Rùng mình thuốc tẩy miến

Thời gian gần đây, có rất nhiều đơn thư phản ánh về việc các loại miến đang bày bán trên thị trường đều chứa hóa chất độc hại. Để tìm hiểu việc này, chúng tôi đã về xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây – địa phương có nghề làm miến truyền thống từ lâu đời và rùng mình khi chứng kiến "công nghệ" làm miến nơi đây. Mỗi ngày, Dương Liễu cung cấp hàng chục tấn miến cho các chợ đầu mối, nhà hàng ăn uống tại Hà Nội và hầu hết các tỉnh miền Bắc.

Chất lượng nhờ… hoá chất?!

Vừa bước chân vào đầu xã Dương Liễu, đã ngửi thấy ngay mùi chua chua, hăng hắc bốc lên từ các phên miến phơi bên lề đường làng. Những phên miến ở đây có đủ màu, từ những phên miến có màu đen sì, sợi vụn, vàng, hoặc xanh ngà ngà cho đến những phên miến trắng bóc.

Trong vai một người đang muốn học nghề làm miến, chúng tôi làm quen được với anh H.T.L ở xóm 3, xã Dương Liễu đã có hơn mười năm trong nghề. Phải hỏi vòng vo mãi anh L mới tiết lộ: Nguyên liệu làm miến được lấy từ bột dong riềng (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Đầu tiên bột dong riềng được ngâm nước trong khoảng thời gian 5-6 tiếng sau đó họ sẽ dùng một số hóa chất là thuốc tím, thuốc trắng và axít để tẩy trắng bột. Vì thế, khách hàng muốn mua loại miến màu gì cũng có. Loại miến đen là miến nguyên chất không qua tẩy trắng, muốn miến vàng cho thêm chút phụ liệu và muốn miến trắng phau thì cho thuốc tẩy kỹ là được.

Khi hỏi: “Dùng hóa chất như thế sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng thì sao?”, anh L xẵng giọng: “Bây giờ cái gì chả có hóa chất. Nói chung dính đến hóa chất là có độc hại rồi, chỉ có điều ít hay nhiều thôi”! Tuy nhiên, anh L lại khẳng định việc sử dụng thuốc tím không có nguy hại vì đây là loại hoá chất vẫn được dùng để tẩy khuẩn một số loại thức ăn. Còn “thuốc trắng” ngoài tác dụng tẩy bột thì còn có tác dụng làm cho bột dai, dẻo và để được lâu hơn vì nếu một mẻ bột không cho các loại thuốc trên thì bột hay bị vữa không thể tráng được bánh và khi cắt thành sợi miến sẽ bị gẫy.

Lân la hỏi chuyện, biết được “công nghệ” làm miến trắng qua chị H, chủ một cơ sở làm miến trong xóm Gia. Đó là một loại hợp chất cực độc, khi trộn chúng với nhau sẽ thấy hợp chất sôi lên sùng sục, bắn toé ra ngoài và có thể làm cháy tan ngay bất kỳ một thứ nào thả vào đó. Cho nên, trước khi hoà hoá chất với bột làm miến, bao giờ những người trực tiếp trộn bột cũng phải đeo khẩu trang, không thì không chịu nổi những mùi hắc xông lên từ các hóa chất đó.

Hơn nữa, khi pha chế các loại thuốc này với bột, nếu họ không có phương tiện bảo hộ thì rất dễ bị ăn tay, chân và gây viêm loét da. Thế nhưng, loại thuốc này có thể mua dễ dàng ở chợ Đồng Xuân. Trước đây, chị H thường mua với giá hơn 20.000đ/gói có trọng lượng 1kg nhưng bây giờ người ta bán ngay tại làng nên không phải đi xa nữa. Chúng tôi gặng hỏi địa chỉ để đến mua thì chị H bảo: “Người ta không bán cho người lạ mà chỉ bán cho người quen thôi”. Và, hiện nay có 2-3 người chuyên cung cấp các loại thuốc tẩy trắng bột làm miến cho cả làng.

