản xuất chưa được quy hoạch và có vùng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng các chủ dự án đã vội vàng làm đất và khẩn trương trồng cây rừng và trồng cao su, trong đó có những vùng đất không phù hợp và chưa quy hoạch tại xã Cư Mlanh (huyện Ea Súp) và một số vùng đất ở huyện Buôn Đôn đang được một số doanh nghiệp tư nhân trồng cao su.