 
Thùng đựng thuốc tím để tẩy miến.

Độc hay không độc?

Khi chúng tôi đến các địa chỉ mà chị H đã cung cấp để hỏi mua thuốc thì các đại lý này đều trả lời gọn lỏn: “Đã hết sạch thuốc tẩy bột miến”. Đến đại lý thứ 3, chúng tôi phải năn nỉ một lúc lâu và sau cái nhìn dò xét kỹ lưỡng của chủ nhà chúng tôi mới được tiếp ông chủ đại lý tên T cho giá: 1 cặp thuốc gồm 1kg thuốc tím, 2kg thuốc trắng có giá 100.000 và 2kg axít giá 14.000đ, chừng ấy đủ để tẩy trắng 1 tấn bột, nhưng hiện giờ không có ngay mà phải đi lấy ở nơi khác.

Chúng tôi chê đắt và tỏ ý không biết có đúng chủng loại thuốc vẫn dùng hay không, ông chủ này bảo: “Các cô yên tâm đi, không sợ đắt đâu, đây là thuốc tốt. Vẫn là thuốc tím, thuốc trắng – xút với axít thôi, làm gì có thuốc nào khác nữa”. Giá có đắt hơn trước một chút vì thuốc trắng và axít mua được trong nước còn thuốc tím phải nhập từ Trung Quốc.

Trong lúc mặc cả giá, chúng tôi quan sát nhóm thợ nhà ông T đang hì hục xúc đống bột xám xịt đóng thành tảng to trải trên tấm nilon lem nhem ở giữa sân. Số bột này đang được thả vào chiếc bể hình chữ nhật có chiều cao khoảng 1m, rộng hơn 1m, dài khoảng 3m để tẩy trắng. Toàn bộ khu vực sản xuất nhà ông chủ T ngổn ngang đủ thứ: nguyên liệu, dụng cụ, máy tráng bánh đặt bên cạnh những chiếc bể lọc cáu vàng và cả thùng thuốc tím có nhãn hiệu Potasstum Permanganate, can axít H2SO3

Chúng tôi hỏi cách dùng thuốc, D là thợ chính ở đây cho biết: Sau khi cho bột vào bể, người ta chỉ cần cho thuốc tím ngoáy đều, khoảng 5 phút cho tiếp axít, vài phút sau đó cho thuốc trắng. Chỉ trong vòng chưa đến 10 phút bột trong bể sẽ trắng phau. Vì những thứ hoá chất này rất nặng mùi, nên sau khi tẩy phải lọc 4-5 nước rồi mới chế biến. Chúng tôi rùng mình, trước khi cho ra lò những cân miến trắng, ngon, hàng cân hóa chất được sử dụng để tẩy trắng bể bột lớn như thế này.

Hơn nữa các công thức pha hóa chất đều được những người dân làm theo kinh nghiệm không có cơ sở khoa học, ai dám khẳng định những hóa chất này không gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng.

Theo một chuyên gia hóa học: Trước đây, người ta vẫn dùng thuốc tím (KMnO4) để diệt khuẩn rau, quả nhưng sau phát hiện ra độ Mangan trong thuốc tím có hại nên tiêu chuẩn Việt Nam đã có quy định thuốc tím dùng trong sinh hoạt không quá 0,5mg/lít. Còn xút thường được dùng để tẩy trắng trong công nghiệp, nếu các chất hóa học đó có nồng độ thấp thì dùng bình thường không ảnh hưởng mấy đến sức khỏe. Nhưng nếu sử dụng quá lượng cho phép thì các hóa chất đó sẽ gây độc hại đến hệ tiêu hóa, có thể ăn mòn, gây viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, có thể làm tổn thương nhung mao khiến cơ thể gặp khó khăn trong khi hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Một chuyên gia khác trong lĩnh vực hóa thực phẩm còn cho rằng, nếu dùng hóa chất công nghiệp để chế biến thực phẩm rất có thể gây nguy cơ ung thư cho người tiêu dùng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lãng, Trung tâm Thí nghiệm trọng điểm quốc gia (Viện Hóa học công nghệ Việt Nam): “Không nên sử dụng thuốc tím trong thực phẩm vì thuốc tím không có trong danh mục các chất hóa học được phép sử dụng. Nếu các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm thì phải đặt trong tiêu chuẩn. Còn về hóa chất công nghiệp đương nhiên không được dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng, thị trường hiện nay đa số người sản xuất sử dụng hóa chất công nghiệp vì hóa chất công nghiệp rẻ hơn rất nhiều so với hóa chất thực phẩm. Vì vậy không thể nói sử dụng hóa chất không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

 
Ai dám khẳng định những sợi miến trắng tinh thế này đảm bảo an toàn?

Kiểm tra, xử lý – bao giờ cho đến bao giờ?!

Có thể nói, trong cụm làng nghề chế biến nông sản huyện Hoài Đức gồm 3 xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thì xã Dương Liễu là xã còn duy trì và sống ổn định bằng nghề làm miến. Công nghệ làm miến thủ công trước đây tại Dương Liễu đã dần được thay thế bằng máy. Ngoài làm miến bằng bột dong riềng, bột sắn, Dương Liễu còn làm các loại bún khô, bánh đa bột gạo. Những nhà làm nhiều có thể sản xuất hơn 1 tấn miến /ngày, còn trung bình mỗi hộ sản xuất 5-6 tạ /ngày. Mặc dù việc dùng hóa chất để tẩy trắng bột đã được các hộ làm miến sử dụng khá lâu, nhưng xem ra việc quản lý vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo ông Nguyễn Danh Bảo – Chủ tịch UBND xã Dương Liễu: Toàn xã có 14 xóm thì hầu như xóm nào cũng có rải rác các hộ làm miến. Nhưng nhiều nhất vẫn là xóm Gia với hơn 30 hộ chuyên sống bằng nghề cha truyền con nối này. Vì là làng nghề truyền thống, đa số người dân đều sản xuất theo diện kinh tế hộ gia đình nên vấn đề chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được các hộ ở đây thực hiện. Thế nhưng, những người làm miến đều khẳng định rằng, so với các làng làm miến khác, miến ở đây vẫn đảm bảo chất lượng và họ vẫn ăn hàng ngày, đem bán trong siêu thị và thậm chí còn xuất khẩu?!

Khi chúng tôi hỏi về vấn đề kiểm tra chất lượng sản phẩm của những hộ làm miến, ông Nguyễn Danh Bảo cho biết: “Từ trước tới giờ xã chưa bao giờ kiểm tra cả”. Rồi ông đưa ra lý do: “Người ta cho vào cái gì mình làm sao biết được vì làm gì có phương tiện để thử. Để biết được có hại hay không thì chúng tôi … chịu! Phải có cơ quan chuyên môn lấy mẫu về đo nồng độ những chất hóa học trong miến thì mới có kết luận chính xác được. Nếu các lực lượng liên ngành về kiểm tra, xã sẵn sàng ủng hộ, nếu phát hiện hộ nào sử dụng hóa chất gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, xã sẽ đình chỉ ngay lập tức và làm theo đúng luật”.

Như vậy, việc các hộ sản xuất miến dùng các hóa chất gây độc hại đến đâu và kết luận cụ thể thể nào có lẽ phải đợi đến lúc các cơ quan chuyên môn vào cuộc. Hiện nay, biện pháp duy nhất mà UBND xã Dương Liễu có thể làm là tuyên truyền, yêu cầu các gia đình phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Liệu đây có đủ cơ sở để đảm bảo chất lượng của những sợi miến được hàng triệu người sử dụng hàng ngày?